Hà Nội "vứt" hàng tỷ đồng vì những cây cầu thiếu tầm nhìn
(Dân trí) - Mọc không đúng chỗ, hai cây cầu bộ hành trị giá hàng chục tỷ đồng đã phải “hi sinh” để nhường chỗ cho cầu vượt. Hà Nội cũng "ném" hơn 10 tỷ đồng để nâng cấp cây cầu mới thông xe nhằm phục vụ 35 chiếc xe buýt nhanh.
Hơn ba năm trước, Hà Nội bỏ ra 234 tỷ đồng để xây dựng 18 cây cầu vượt bộ hành nằm trên các tuyến đường Chùa Bộc, Láng Hạ, Giảng Võ, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Liễu Giai, Tây Sơn, Hoàng Quốc Việt, Trần Khát Chân, Giải Phóng… Mục tiêu của dự án là tăng cường an toàn trên các tuyến đường, hạn chế tai nạn giao thông cho người đi bộ và cải thiện giao thông dọc các tuyến đường chính trong hệ thống trục đường đô thị tại Hà Nội cũng như cải thiện môi trường sống tại các khu dân cư.
Tuy nhiên, không ít những cây cầu được cho là đặt không đúng chỗ nên vắng người qua lại. Trong quá trình sử dụng, có những thời điểm một số cây cầu “ế khách” trở thành “bãi rác”, nơi tiêm chích, hay sới bạc… gây mất mỹ quan đô thị. Số phận bi thảm của cầu vượt bộ hành chưa dừng lại ở đó. Vì nó mọc lên không đúng chỗ nên phải tháo dỡ nhường chỗ cho những cây cầu vượt dành cho xe cơ giới được cho là hiệu quả hơn.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, đầu tháng 2/2013, Hà Nội đã khởi công cây cầu vượt dài hơn 350 m, rộng 11 m. Cây cầu vượt bộ hành trên đường Trần Khát Chân do cách ngã tư vài chục mét và nằm ngay trên thân cây cầu vượt đang thi công nên buộc phải “hi sinh”. Đến nay, cây cầu bộ hành có giá trị hơn chục tỷ đồng đã được tháo dỡ để tạo điều kiện cho việc thi công cầu vượt có tổng mức đầu tư hơn 180 tỷ đồng. Dấu tích còn lại của cây cầu bộ hành trên tuyến đường này là những đống bê tông, gạch đá còn ngổn ngang trên vỉa hè đường Trần Khát Chân.
Cũng vì mục đích giải quyết ùn tắc giao thông đầu tháng 2/2013, Hà Nội khởi công cầu vượt vĩnh cửu dài 276m, rộng 17m, dành cho 4 làn xe cơ giới tại nút giao Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai. Cây cầu bộ hành trên đường Nguyễn Chí Thanh cũng có nguy cơ bị tháo dỡ nhường đường cho cây cầu vượt vĩnh cửu ở nút giao này. Dự kiến cây cầu bộ hành này được dịch chuyển xuống phía dưới khảng 100m.
Khi những cây cầu vượt dành cho xe cơ giới đang tỏ ra hiệu quả trong việc giải quyết ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm và Hà Nội cũng có kế hoạch xây thêm những cây cầu này, nhiều người dân đang lo ngại cho số phận những cây cầu bộ hành khác liệu có bị tháo dỡ khi mới sử dụng được vài năm.
10 tỷ đồng nâng cấp cây cầu sử dụng được 1 năm
Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khéo dài trên tuyến đường Chùa Bộc đến Huỳnh Thúc Kháng, đầu năm 2012, Hà Nội khởi công xây dựng hai câu cầu vượt ở các ngã tư Thái Hà - Tây Sơn và Láng Hạ - Thái Hà. Chỉ sau bốn tháng thi công, ngày 26/4/2012, hai cây cầu vượt này được khánh thành. Từ khi thông xe cầu vượt, vào giờ cao điểm tuyến đường này thông thoáng hơn hẳn. Tiếp đà này, Hà Nội khởi công thêm nhiều cây cầu vượt khác có giá trị hàng trăm tỷ đồng. Những cây cầu vượt lắp ghép này cũng được thành phố khác học hỏi làm theo.
Cầu vượt dành cho xe cơ giới trên đường Láng Hạ sẽ được gia cường cho xe buýt nhanh đi qua
Do thiết kế ban đầu, cầu vượt trên đường Láng Hạ chỉ cho xe dưới 3 tấn lưu thông với vận tốc 40km/h nên nhìn bên ngoài nhiều người thấy cây cầu này khá "mong manh". Chính vì vậy, hai đầu cầu được “đeo gông” sắt khá chắc chắn cản những chiếc xe có chiều cao quá khổ lọt qua. Thực tế đã có những chiếc xe buýt định đi thử lên cầu đã bị “gông sắt” cản lại, gây đổ trụ sắt.
Trong quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án xây dựng công trình giao thông đô thị, cây cầu vượt này sẽ làm thêm nhiệm vụ cho hơn 30 chiếc xe buýt nhanh tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa (có khả năng chở 90 hành khách) chạy qua. Chính vì vậy, cây cầu này sẽ được gia cường khả năng chịu lực.
Tổng số tiền gia cường cây cầu này khoảng hơn 10 tỷ đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng việc cây cầu mới được thông xe một năm đã phải đầu tư hơn 10 tỷ đồng để gia cường cho thấy tầm nhìn hạn chế trong việc quy hoạch giao thông đô thị ở Hà Nội.
Trúc Linh