Hà Nội sẽ thí điểm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND quận, phường
(Dân trí) - Trên cơ sở cấp quận huyện, phường xã đăng ký, TP Hà Nội sẽ xem xét nếu đủ điều kiện sẽ cho thí điểm mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND.
Ngày 15/1, phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, ông Nguyễn Hoài Nam – Trưởng ban Pháp chế HĐND mong muốn Thường vụ Thành ủy Hà Nội sớm định hướng xây dựng bộ máy chính quyền đô thị ở Hà Nội. Bởi theo ông Nam chính quyền đô thị không đơn giản chỉ là hợp nhất giữa Bí thư, Chủ tịch mà phải giải quyết được nhiều vấn đề khác nhau trong bộ máy hành chính.
Cùng vấn đề trên, ông Nguyễn Phi Thường – Chủ tịch Tổng Công ty Vận tải Hà Nội nhận định, mô hình chính quyền đô thị không chỉ là kiêm chức danh (đảng – chính quyền) mà còn nhiều vấn đề liên quan, trong đó có việc kiểm soát quyền lực. Theo ông Nguyễn Phi Thường, mục tiêu cuối cùng của chính quyền đô thị là vừa tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu quả.
Phát biểu tại hội trường, ông Vũ Đức Bảo - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, trong năm 2018, thành phố phải trình được Bộ Chính trị đề án Chính quyền đô thị. Ông Bảo nhận định, đây là vấn đề rất lớn, sẽ động chạm đến tổ chức bộ máy, phân cấp phân quyền, ngân sách tài chính… Do vậy, cần phải có sự tập trung của lãnh đạo các sở ngành, quận huyện thì mới xây dựng được đề án.
Với vấn đề liên quan đến sáp nhập một số cơ quan trong bộ máy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố chỉ nêu ra mô hình, nguyên tắc như Bí thư kiêm Chủ tịch UBND. Tuy nhiên, thành phố cũng chưa thực hiện đồng bộ, mà nơi nào có điều kiện thì thực hiện.
“Trên cơ sở các địa bàn tự đăng ký, chúng tôi sẽ thẩm định xem có thực hiện được hay không. Còn riêng chức danh Giám đốc Trung tâm Chính trị và Trưởng Ban tuyên giáo thì phải làm đồng loạt trong năm 2018, đây là chỉ đạo từ Trung ương”, ông Vũ Đức Bảo nói.
Về vấn đề Bí thư kiêm Chủ tịch UBND, ông Đào Đức Toàn – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, vừa qua, Ban Tổ chức Thành ủy trình sơ bộ quy chế, tuy nhiên Thành ủy cho rằng, việc này phải làm hết sức chặt chẽ, cẩn thận, địa bàn nào đủ điều kiện mới thực hiện.
Thành ủy Hà Nội cũng đã giao cho Ban Tổ chức tham mưu xây dựng quy chế chức danh kiêm nhiệm. Trên cơ sở quy chế đó, thành phố sẽ lựa chọn cơ quan, tổ chức đủ điều kiện thực hiện.
“Anh Bảo có nói các đơn vị có đủ điều kiện thì đăng ký. Tuy nhiên, đơn vị đó có đủ điều kiện thực hiện hay không thì Ban Thường vụ phải rà soát, đánh giá mới cho làm”, ông Đào Đức Toàn nói thêm.
Ngày 15/1, phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, ông Nguyễn Hoài Nam – Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội cho rằng, tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế là vấn đề nhạy cảm, gặp nhiều khó khăn vì nó động chạm đến cá nhân những cán bộ liên quan. Vì vậy, ông Nam mong cả hệ thống chính trị thành phố vượt qua những khó khăn, nghiêm túc thực hiện kế hoạch đã đề ra.
Theo ông Nam, thành phố cần kiến nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội có những biện pháp để Hà Nội và TP HCM có chính sách đặc thù, thậm chí lập quỹ ngân sách hỗ trợ những cán bộ, công chức gần đến tuổi nghỉ hưu. “Dù cán bộ, công chức đó làm rất tốt nhưng cần lùi xuống – về nghỉ sớm để thế hệ trẻ phát triển”, ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Ông Vũ Cao Minh - Bí thư Quận ủy Thanh Xuân cho rằng, việc tinh giản biên chế rất khó khăn và còn tác động đến tâm lý tư tưởng cán bộ. Tuy nhiên, theo ông Minh dù khó khăn nhưng cần phải làm sớm.
Bí thư quận Thanh Xuân nhận thấy nếu áp dụng cơ chế hiện nay để thực hiện chính sách tinh giản biên chế thì chưa thực sự thuyết phục. Do vậy, cần phải có cơ chế mạnh hơn, đặc biệt là chính sách động viên người nghỉ hưu sớm và thu hút nhân tài.
“Thanh Xuân, khi tổ chức biểu dương học sinh giỏi, trong đó có thủ khoa, tôi và đồng chí Chủ tịch ra mời, nhưng họ chỉ cảm ơn”, ông Minh nói và cho rằng cơ chế hiện nay chưa đủ sức thuyết phục để họ về làm cho quận.
Quang Phong