1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội nhận lệnh xử lý triệt để sạt lở kè Thanh Am và đầu cầu Đuống

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý, giao UBND Hà Nội đầu tư xử lý tổng thể khu vực kè Thanh Am và sạt lở đầu cầu Đuống để đảm bảo ổn định lâu dài cho tuyến đê hữu sông Đuống và các công trình giao thông trong khu vực, ứng vốn ngân sách thành phố.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất về quy mô và giải pháp kỹ thuật cụ thể của dự án để đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung, an toàn và hiệu quả. Trước mắt, UBND thành phố Hà Nội chủ động thực hiện các biện pháp hạn chế sạt lở nhằm đảm bảo an toàn đê điều, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân trong khu vực.

Về nguồn vốn thực hiện, Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện. Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định hỗ trợ phần vốn ngân sách trung ương cho địa phương để thực hiện dự án sau khi dự án được thẩm định, thỏa thuận nguồn theo quy định.
 
Khu vực kè Thanh Am và 2 đầu cầu Đuống diễn biến sạt ở rất phức tạp những năm qua.
Khu vực kè Thanh Am và 2 đầu cầu Đuống diễn biến sạt ở rất phức tạp những năm qua.

Theo UBND thành phố Hà Nội, khu vực kè Thanh Am và 2 đầu cầu Đuống là khu vực có diễn biến sạt lở hết sức phức tạp, dọc sông có những đoạn thắt hẹp, mở rộng đột ngột, xuất hiện tình trạng sạt lở, sụt lún. Thành phố Hà Nội đã phải chỉ đạo xử lý cấp bách một số đoạn sạt lở nguy hiểm uy hiếp an toàn đê điều nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản cho nhân dân khu vực.

Với mục tiêu ngăn chặn tình trạng sạt lở, bảo đảm an toàn đê điều, bảo vệ người và tài sản của nhà nước và nhân dân trong khu vực, phát huy hiệu quả, khắc phục xử lý triệt để sự cố sạt, trượt, lún bờ sông khu vực thượng và hạ lưu cầu Đuống, đảm bảo an toàn đê điều kết hợp giao thông, việc triển khai xử lý tổng thể khu vực kè Thanh Am và sạt lở đầu cầu Đuống là hết sức cần thiết.

Nâng cấp hệ thống đê sông đồng bộ, hiệu quả Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương có liên quan thực hiện Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020 đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.

Chương trình củng cố, nâng cấp đê sông đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2068 năm 2009. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua 4 năm thực hiện (2010-2013), các địa phương đã phê duyệt, đang triển khai 277 dự án với tổng mức đầu tư 42.917 tỷ đồng, củng cố, nâng cấp 2.169 km đê; xây dựng, tu bổ 368 km kè chống sạt lở; sửa chữa, xây mới 722 cống dưới đê. Đã hoàn thành 166 dự án với 1.164 km đê được củng cố, nâng cấp; 332 km kè được xây dựng, tu bổ và 340 cống được sửa chữa, xây mới.

Để tiếp tục triển khai Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020 đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương có liên quan thực hiện Chương trình nâng cấp đê sông đến năm 2020 theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao.

Đồng thời tăng cường quản lý về quy hoạch, kỹ thuật để đảm bảo việc củng cố, nâng cấp đê điều phù hợp với quy hoạch chung, theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn và hiệu quả.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá cụ thể hiện trạng các trọng điểm đê điều xung yếu, sắp xếp các hạng mục cần ưu tiên, dự kiến nhu cầu kinh phí đầu tư giai đoạn tới gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm căn cứ cân đối, bố trí kinh phí xử lý dứt điểm các trọng điểm xung yếu, đảm bảo an toàn đê điều.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục ưu tiên cân đối, bố trí kinh phí hàng năm cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương để thực hiện các dự án thuộc Chương trình theo quy định.

UBND các tỉnh, thành phố có đê thuộc phạm vi Chương trình rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các hạng mục, dự án đầu tư trên địa bàn; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn, hàng năm phù hợp với khả năng cân đối ngân sách, trong đó tập trung đầu tư củng cố các đoạn, tuyến đê xung yếu, xóa dần các trọng điểm đê điều xung yếu, đảm bảo chủ động phòng chống lũ, bão.

P.Thảo