1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội, TPHCM và 10 tỉnh thành được đề xuất cách ly xã hội thêm 1 tuần

(Dân trí) - 12 địa phương được xếp vào nhóm 1 (nhóm có nguy cơ cao bùng phát dịch Covid-19). 15 tỉnh thành khác được xếp vào nhóm 2 (nhóm có nguy cơ vừa)…

Cách ly xã hội

Hà Nội, TPHCM là 2 địa phương đương nhiên thuộc nhóm có nguy cơ cao, đề xuất thực hiện cách ly xã hội thêm ít nhất 1 tuần. (Ảnh: Trọng Trinh)

Báo cáo về việc chia nhóm các tỉnh, thành của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 được đưa ra tại cuộc họp sáng 15/4, ngày cuối cùng trong thời hạn cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Ban Chỉ đạo thống nhất kiến nghị Thủ tướng tiếp tục thực hiện cách ly xã hội theo 3 nhóm. 

Cụ thể, danh sách 12 tỉnh, thành thuộc nhóm 1, sẽ tiếp tục thực hiện quy định cách ly xã hội thêm 1 tuần là: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Tĩnh.

Với nhóm này, Ban Chỉ đạo quốc gia đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm tất cả các nội dung Chỉ thị 16 đến hết ngày 22/4/2020. Ban Chỉ đạo sẽ đánh giá và báo cáo, đề xuất Thủ tướng quyết định.

15 tỉnh, thành thuộc nhóm 2, nhóm có nguy cơ trung bình là: Thái Nguyên, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hải Phòng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước.

36 tỉnh thành còn lại được xếp vào nhóm 3, có nguy cơ thấp.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia, các địa phương thuộc nhóm 2, nhóm 3 cần có các hình thức hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng phải có quy định cụ thể để đảm bảo yêu cầu chống dịch. Ngoài ra các tỉnh thành này vẫn phải thực hiện các biện pháp bắt buộc gồm: Hạn chế ra khỏi nhà, khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang; Thường xuyên rửa tay, giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác tối thiểu 2 mét; Cấm tập trung đông người (kể cả các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng); Cấm các dịch vụ vui chơi giải trí, tiếp tục đóng cửa các khu du lịch.

Theo Ban chỉ đạo, có 4 hoạt động lớn khác biệt giữa 3 nhóm “nguy cơ cao”, “nguy cơ vừa”, “nguy cơ thấp”, đó là: Việc ra khỏi nhà theo các mức độ yêu cầu, việc mở các cửa hàng không thiết yếu theo mức độ, việc vận chuyển bằng các phương tiện công cộng, việc tập trung đông người.

Cụ thể, với nhóm 12 tỉnh thành “nguy cơ cao”, việc hạn chế ra khỏi nhà; cấm tập trung đông người; đóng cửa (với hoạt động vui chơi giải trí, lễ hội, lễ nghi tôn giáo đông người, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết, trường học); hạn chế giao thông (hàng không, xe khách, taxi, kể cả taxi công nghệ), áp dụng biện pháp phòng bệnh cá nhân (đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc, sát khuẩn rửa tay xà phòng); dừng hoạt động doanh nghiệp/nhà máy/xí nghiệp, kinh doanh cá nhân là “bắt buộc”.

Với nhóm 15 tỉnh thành “nguy cơ vừa”, các quy định nới lỏng hơn ở mức “yêu cầu thực hiện” biện pháp: đóng cửa cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu; hàng không, xe khách, taxi; dừng hoạt động doanh nghiệp/nhà máy/xí nghiệp, kinh doanh cá nhân.

Với các tỉnh thành “nguy cơ thấp”, mức “nới lỏng” tăng thêm ở chỗ, một số biện pháp như đóng cửa cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu; hàng không; dừng hoạt động doanh nghiệp/nhà máy/xí nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ lẻ, kinh doanh cá nhân chỉ ở mức “khuyến cáo thực hiện”.

Ban Chỉ đạo quốc gia cũng kiến nghị các biện pháp yêu cầu triển khai ở tất cả các địa phương là tiếp tục thực hiện các quy định quan trọng đang triển khai.

- Thống nhất kiến nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt hơn; Kiến nghị các giải pháp tiếp tục thực hiện phải được thực hiện ở tất cả các địa phương theo chỉ thị 15 của Thủ tướng.

- Hạn chế ra khỏi nhà; khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay, giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác tối thiểu 2 mét;

- Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế thực sự cần thiết phải tổ chức do cấp uỷ, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện theo hướng dẫn phòng chống dịch của Bộ Y tế.

- Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn để quy định các biện pháp bổ sung nhằm đảm bảo mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế xã hội.

- Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong thực hiện các quy định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Trung ương.

- Yêu cầu các địa phương bố trí cán bộ, cập nhật số liệu theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo và thành lập đội truy vết để kịp thời khoanh vùng, dập dịch. Đồng thời có giải pháp phòng chống dịch kịp thời để giảm mức độ nguy cơ lây lan dịch bệnh do các yếu tố chủ quan trên địa bàn.

- Chỉ đạo Bộ Tư pháp, Bộ Công an hướng dẫn các địa phương việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, trích xuất hình ảnh để phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các hành vi không đeo khẩu trang, tập trung đông người.

- Người đứng đầu chính quyền địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo lực lượng y tế, công an, các lực lượng có liên quan đảm bảo việc người dân đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế áp dụng biện pháp phòng chống dịch, chỉ đạo việc phân loại, khám sức khỏe tại nhà cho các đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền.

- Đối với các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, nhà máy lớn, phải có chỉ đạo quyết liệt thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng chống dịch của Bộ Y tế.

Phương Thảo