1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội: Nhiều phòng học “há miệng” chờ sập

(Dân Trí) - Từ cuối năm 2006, hơn 300 học sinh của 8 phòng học bị nứt nghiêm trọng tại trường Tiểu học Đặng Trần Côn A, Thanh Xuân, Hà Nội, đã phải chuyển sang học ghép ở các lớp khác. Tình hình đó kéo dài cho đến tận ngày hôm nay...

Trao đổi với Dân trí, bà Nguyễn Thị Thuỷ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân cho biết: Khoảng cuối tháng 12/2006, Ban Giám hiệu trường Tiểu học Đặng Trần Côn A đã có văn bản báo cáo tới Phòng GD-ĐT và các cơ quan chức năng quận về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của 8 phòng học, đồng thời đề nghị hướng kiểm tra, khắc phục nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ giáo viên và công nhân viên.

Sau khi đoàn kiểm tra của UBND quận tiến hành khảo sát đã kết luận chỉ đạo: Cần phải chuyển toàn bộ học sinh đang học tại các phòng học này đến địa điểm khác. Nếu để học sinh học tập, đi lại tại khu vực này thì các phòng học có thể sập đổ bất cứ lúc nào...

Hà Nội: Nhiều phòng học “há miệng” chờ sập - 1

Hà Nội: Nhiều phòng học “há miệng” chờ sập - 2

Các phòng học trường Tiểu học Đặng Trần Côn A đang "há miệng" chờ sập.

Bà Thuỷ cho biết thêm, để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra, từ cuối năm 2006 Phòng Giáo dục quận đã chỉ đạo di dời tất cả khoảng 300 em học sinh từ 8 phòng học này sang các lớp học khác và thực tế hiện nay nhà trường đã giảm từ 45 lớp xuống còn 39 lớp, ngay cả phòng họp hội đồng nhà trường cũng được trưng dụng thành lớp học cho các em học sinh.

Đầu năm học mới 2007 - 2008, Phòng Giáo dục chỉ đạo cho nhà trường giảm bớt các suất tuyển sinh từ 10 lớp xuống còn 7 lớp. Đối với các lớp học sinh phải học ghép, trường cũng đã tăng cường số lượng giáo viên quản lí giảng dạy để đảm bảo chất lượng dạy học. Đồng thời khu nhà bị lún nứt cũng được rào chắn, cắm biển báo nguy hiểm.

Theo hồ sơ thiết kế xây dựng cải tạo lại trường Đặng Trần Côn A thành trường chuẩn quốc gia sẽ có 30 phòng học trên tổng diện tích 7.610m2. Trong đó tổng diện tích xây mới và cải tạo lại một số phòng học nhà 3 tầng, 2 tầng, phòng học cấp 4, nhà Hiệu bộ… là 2.564m2; mật độ xây dựng 33,6%.

 

Thống kê gần đây của ngành giáo dục, hiện nay cả nước có khoảng 122 nghìn phòng học 3 ca, học nhờ, học tạm, phòng học tranh tre nứa lá, phòng học đã xuống cấp cần phải thanh toán với tổng kinh phí khoảng 1 tỉ USD tương đương với 16 nghìn tỉ đồng.

Bà Thuỷ cho biết, trong một cuộc họp gần đây với các bên liên quan, phòng GD cũng đã có ý kiến đề nghị UBND quận Thanh Xuân cho phá bỏ ngay 8 phòng học bị lún nứt nguy hiểm này.

Thế nhưng phòng quản lí xây dựng đô thị của quận lại cho rằng, hiện tại 8 phòng học này không thể đổ ngay được nếu không có sự tác động, vì vậy vẫn phải chờ đến quý II năm 2008 sẽ cho dỡ bỏ một thể đỡ tốn chi phí.

Thế nhưng dự án cải tạo, sửa chữa và xây mới trường Tiểu học Đặng Trần Côn A, hiện vẫn còn nằm trên giấy vì đến thời điểm này dự án còn chưa được đấu thầu huống chi từ lúc xây dựng cải tạo lại trường cho đến lúc khánh thành thì còn phải mất cả một quãng thời gian dài trong khi nhu cầu cơ sở vật chất đáp ứng công tác dạy và học của thày trò nhà trường là vô cùng cấp thiết…

Theo tìm hiểu, trên địa bàn Hà Nội hiện nay còn có thêm trường Mầm non Văn Hương ở 144 Tôn Đức Thắng, từ giữa tháng 9/2007 cũng đã bị nứt nghiêm trọng. Hiện tại toàn bộ gần 100 em nhỏ và giáo 6 giáo viên của trường này cũng đã phải di dời sang một địa điểm khác để chờ khắc phục sửa chữa.

Hà Nội: Nhiều phòng học “há miệng” chờ sập - 3

Trường mầm non Văn Hưng đang được chống đỡ tạm bợ.

Mặc dù nhà trường cũng đã treo biển báo nguy hiểm nhưng hàng ngày người dân vẫn vô tư đi lại dưới mái nhà rất nguy hiểm này.

Giang Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm