1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội vẫn may mắn vì chưa “đẻ” ra những khu ổ chuột

(Dân trí) - Cùng bàn hướng tháo gỡ khó khăn về nhà ở đô thị ở Việt Nam… với cơ quan quản lý của Việt Nam, các chuyên gia nước ngoài khẳng định Hà Nội, TPHCM vẫn may mắn hơn nhiều nước trong khu vực vì chưa có những khu ổ chuột.

Ngày 12/3, Bộ Xây dựng và Ngân hàng thế giới (WB) phối hợp tổ chức hội thảo “Nhà ở xã hội tại Việt Nam và bài học từ kinh nghiệm quốc tế”.

Báo cáo tại hội thảo, Cục trưởng cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng Nguyễn Mạnh Hà cho biết, nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp hiện là 11,28 triệu m2, tương đương 282 nghìn căn. Trong giai đoạn 2013 – 2015, nhu cầu tăng thêm 2,64 triệu m2, tương đương 66 nghìn căn.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, nhu cầu tăng thêm 3,36 triệu m2, tương đương 84 nghìn căn. Như vậy, tổng nhu cầu từ nay đến năm 2020 là khoảng 432 nghìn căn tương đương khoảng 17,28 triệu m2.

Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS đã thống kê, hiện cả nước có hơn 3 triệu m2 sàn chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1991 với hơn 100.000 hộ dân đang sinh sống.

Trong đó, tính riêng Hà Nội hiện đang có khoảng 23 khu chung cư cũ cao 4-5 tầng với diện tích sàn khoảng 1 triệu m2 với trên 30 nghìn hộ và 10 khu nhà ở thấp tầng. Tại TP HCM con số này là 6 khu chung cư tập trung và nhiều nhà chung cư lẻ nằm rải rác trong 12 quận nội thành. Tính riêng các khu chung cư cũ bị hư hỏng nặng tại thành phố này là hơn 0,4 triệu m2 với khoảng 10 nghìn hộ dân hiện đang sinh sống.

Hiện tại tổng quỹ nhà ở trên toàn quốc vào khoảng 1.790 triệu m2. Nếu tính theo khu vực thì con số này tại các khu vực đô thị là gần 690 triệu m2 trong khi đó khu vực nông thôn là gần 1.100 triệu m2…
Hà Nội vẫn may mắn vì chưa “đẻ” ra những khu ổ chuột
GĐ Quốc gia của World Bank cho rằng Việt Nam chưa phải giải quyết tình trạng phát sinh những khu ổ chuột ở đô thị.

Giới thiệu kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội tại một số nước cũng có bức xúc về vấn đề này, Giám đốc Ban Phát triển đô thị của WB Sameh Naguib Wahba khái quát, được cấu thành bởi nhiều yếu tố như quy định phát triển, đất đai, tài chính phát triển, dịch vụ hạ tầng, công nghiệp xây dựng, tài chính cho người sử dụng cuối cùng…

“Bất kỳ mắt xích trong chuỗi yếu tố này yếu kém đều dẫn đến yếu kém trong việc phát triển nhà ở. Kinh nghiệm ở các nước làm tốt việc phát triển nhà ở xã hội là Nhà nước đưa ra được các khoản hỗ trợ tài chính cho người sử dụng cuối cùng; cung cấp được cho khoảng 50% cho những người có thu nhập thấp nhất các khoản tín dụng ưu đãi để thuê, mua nhà ở và quan trọng nhất là tăng cường khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển nhà…” – ông Sameh nói.

Dẫn chứng từ Brazil, ông Sameh thông tin, ít năm trước, đất nước đông dân bậc nhất thế giới này cũng thiếu hụt đến 7 triệu căn hộ. Nhà ở tại đây cũng tạo ra những khoản chi phí thái quá đối với người dân, mang lại gánh nặng cho 2/3 dân số. Chương trình nâng cấp khu ổ chuột ở Brazil sau đó đã giúp cải thiện chỗ ở cho hơn 4 triệu người dân trong vòng 8 năm. Giải pháp được nước này đặt ra là không chỉ quan tâm về chỗ ở mà còn là vấn đề tạo việc làm, cung cấp một gói tín dụng tổng thể để nâng đỡ, cải thiện kinh tế cho mỗi gia đình …

GĐ Quốc gia của WB, bà Victoria Kwakwa thì nhận định, ở Việt Nam, thách thức hiện tại ở đô thị là phân khúc nhà ở thương mại giá cao đang thừa cung trong khi nhà giá rẻ lại thiếu cung. Diễn biến thị trường này được đại diện WB gọi là một “thất bại”, làm người có thu nhập thấp ít có cơ hội tiếp cận với nhà ở.

Tuy nhiên, ở điểm khác, bà Kwakwa cho rằng, Việt Nam còn may mắn khi chưa có những khu ổ chuột như ở Philippine, Malaysia… Hà Nội, TPHCM chưa để xảy ra tình trạng đó. Chính sách khắc phục sự lệch pha cung – cầu của cơ quan quản lý nhà nước trong trường hợp này là đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho cả nhà ở thương mại và nhà ở xã hội.

Một đại diện đến từ tổ chức Habitat (Chương trình Định cư Con người) của LHQ, ông Nguyễn Quang đặt câu hỏi, chiến lược nhà ở quốc gia do Bộ Xây dựng vạch ra nhắm tới việc hỗ trợ 8 nhóm đối tượng như cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, bộ đội, người có công, người nghèo ở nông thôn… Số lượng người cần hỗ trợ tính ra rất lớn trong khi nguồn lực của nhà nước rất có hạn. Mà nhà ở xã hội với giá bán 10-15 triệu đồng/m2 vẫn là nằm ngoài tầm với của rất nhiều người dân.

“Bài học về thời kỳ bao cấp nhà ở mà càng bao cấp càng thiếu không được rút ra ở đây? Vai trò của cộng đồng dân cư cùng tham gia như nhiều mô hình thành công của các nước không được xem xét?” – ông Quang truy vấn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam trả lời ngay, quan điểm của Việt Nam là kiên quyết không quay trở lại chế độ bao cấp về nhà mà sẽ vận động theo thị trường. Từ khi bỏ chế độ bao cấp này, trong vòng 10 năm (1999-2009) – giai đoạn nhà nước không đầu tư một đồng nào để xây nhà thì quỹ nhà lại tăng được gấp đôi, đạt trên 700 triệu m2 sàn. Đó là thành tựu của hướng phát triển thị trường.

Ông Nam cũng xác nhận, như phân tích của bà Victoria Kwakwa, thị trường giai đoạn này có “khiếm khuyết” vì hướng đến phục vụ nhu cầu của lớp người có thu nhập cao quá lớn, làm giảm cơ hội tiếp cận nhà ở của những người thu nhập thấp.

8 đối tượng Bộ Xây dựng nêu ra, cảm tưởng như dàn trải nhưng ông Nam lưu ý những điều kiện áp dụng đi kèm, ví dụ cán bộ công chức có thu nhập thấp nhưng phải chưa có nhà ở hoặc nhà ở dưới 5m2/người mới được hỗ trợ.

Còn vấn đề nhà ở gắn liền với sinh kế, ông Nam ghi nhận, bà con ở khu phố cổ như Hàng Ngang, Hàng Đào (Hà Nội), ở chật chội trong một vài m2 như ở TPHCM, chỗ ngủ ở ngay dưới chân máy ép nhựa… vẫn quyết tâm bám trụ chứng tỏ nhà ở không chỉ là chỗ che mưa che nắng, nơi ăn ngủ mà là nơi để sinh tồn. “Vì vậy, nhiều người gợi ý đưa người nghèo ra rìa thành phố, đất rẻ, dễ lo nhà hơn nhưng quan điểm của chúng tôi nhất định không tách dời người nghèo ra khỏi khu vực với người giàu. Vậy nên theo luật, mọi khu đô thị vẫn phải dành tối thiểu 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội, không được đổi thanh toán bằng tiền” – ông Nam phân tích.

P.Thảo