Hà Nội thông tin việc sắp cho thuê nhiều vỉa hè, lòng đường
(Dân trí) - Hà Nội cho rằng đề án quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố hướng tới quản lý trật tự đô thị, sau đó mới là mục đích kinh tế và an sinh xã hội.
Ngày 19/2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo đề án của UBND thành phố về quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố.
Mục đích đầu tiên là quản lý trật tự đô thị
Ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội (cơ quan được giao xây dựng đề án), cho biết dự thảo đề án quy định hè phố đủ điều kiện để cho thuê phải có chiều rộng tối thiểu 3m, trừ trường hợp đặc biệt trong khu vực phố cổ.
Bên cạnh đó, hè phố đủ điều kiện để kinh doanh cần bảo đảm cho nhu cầu đỗ xe của khách.
Trong điều kiện hộ kinh doanh không có chỗ đỗ xe cho khách thì có thể xem xét khi bảo đảm một trong các yêu cầu như từ địa điểm kinh doanh đến bãi đỗ xe gần nhất không lớn hơn 500m; khoảng cách từ địa điểm kinh doanh đến ga, bến xe công cộng gần nhất không lớn hơn 500m.

Ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, khẳng định mục đích của đề án là khắc phục được những bất cập trong quản lý, khai thác sử dụng vỉa hè và một phần lòng đường trong thời gian qua (Ảnh: CTV).
Theo dự thảo đề án, đối với các vỉa hè có bề rộng lớn hơn 4m mà không tổ chức kinh doanh, UBND cấp huyện có thể cấp phép trông giữ phương tiện xe máy tùy theo nhu cầu của từng khu vực, bảo đảm không lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ (tối thiểu 1,5m).
Sau khi khảo sát hiện trạng 273 tuyến phố trên địa bàn thành phố, cơ quan xây dựng đề án đề xuất 9 mô hình hè phố đủ điều kiện sử dụng tạm thời để kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế đô thị, trông giữ phương tiện giao thông…
Trong danh sách các tuyến phố đủ điều kiện khai thác có phố Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Dã Tượng, Tràng Tiền, Hàng Khay, Ngô Quyền, Hàm Long, Chùa Bộc, Huỳnh Thúc Kháng, Giảng Võ, Trần Đại Nghĩa, Trần Khát Chân...
Dự thảo đề án cũng quy định việc cấp mới, điều chỉnh, thu hồi giấy phép sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ hoặc kinh doanh do Sở Giao thông vận tải, UBND cấp huyện thực hiện theo phân cấp.
Phí sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ hoặc kinh doanh được xác định theo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội…
Ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, khẳng định, mục đích chính của đề án là khắc phục được những bất cập trong quản lý, khai thác sử dụng vỉa hè và một phần lòng đường thời gian qua.
Quản lý trật tự đô thị là đầu tiên, tiếp đó mới đến vấn đề khai thác phục vụ mục đích kinh tế và giải quyết vấn đề về an sinh xã hội, theo ông Phong.

Vỉa hè trên phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (Ảnh: Bạch Huy Thanh).
Tránh xung đột lợi ích
Góp ý vào dự thảo đề án, ông Bạch Thành Định, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho rằng, đề án cần nghiên cứu kỹ về đặc trưng từng tuyến phố, khung thời gian phù hợp để thực hiện hiệu quả.
Theo ông Định, có những tuyến phố ban ngày kinh doanh được nhưng ban đêm lại không hiệu quả, hay có những tuyến phố buổi sáng tắc đường mà lại sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè cho trông giữ xe thì không ổn.
Ông Định cũng lưu ý, không phải cấp phép là xong, mà còn phải tổ chức quản lý. Ví dụ, cho kinh doanh mặt hàng gì, ai là người kiểm tra, giám sát, duy trì thường xuyên; vấn đề rác thải; đảm bảo môi trường đô thị...
Về vấn đề này, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, lưu ý, quy định về lòng đường, vỉa hè ở Hà Nội đã trải qua nhiều giai đoạn, mỗi thời điểm lại có các quy định khác nhau. Vì thế, đề án nhấn mạnh yếu tố "tạm thời" là cần thiết để sau này có những điều chỉnh phù hợp.
Các cơ quan có liên quan cần nghiên cứu sâu hơn về vai trò, chức năng của vỉa hè, lòng đường để có những định nghĩa phù hợp, từ đó đề án sẽ triển khai thuận lợi hơn, sát thực tiễn hơn, theo ông Nghiêm.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, phát biểu góp ý (Ảnh: CTV).
Vị chuyên gia cho rằng, cần quan tâm việc triển khai đề án ở phạm vi nào, có phải áp dụng toàn thành phố hay không... bởi không phải vị trí nào cũng áp dụng được, ngoại thành và nội thành khác nhau.
"Quan trọng là không được để xảy ra mâu thuẫn khi thực hiện đề án vì việc sử dụng vỉa hè, lòng đường liên quan nhiều đối tượng", ông Nghiêm nêu rõ.
Theo ông Nghiêm, đây là một cuộc "cách mạng" vì liên quan, tác động đến người dân, cần có các giải pháp tránh xung đột lợi ích.
Còn theo ông Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, việc triển khai đề án là cần thiết để phục vụ nhu cầu từ thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, vấn đề này đã đặt ra từ lâu, có diễn biến phức tạp, nhiều ý kiến trái chiều.
Ông Hoạt cho rằng lòng đường, vỉa hè cần ưu tiên mục tiêu cao nhất là đảm bảo giao thông. Khi triển khai đề án, cần công khai, minh bạch, đảm bảo không bị khiếu kiện.