1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội tiếp tục đề xuất dịch vụ xe đạp công cộng, thí điểm làn đường riêng

Nguyễn Trường

(Dân trí) - 4 quận nội thành cùng các lối lên xuống của tuyến tàu metro Cát Linh - Hà Đông được Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất thành phố cho phép thí điểm dịch vụ cho thuê xe đạp.

Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất UBND TP cho phép một doanh nghiệp tư nhân tổ chức thực hiện triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn một số quận nội đô trong thời gian 12 tháng.

Hà Nội tiếp tục đề xuất dịch vụ xe đạp công cộng, thí điểm làn đường riêng - 1

Sở GTVT Hà Nội nhận định, xe đạp công cộng sẽ đem đến cho người dân một "phương tiện hiện đại, thuận tiện, thân thiện", tăng khả năng kết nối vận tải hành khách công cộng (Ảnh minh họa).

Theo đề xuất, doanh nghiệp sẽ triển khai giai đoạn 1, dự kiến thí điểm từ 2022-2023, với quy mô 1.000 xe (50% là xe đạp điện) với 94 vị trí đặt xe. Tổng vốn đầu tư dịch vụ này khoảng 30 tỷ đồng.

Trong năm đầu tiên, doanh nghiệp này xin miễn phí vỉa hè và có thu phí dịch vụ trong 12 tháng. Giai đoạn tiếp theo, căn cứ vào số liệu vận hành thực tế, doanh nghiệp sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổng hợp kết quả triển khai làm căn cứ báo cáo, đề xuất UBND TP Hà Nội về nội dung này.

Ở giai đoạn 1, số xe này sẽ được bố trí tại từ 70 đến 80 vị trí tại các quận: Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và các điểm cạnh lối lên xuống của tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Giai đoạn 2, dự kiến từ năm 2023 - 2024 mở rộng vùng phục vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm. Quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm, chi tiết các địa điểm này sẽ được đơn vị thực hiện và cơ quan có liên quan khảo sát, lựa chọn cụ thể.

Quá trình thí điểm, người dân có thể sử dụng dịch vụ thông qua phần mềm trên smartphone: mở khóa xe bằng quét mã QR, tìm trạm và đặt xe qua ứng dụng...

Chi phí cho mỗi lượt 30 phút là 5.000 đồng đối với xe đạp và 10.000 đồng đối với xe đạp điện. Người dân có nhu cầu thuê cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng với xe đạp và 120.000 đồng với xe đạp điện. Ngoài ra, hệ thống cũng có vé theo tháng, quý và năm; thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.

Sở GTVT Hà Nội đánh giá, mô hình thuê xe đạp giúp nâng cao hiệu quả phương tiện công cộng, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường.

Thông tin thêm về kết quả triển khai dự án xe đạp đô thị tại TPHCM và một số tỉnh trên cả nước, theo Sở GTVT, dịch vụ xe đạp công cộng đã được người dân, du khách sử dụng với đăng kí trung bình 944 tài khoản/ngày (tính đến ngày 31/7/2022). Khách sử dụng dịch vụ từ 2 tuyến trở lên là gần 59 nghìn người, chiếm khoảng 27%. Đặc biệt, hành khách sử dụng dịch vụ rơi vào 2 độ tuổi chính, cụ thể: 18-22 tuổi (chiếm 40%) và 22-40 tuổi (chiếm 45%).

Trước đó, hồi đầu năm 2022, Sở GTVT Hà Nội đã có đề xuất thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị Hà Nội.

Sau một thời gian nghiên cứu, đánh giá, Sở GTVT Hà Nội có quan điểm cho rằng, việc phát triển xe đạp công cộng để hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác ở TPHCM đã góp phần nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, xe đạp công cộng bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện thay vì hình thức đi bộ như truyền thống hiện nay.

Ngoài ra, nhằm tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc, Hà Nội còn yêu cầu các sở, ngành thực hiện hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nghiên cứu thí điểm làn đường dành cho xe đạp.