1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội

Đề xuất thí điểm cho thuê vỉa hè ở quận Hoàn Kiếm

Hà Mỹ

(Dân trí) - Dự thảo đề án về quản lý, khai thác và sử dụng vỉa hè trên địa bàn Hà Nội quy định mức phí sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh trên các tuyến phố chính ở 4 quận nội thành là 45.000 đồng/m2/tháng.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết dự thảo Đề án quản lý, khai thác, sử dụng vỉa hè trên địa bàn thành phố vừa được hoàn thiện và đang trình UBND TP xem xét, cho ý kiến. 

Theo lộ trình, dự thảo sẽ được thành phố xem xét, lấy ý kiến người dân cũng như các sở ngành liên quan. Các đơn vị chức năng sau đó sẽ tiếp thu các ý kiến, điều chỉnh phương án phù hợp. 

"Đề án nhằm hướng đến việc quản lý, khai thác vỉa hè một cách đồng bộ, bài bản, hiệu quả trên địa bàn thành phố, chứ mục tiêu không phải là thu phí, tính tiền", lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết. 

Đề xuất thí điểm cho thuê vỉa hè ở quận Hoàn Kiếm - 1

Tại nhiều tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm, vỉa hè trở thành nơi bày bán hàng hóa, đẩy người đi bộ xuống lòng đường (Ảnh: Hà Mỹ).

Theo đề xuất dựa trên kết quả đánh giá hiện trạng 131 tuyến phố, dự thảo đưa ra phương án thu phí sử dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh và trông giữ phương tiện. 

Cụ thể, dự thảo quy định mức 45.000 đồng/m2/tháng phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để kinh doanh trên các tuyến phố chính, tuyến phố văn hóa ẩm thực, chợ đêm tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Ở 8 quận nội đô còn lại, mức phí này là 40.000 đồng/m2/tháng.

Riêng với thị xã Sơn Tây và các tuyến phố khác, phí thuê vỉa hè để kinh doanh là 25.000 đồng/m2/tháng; còn với các huyện là 20.000 đồng. 

Với phí sử dụng tạm thời lòng đường vỉa hè để trông giữ ôtô, dự thảo quy định theo Nghị quyết số 06 của HĐND TP Hà Nội, với mức 240.000 đồng/m2/tháng ở các tuyến phố cần hạn chế và 150.000 đồng cho các tuyến phố còn lại của quận Hoàn Kiếm.

Các tuyến phố cần hạn chế của quận Hoàn Kiếm: Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Hàng Đường, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Giấy, Phủ Doãn, Quán Sứ.

Mức phí sử dụng lòng đường, vỉa hè để trông giữ xe đạp, xe máy cũng được quy định theo Nghị quyết trên, với mức 135.000 đồng/m2/tháng ở các tuyến phố cần hạn chế và 90.000 đồng cho các tuyến phố còn lại ở quận Hoàn Kiếm. 

Phí sử dụng lòng đường, vỉa hè để trông giữ ô tô và xe đạp, xe máy ở các quận còn lại là 25.000-30.000 đồng/m2/tháng; ở thị xã Sơn Tây và các huyện ngoại thành là 20.000 đồng. 

Tổ soạn thảo đề án đề xuất thực hiện thí điểm đề án quản lý, khai thác, sử dụng vỉa hè để kinh doanh tại quận Hoàn Kiếm. Sau khi tổng kết, đánh giá kết quả bước đầu, các đơn vị tiếp tục xem xét việc thực hiện đề án tại khu vực đô thị thuộc của các quận, huyện khác. 

Trước đó vào năm 2021, quận Hoàn Kiếm đã thí điểm cho thuê vỉa hè để kinh doanh ở 4 điểm với mục đích giới thiệu, quảng bá sản phẩm, chủ yếu là cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh. Các điểm này gồm: 94 Lý Thường Kiệt, 30 Lý Thường Kiệt, 11 Lê Phụng Hiểu, 15 Ngô Quyền.

Những địa điểm trên đều là các khách sạn, nhà hàng lớn, có vị trí mặt tiền rộng và thoáng, phần vỉa hè đảm bảo không gian cho mục đích kinh doanh, bày bán sản phẩm và vẫn dành được không gian cho người đi bộ. 

Dù thành công trong việc thu phí vỉa hè với 4 địa điểm trên, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm thừa nhận đây không phải hình mẫu chung để áp dụng cho nhiều tuyến phố, do đặc trưng đa số tuyến phố có vỉa hè nhỏ nên cần tính toán để đảm bảo tối ưu về khai thác không gian.