1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội thành siêu đô thị với 9,2 triệu người vào năm 2030

(Dân trí) - “Quy hoạch chung Hà Nội đặt ra thách thức lớn cho việc xác định nguồn vốn đầu tư đến hàng trăm tỉ USD, phân bổ dân cư và hạ tầng kỹ thuật kết nối với 5 khu đô thị về tinh... Nếu vấp váp khi xây dựng siêu đô thị sẽ dẫn tới vỡ trận”.

Nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà Nội - KTS Đào Ngọc Nghiêm cảnh báo về những điểm mới nhất trong bản Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt.

Trục Hồ Tây - Ba Vì chỉ dừng ở vành đai 3, 4
 
Đồ án quy hoạch chung vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt không còn đề cập đến việc dành quỹ đất dữ trữ cho trung tâm hành chính quốc gia trên Ba Vì, ông nhìn nhận thế nào về việc này?
Bản chất của Thăng Long là sự giao thoa văn hóa có chọn lọc. Do vậy, điều đặt ra sau khi Hà Nội mở rộng là sự gắn kết giữa văn hóa Thăng Long với văn hóa xứ Đoài như thế nào. Nhưng kết hợp văn hóa không phải là sự kết nối bằng một hệ thống đường giao thông hay đầu tư xây dựng một khu vực của vùng văn hóa đó. Việc kết nối đó phải tạo ra được sự giao thoa một cách hài hòa.
 
Hà Nội thành siêu đô thị với 9,2 triệu người vào năm 2030 - 1
 Nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm.

Trong quy hoạch lần trước có đặt ra vấn đề coi Ba Vì là trung tâm chính trị - hành chính mới là không cần thiết vì từ 1.000 qua Thăng Long - Hà Nội đã định đô ở đây. Điểm mới khẳng định Ba Vì lần này là khu sinh thái chứ không phải là khu dự trữ. Như vậy, việc đặt ra là chúng ta phải bảo tồn, phát triển khu vực sinh thái của Ba Vì. Đó là sự tiếp thu những ý kiến đóng góp của nhân dân.

Không còn quy hoạch dự trữ đất trung tâm chính trị - hành chính quốc gia ở Ba Vì, liệu việc xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì còn nhiều ý nghĩa nữa không, thưa ông?

Mô hình đô thị được kết nối với nhau bằng hệ thống giao thông mạng nhện từ các thời kỳ phong kiến, pháp thuộc, cho đến 6 giai đoạn làm quy hoạch từ năm 1954 đến nay. Với đô thị tổ chức như hiện nay thì càng có nhiều tuyến đường kết nối với trung tâm càng thuận lợi.

Nhưng vấn đề đặt ra là phải xác định các nguồn lực chúng ta có để làm đường. Trước kia chúng ta đặt vấn đề mở một đại lộ nối Hồ Tây - Ba Vì thì nay chỉ mở một đoạn qua vành đai 3, vành đai 4 để đảm bảo kết nối đô thị giữa khu vực phát triển của thành phố với khu vực nội đô lịch sử. Còn phần khác không phải là trục xuyên tâm mà chỉ là trục không gian. Như vậy sẽ tạo ra sự gắn kết hợp lý với các đô thị vệ tinh có tính độc lập tương đối, phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế.
 
Kinh phí sẽ còn cao hơn nhiều mức 100 tỷ USD

Theo quy hoạch, dân số Hà Nội trong tương lai lên đến gần 10 triệu người. Nhưng với 6,6 triệu người như hiện nay Hà Nội đã tồn tại hàng loạt bài toán khó giải quyết như nhà ở, chênh lệnh giàu nghèo... Liệu điều này có càng làm khó chính quyền thành phố?

Hà Nội thành siêu đô thị với 9,2 triệu người vào năm 2030. Xu thế chung trên thế giới hiện nay là hạn chế siêu đô thị và đô thị nén. Vì vậy, cái cần đạt được trong quy hoạch cấu trúc Hà Nội trong tương lai là chùm đô thị. Đô thị trung tâm có dân số 4,5 - 5 triệu người. Số còn lại phân bố ở đô thị vệ tinh và đô thị sinh thái. Giải quyết nhà ở cho người dân là vấn đề lớn nhưng tôi tin là có thể đạt được.

Để làm được điều này, theo tôi, Hà Nội phải xây dựng thêm nhiều nhà chung cư, hạn chế phát triển biệt thự, nhà vườn. Vấn đề quan trọng không phải vì số lượng nhà mà phải cơ cấu hợp lý đó là việc có nhà ở xã hội, công vụ, nhà cho thuê để đáp ứng cho người thu nhập thấp. Đây là bài toán đòi hỏi phải có chính sách hợp lý.

Hiện đã có dấu hiệu phân hóa giàu nghèo rất lớn. Nhìn về góc độ chuyên môn, việc này đòi hỏi những người làm quy hoạch, những nhà tư vấn phải có cách nhìn để giảm dần khoảng cách chất lượng sống hơn 4 triệu nông dân với người sống trong thành phố.

“Siêu đô thị” đặt ra những tham vọng lớn, trong khi tiềm lực của chúng ta chưa đủ mạnh. Nhiều ý kiến lo ngại việc này sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ với thành phố?

Thách thức rất lớn cho Hà Nội là hệ thống cơ sở hạ tầng để kết nối giữa đô thị vệ tinh với đô thị trung tâm. Việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật mới có thể giải quyết được những thách thức tiếp theo là việc phân bổ lại dân cư theo hướng hút dân số ở trung tâm ra đô thị vệ tinh.

Để thực hiện cấu trúc đô thị và mô hình không gian như đô thị được duyệt đòi hỏi nguồn kinh phí cực lớn. Hiện có nhiều tính toán khác nhau, dự tính 60- 90 hay 100 tỷ USD. Theo tính toán của tôi con số này còn cao hơn rất nhiều.

Trong bản quy hoạch này chưa đưa ra các nguồn lực để phát triển. Vậy những người thực hiện quy hoạch này bằng cách nào để tìm ra nguồn kinh phí. Đấu giá quyền sử dụng đất hay huy động nguồn lực xã hội ra sao? Chúng ta chấp nhận những dự án đầu tư nước ngoài… nhưng làm thế nào để không bị lệ thuộc?

Việc phát triển đô thị hiện đại nhưng phải có bản sắc đang hướng tới xu thế chung của thế giới. Làm sao chúng ta giữ được hệ thống di sản như khu phố cổ, trung tâm Ba Đình, khu phố Pháp, làng nghề truyền thống và làng cổ như Đường Lâm.
 
Vấp váp quy hoạch vài chục năm mới gỡ được

Để giải quyết những thách thức đó, trong tương lai, chính quyền Hà Nội phải làm gì?

Đây là việc rất khó. Sắp tới Hà Nội phải xem xét các dự án chiến lược, sau đó phải rà soát dự án ưu tiên đầu tư trước. Hà Nội cũng phải lựa chọn cái gì để tạo được nội lực luôn dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển.
Hà Nội thành siêu đô thị với 9,2 triệu người vào năm 2030 - 2
Người dân Hà Nội xem sơ đồ quy hoạch Thủ đô.

Trong những năm qua tốc độ phát triển dân số của cả nước là 1,2% nhưng Hà Nội tới 2%. Với số dân cư tăng trưởng và tăng cơ học như vậy không phải ai cũng đủ trình độ và năng lực như chúng ta mong muốn. Vậy chúng ta phải có giải pháp cho vấn đề tăng dân số như thế nào để phù hợp chức năng của Thủ đô…

Thực tế việc thực hiện quy hoạch Hà Nội lộ nhiều vấp váp trong quá trình triển khai dẫn tới hiệu quả của quy hoạch không như mong muốn. Nếu Hà Nội còn lặp lại điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến quy hoạch chung?

Khu vực phố cổ, từ năm 1998, chúng ta đã đặt ra việc di dân khu vực này nhưng đến nay chưa thực hiện được. Cũng từ năm 1998, từ vành đai 2 trở vào là khu vực hạn chế phát triển dân số và đặt mục tiêu giảm từ 960.000 dân xuống còn 860.000 dân. Đến nay, thực tế chúng ta không giảm được mà còn để tăng thêm gần 1,3 triệu người. Trong quy hoạch lần này vẫn đặt ra chỉ tiêu giảm xuống còn 800.000 người.

Đừng nghĩ còn rằng 20 năm nữa mới đến năm 2030 là thời gian còn dài. Vì vậy, để thực hiện quy hoạch đòi hỏi chính quyền thành phố cần có sự quyết liệt. Hà Nội tương lai phải có hình thức quản lý theo kiểu mới và đặc biệt phải tìm ra nguồn lực để phát triển.

Như vậy, thách thức cho người quản lý ở Hà Nội là cực lớn. Có được quy hoạch đã là một vấn đề khó nhưng tiếp sau quy hoạch chung này chúng ta phải hoàn thiện cơ sở pháp lý về quy hoạch đó là điều lệ, quy chế quản lý của toàn thành phố, của từng khu vực.

Để đạt được các vấn đề nêu trong quy hoạch đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhiều ngành khoa học nếu không sẽ vấp váp. Mà vấp váp về quy hoạch không phải chỉ 1 vài năm gỡ được mà phải mất vài chục năm. Nếu không làm được sẽ thất bại, sẽ vỡ trận.

Quang Phong (thực hiện)