1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

“Hà Nội sẽ là một thành phố xanh”

(Dân trí) - “Định hướng ý tưởng cho 1 thành phố xanh đối với TP Hà Nội là nghiên cứu xuyên suốt trong quá trình thực hiện đồ án. Hà Nội là một thành phố lịch sử có những cảnh quan hiếm có: rất nhiều hồ, ao, cây xanh; cần khai thác phát huy thế mạnh này”.

Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn là 1 trong liên danh đối tác với nước ngoài (PPJ) tham gia lập đồ án quy hoạch chung Hà Nội. Phóng viên Dân trí có buổi trao đổi với TS.KTS. Nguyễn Đình Toàn - Viện trưởng về công việc đang tiến hành.
 
Được biết, ý tưởng “thành phố xanh” là cơ sở quan trọng để liên danh tư vấn quốc tế PPJ, Viện kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội thực hiện đồ án quy hoạch chung của Hà Nội lần này. Vậy đâu là các giải pháp để triển khai ý tưởng trên, thưa ông?

Định hướng ý tưởng cho 1 thành phố xanh đối với TP Hà Nội là nghiên cứu xuyên suốt trong quá trình thực hiện đồ án. Hà Nội là một thành phố lịch sử có những cảnh quan hiếm có: rất nhiều hồ, ao, cây xanh. Đó là một đặc thù mà không phải đô thị nào trên thế giới cũng có được. Do đó cần khai thác phát huy những thế mạnh này.

Có 3 phương án được đề xuất cho giải pháp của đồ án quy hoạch chung lần này: Các phương án tập trung nghiên cứu phát triển một thành phố phát triển bền vững; kiểm soát sự phát triển tự nhiên, không cho phát triển theo kiểu “vết dầu loang” mà hiện nay đang là căn bệnh khó chữa của nhiều đô thị lớn.

Một số thành phố vệ tinh cũng đã được nghiên cứu trên cơ sở phát triển qui hoạch vùng của TP Hà Nội. Các thành phố này sẽ có sức hút dân cư, tạo đà phát triển kinh tế, du lịch, thương mại dịch vụ.

Cấu trúc của TP Hà Nội sẽ kế thừa nhiều mặt tích cực đô thị “Khu phố cũ” xây dựng từ thời Pháp thuộc. Các trục chính, tuyến chính liên kết các khu dân cư, các khu trung tâm thương mại, kiến trúc cảnh quan trên các tuyến chính này sẽ phải được kiểm soát trước về phát triển không gian.

Những không gian xanh sẽ được nghiên cứu xen cấy vào các khu dân cư tập trung đông đúc. Những nhà máy, cơ sở sản xuất di dời ra ngoài TP sẽ được xen lẫn là những khu vui chơi giải trí, những không gian xanh cho người dân thủ đô. Toàn bộ làng mạc hiện hữu tại các huyện ngoại thành sẽ được nghiên cứu theo mô hình Nông thôn mới mang tính đặc thù của Thủ đô. Những cấu trúc không gian xanh: cảnh quan, hồ nước, môi trường sinh thái, không gian kiến trúc thấp tầng sẽ được tập trung nghiên cứu cho khu vực dân cư ở đây.
 
“Hà Nội sẽ là một thành phố xanh” - 1
Mô hình Trung tâm hành chính quốc gia.

Hà Nội mở rộng tập hợp nhiều yếu tố văn hoá khác nhau của các địa phương, vậy việc bảo tồn những cái riêng trong cái chung được đặt ra trong quy hoạch lần này như thế nào?

Yếu tố văn hoá, tập quán của người dân Hà Nội - Hà Tây nay thuộc chung 1 thành phố lớn cũng đã được lưu ý nghiên cứu. Bản sắc của các đô thị vệ tinh trong sự kết nối chung cũng sẽ được thể hiện trước đồ án.

Một đô thị cũ có lịch sử phát triển lâu đời như thị xã Sơn Tây sẽ phát triển theo hướng bảo tồn bản sắc văn hoá, trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng và dịch vụ thương mại nhỏ.

Văn hoá Thăng Long nằm chính trong sự phát triển của nội đô Hà Nội và sẽ được tiếp tục bảo tồn, phát huy. Sự phát triển thiếu tính kiểm soát chủ động tại Hà Nội sẽ là nguy cơ tiềm ẩn làm mai một tiềm năng văn hoá Thăng Long tại khu vực nội thành hiện nay.

Vấn đề di chuyển các cơ sở giáo dục, y tế ra khỏi nội thành đã được đề cập từ suốt nhiều năm nay, nhưng dường như chưa làm được gì. Vậy đồ án này sẽ “ứng xử” như thế nào với các cơ sở y tế, giáo dục?

Đây là vấn đề lớn mà nhóm nghiên cứu tập trung giải quyết. Hiện nay tại nội thành Hà Nội tập trung quá nhiều các trường Đại học - Cao đẳng. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn tối thiểu cho 1 sinh viên ở các quy mô trường trường Đại học là rất thấp.

Do đó sẽ có những trường được di dời ra các đô thị vệ tinh có cơ sở vật chất tốt hơn. Mạng lưới giao thông đô thị sẽ đáp ứng việc đi lại học tập giảng dạy ở các trường. Một số trường sẽ tiếp tục duy trì, phát triển tại nội đô, tuy nhiên quy mô sẽ được xem xét tính toán phù hợp.

Mạng lưới y tế nội thành đang bị quá tải về dịch vụ khám chữa bệnh của người dân. Một số trung tâm y tế lớn sẽ được xây dựng và phát triển tại các đô thị vệ tinh, các vành đai giữa 3 và 4. Hà Nội cần có thêm những bệnh viện Bạch Mai 2, Việt Đức 2, 3...

Vấn đề úng ngập, thoát lũ đang có nhiều bức xúc của Hà Nội sẽ được giải quyết như thế nào?

Vấn đề chống úng ngập hiện nay TP Hà Nội đang có những giải pháp rất tích cực. Trước đây vùng xả lũ nằm giữa sông Đáy và sông Tích thuộc tỉnh Hà Tây. Trong đồ án sẽ đề xuất những giải pháp cải tạo sông Đáy, kết nối với sông Nhuệ và các nhánh sông nhỏ khác để giải quyết việc thoát lũ. Hạn chế không để thoát lũ như trước đây đã làm. Dọc 2 bên bờ sông Đáy, sông Tích, sông Nhuệ, sông Cà Lồ... sẽ là cảnh quan kiến trúc, cây xanh có sự can thiệp và kiểm soát về quy hoạch kiến trúc.
“Hà Nội sẽ là một thành phố xanh” - 2
Trình bày đồ án quy hoạch với lãnh đạo TP Hà Nội.

Đã có những phương án về vị trí của trung tâm hành chính quốc gia được đề cập trong thời gian qua, như đặt tại Tây Hồ Tây, huyện Thạch Thất… Vậy yêu cầu đặt ra với việc lựa chọn vị trí cho Trung tâm hành chính là gì, thưa ông?

Các nhà lập quy hoạch sẽ có đề xuất, nhưng việc quyết định ở vị trí nào sẽ thuộc quyền quyết định của các cơ quan có thẩm quyền. Có những ý kiến tiếp tục xây dựng Trung tâm hành chính quốc gia tại Nội đô trong phạm vi từ vành đai 4 trở vào hoặc ở phía Bắc sông Hồng; ở phía Tây Hồ Tây. Tuy nhiên cũng có những đề xuất ở phía Tây Hà Nội cách trung tâm cũ khoảng 15 - 20km.

Trung tâm hành chính quốc gia chiếm diện tích không lớn trong một đô thị. Tại đây sẽ có nhiều công trình văn hoá và phúc lợi xã hội: bảo tàng, thư viện; y tế, trường học... Bên cạnh đó là các khu dân cư, trung tâm tài chính - thương mại, trung tâm hành chính không phải chỉ có các toà nhà công vụ.

Hà Nội hiện nay đã lớn gấp 3 lần Hà Nội cũ, để phù hợp với một TP phát triển trong tương lai cần phải xem xét kỹ vị trí Trung tâm hành chính quốc gia. Nếu đặt ở vị trí phù hợp sẽ tạo đà cho sự phát triển chung về tất cả các mặt: Kinh tế - Xã hội - Văn hoá cho toàn thành phố. Đó cũng là nền tảng vững chắc cho các Trung tâm chính trị và hành chính quốc gia.

Trung tâm hành chính quốc gia sau khi được quyết định sẽ tạo sức hút cho phát triển chung của vùng Hà Nội. Trong điều kiện kinh tế và công nghệ hiện đại với tiềm năng của thành phố Hà Nội, trong tương lai 5 - 10 năm, sự kết nối về giao thông sẽ không còn là vấn đề phải lo lắng. Do đó Trung tâm hành chính quốc gia không nhất thiết phải nằm trong nội đô thành phố.

Xin cảm ơn ông!

Có 10 vấn đề lớn mà các nhà tư vấn quốc tế và trong nước cần giải quyết trong đồ án này là:
 
(1) Đánh giá tổng thể tình hình hiện trạng quy hoạch kiến trúc, kinh tế, văn hoá xã hội, môi trường...
 
(2) Xây dựng cấu trúc đô thị cho 1 thành phố lớn với các giải pháp phù hợp cho việc phát triển Hà Nội từ nay đến 2030 và định hướng chiến lược phát triển theo tầm nhìn sau năm 2030. Từ đó đề xuất giải pháp hạ tầng phát triển đô thị. các vấn đề về xử lý nước thải; chất thải rắn; hệ thống cấp nước cho toàn bộ đô thị; định vị cốt nền; hệ thống điện; xử lý về môi trường để thủ đô phát triển bền vững...
 
(3) Giải quyết sự tồn tại của 744 dự án, trong đó có một số đang triển khai, nhiều đồ án đang phải tạm dừng lại chờ quy hoạch chung.
 
(4) Phân bố dân cư: tránh tập trung quá đông người và phương tiện vào nội đô, giải bài toán đô thị “đầu to” mà nhiều thành phố hiện nay đang gặp phải.
 
(5) Phát triển thành phố trên cơ sở kết thừa truyền thống, bảo tồn lịch sử, văn hóa, di sản.
 
(6) Những vấn đề cấp bách về giao thông (cải tạo hệ thống giao thông nội đô, phát triển giao thông vành đai và kết nối với các điểm đô thị khác);
 
(7) Đề xuất vị trí mới Trung tâm hành chính quốc gia; trung tâm chính trị Ba Đình vẫn là nơi tọa lạc của các công trình trụ sở: Đảng, cơ quan Chủ tịch nước, Quốc Hội.
 
(8) Hệ thống mạng lưới giáo dục bao gồm các trường Đại học và các cơ sở giáo dục phổ thông.
 
(9) Hệ thống các trung tâm y tế phục vụ cho toàn bộ TP.
 
(10) Hệ thống phát triển các khu công nghiệp.
 
Đó là những vấn đề chính mà đồ án sẽ giải quyết. Xung quanh đó còn nhiều nhóm các vấn đề khác mà các nhà lập quy hoạch quốc tế và trong nước đang tiếp tục nghiên cứu.

Cấn Cường - Phương Thảo (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm