Hà Nội ưu tiên bắt chó thả rông ở 12 quận nội thành
(Dân trí) - Theo lộ trình đề ra, dự kiến đến năm 2025, 12 quận nội thành Hà Nội sẽ trở thành "vùng an toàn bệnh dại"; riêng các huyện, thị xã sẽ phấn đấu đạt tiêu chí này vào những năm tiếp theo.
Thông tin nêu trên được ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Thú y Hà Nội, trao đổi với PV Dân trí vào chiều 13/4.
Theo ông Sơn, những tiêu chí nêu trên nằm trong kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2022 - 2030; đồng thời, việc thành lập đội bắt chó thả rông là một trong các giải pháp để đảm bảo "vùng an toàn", hướng tới mục tiêu cả thủ đô không còn bệnh dại.
"Hiện đã có 4 quận nội thành gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân, Tây Hồ được công nhận vùng an toàn bệnh dại. Thành phố phấn đấu dự kiến đến năm 2025 sẽ xây dựng thành công vùng an toàn cho 12 quận nội thành. Sau đó mới triển khai vùng an toàn cho 5 huyện Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì rồi đến các huyện, thị xã còn lại" - ông Sơn nói.
Vị Chi cục trưởng Thú y Hà Nội cho hay, để xây dựng được vùng an toàn bệnh dại thì các địa phương phải quản lý được số chó nuôi trên địa bàn, đồng thời phải triển tiêm triệt để vaccine phòng dại cho đàn chó nuôi.
Bên cạnh đó, người dân không để chó thả rông, không để chó chạy ra đường mà không có rọ mõm, không có xích và phóng uế bừa bãi.
Về lực lượng tham gia đội bắt chó thả rông, theo ông Sơn, hiện nay các phường đã triển khai mỗi tổ có khoảng 6-8 người là bảo vệ tổ dân phố, dân quân, công an viên, y tế, nhân viên thú ý, cán bộ chuyên trách bắt chó....
Các đội sẽ hoạt động với tần suất, thời gian không cố định để tăng tính đột xuất nhằm phát hiện, xử lý các vi phạm của chủ vật nuôi, đặc biệt tập trung tại các khu vui chơi giải trí ngoài trời. "Tính đột xuất, bất ngờ của đội bắt chó thả rông nhằm nâng cao ý thức tự giác của người dân" - ông Sơn bày tỏ.
Chia sẻ thêm về thực trạng triển khai các tổ bắt giữ chó thả rông trên địa bàn trong thời gian vừa qua, Chi cục trưởng Thú y Hà Nội cho biết, công việc này đã gặp phải một số khó khăn như: Dụng cụ bắt giữ chó chưa chuyên dụng; chế độ chi trả cho lực lượng tham gia bắt chó thả rông còn chưa tương xứng…
Bên cạnh đó, khi bắt chó mà chưa xác định được ai là chủ nhân khiến việc nuôi nhốt, chăm sóc, đồng thời thông báo rộng rãi để chủ tới nhận chó cũng gặp nhiều khó khăn.
"Trong khi đó, hiện có nhiều người dân nuôi giống chó có giá trị vài chục triệu đồng nên việc chăm sóc những con chó này sau khi đã bị bắt giữ cũng đặt ra nhiều vấn đề cho đội bắt giữ chó thả rông" - ông Sơn chia sẻ.
Để chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2022 - 2030 đạt hiệu quả, ông Sơn khuyến cáo, người dân nên nâng cao ý thức cộng đồng, đặc biệt là việc tiêm phòng vaccine và đeo rọ mõm cho chó…
Trước đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu, trong giai đoạn từ 2022 - 2030, 579 UBND cấp xã trên địa bàn phải quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; thành lập đội bắt chó thả rông… nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, cộng đồng.
Theo đó, kế hoạch đặt mục tiêu quản lý được trên 90% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2030. Duy trì tỷ lệ tiêm vaccine dại trên 90% tổng đàn chó, mèo nuôi hàng năm trong cả giai đoạn 2022 - 2030.
Kế hoạch cũng nêu mục tiêu 100% các quận, huyện, thị xã giám sát được chó, mèo mắc bệnh, nghi mắc bệnh dại trong giai đoạn 2022 - 2030. Hoàn thành xây dựng vùng an toàn bệnh dại đối với các quận chưa được công nhận hiện nay trước năm 2025; duy trì tốt các điều kiện an toàn dịch bệnh đối với 100% các vùng an toàn dịch bệnh dại đã được công nhận trong giai đoạn 2017 - 2021…