Hà Nội: Thưa thớt hồ sơ đăng ký thất nghiệp

(Dân trí) - Sau TPHCM, từ 6/1 Hà Nội bắt đầu tiếp nhận hồ sơ giải quyết quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Tuy nhiên số hồ sơ đã tiếp nhận chỉ vài chục người, trong khi toàn thành phố có trên 15 nghìn người thất nghiệp.

Theo báo cáo, tại TPHCM, sau 3 ngày tiếp nhận hồ sơ đăng ký thất nghiệp đã có trên 1.200 người nộp hồ sơ.

Hà Nội: Thưa thớt hồ sơ đăng ký thất nghiệp - 1
Nhiều người chưa biết về quyền lợi của khi nộp hồ sơ đăng ký thất nghiệp. (Ảnh MH)
 
Trong khi đó, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, tính đến chiều ngày 6/1, mới có vài chục cá nhân đến đăng ký thất nghiệp. Con số này rất nhỏ so với lượng người thất nghiệp năm 2009 tại Hà Nội lên tới 15.150 người.

NLĐ đóng đủ BHTN từ 12 tháng đến dưới 36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp (bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi bị mất việc); 6 tháng nếu có đủ từ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng BHTN; 9 tháng nếu có đủ từ 72 đến dưới 144 tháng đóng BHTN và 12 tháng nếu có đủ từ 144 tháng đóng BHTN trở lên…Ngoài ra người mất việc vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.

Theo bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, nguyên nhân có thể do người lao động (NLĐ) chưa nắm được thông tin. Ngoài ra có không ít trường hợp chưa đáp ứng đủ bởi 3 điều kiện được hưởng trợ cấp, đó là: NLĐ đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ); đã đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc làm, chấm dứt HĐLĐ; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động.

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội thông báo: Người mất việc có thể nộp hồ sơ thất nghiệp tại 8 điểm tiếp nhận sau: Tại phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện, thị xã gồm: Long Biên, Thanh Trì, Sóc Sơn, Hoài Đức và Sơn Tây; 3 điểm còn lại đặt tại Phòng bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội.

Hướng dẫn từ Bộ LĐ-TB&XH, trong thời gian 7 ngày, kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ tại nơi làm việc, NLĐ cần đi nộp hồ sơ đăng ký thất nghiệp. Khi đi đem theo đơn đề nghị hưởng BHTN (theo mẫu); xuất trình chứng minh thư nhân dân; bản sao HĐLĐ đã hết hạn, hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng hoặc xác nhận của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng và sổ bảo hiểm xã hội có kèm theo bản photo.

Các điểm tiếp nhận hồ sơ sẽ làm việc trong giờ hành chính vào các buổi sáng, từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần.

Thống kê năm 2009 cho thấy cả nước có 133.000 người mất việc làm.

P. Thanh