1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội tạm dừng bán 600 biệt thự cũ

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Từ ngày 19/4, Hà Nội sẽ tạm dừng việc bán 600 căn biệt thự cũ thuộc danh mục được bán, thuộc sở hữu nhà nước, đang bán dở dang… chủ yếu nằm ở các quận nội thành.

Thông tin nêu trên được Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng đưa ra tại buổi họp báo thông tin về công tác quản lý, sử dụng các biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn.

Hà Nội tạm dừng bán 600 biệt thự cũ - 1

Hà Nội sẽ tạm dừng việc bán 600 căn biệt thự cũ trên địa bàn thành phố kể từ ngày hôm nay (Ảnh minh họa).

Theo ông Dũng, những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến thông tin báo chí phản ánh rằng, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện bán 600 biệt thự cũ thuộc danh mục được bán, thuộc sở hữu nhà nước, đang bán dở dang…

"Sau khi được sự đồng ý chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội, của Bí thư Thành ủy Hà Nội và Chủ tịch UBND TP, Hà Nội sẽ tạm dừng việc tiếp tục bán 600 căn biệt thự cũ kể từ hôm nay để rà soát, tổng hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền. Khi nào có kết quả chính thức sẽ thông tin kịp thời đến dư luận" - ông Dũng nhấn mạnh.

Như Dân trí đã đưa tin trước đó, mới đây, UBND TP Hà Nội đã ký, ban hành quyết định về "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025".

Đáng chú ý, nhằm tạo lập nguồn vốn để thực hiện việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu nội đô lịch sử đối với các công trình nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc khác, quyết định nêu rõ thành phố sẽ tiếp tục thực hiện bán 600 biệt thự cũ thuộc danh mục được bán, thuộc sở hữu nhà nước, đang bán dở dang theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và các nghị định liên quan.

Hà Nội tạm dừng bán 600 biệt thự cũ - 2

Chánh Văn phòng UBDN TP Hà Nội Trương Việt Dũng phát biểu tại buổi họp báo chiều 19/4 (Ảnh: Nguyễn Trường).

Bên cạnh đó, thành phố sẽ rà soát trong danh mục 207 biệt thự cũ thuộc sở hữu nhà nước thuộc danh mục biệt thự không được bán để xây dựng phương án bán đấu giá hoặc đấu giá cho thuê 10 - 15 năm theo giá thị trường, trả tiền một lần đối với 34 biệt thự chuyên dùng do Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đang quản lý một phần hoặc toàn bộ biệt thự.

Động thái này được Hà Nội lý giải nhằm tạo lập nguồn vốn để thực hiện việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu nội đô lịch sử đối với các công trình nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc khác, thể hiện trong quyết định về "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025" vừa được UBND TP ký, ban hành.

Theo quy định, biệt thự thuộc đối tượng quản lý của Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 được phân loại thành 3 nhóm.

Cụ thể, nhóm 1 (70 - 100 điểm) là những biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; biệt thự gắn liền với cách mạng - kháng chiến được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng; biệt thự có giá trị đặc biệt về kiến trúc (từ 30 - 35 điểm về giá trị kiến trúc nghệ thuật).

Nhóm 2 (50-69 điểm) gồm những biệt thự có giá trị về kiến trúc nhưng không thuộc nhóm 1; nhóm 3 (dưới 50 điểm) gồm biệt thự không thuộc 2 nhóm nêu trên.

Hiện trên địa bàn thành phố có 1.216 biệt thự, gồm 367 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp giữa nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau; 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân.

367 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, gồm cả biệt thự của Văn phòng T.Ư Đảng, Cục Phục vụ ngoại giao Đoàn (Bộ Ngoại giao), của các cơ quan khác của T.Ư và thành phố, của các Cty quản lý nhà quản lý, có 177 biệt thự nhóm 1; 131 biệt thự nhóm 2; 59 biệt thự nhóm 3.

Các biệt thự cũ chủ yếu được xây dựng trước năm 1954 và ở các vị trí đẹp, chủ yếu nằm ở các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Tây Hồ; có kiến trúc kiểu Pháp hoặc kết hợp giữa kiến trúc phương Tây và Á Đông.