1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội: Người nghèo vẫn chưa thể mua nhà

Trong khi các khu nhà xây dựng thí điểm cho đối tượng thu nhập thấp ở B4, B5 Cầu Diễn, 9 tầng ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm (Hà Nội) đã hoàn thành và để không gần 3 năm nay thì Hà Nội vẫn đang loay hoay đi tìm cách giải quyết nhà ở cho chính đối tượng trên.

Tích luỹ 50 năm mới đủ tiền mua nhà

 

Theo tính toán của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, hiện nay trung bình mỗi hộ gia đình Hà Nội có khoảng 4 người với mức thu nhập trung bình khoảng 40 triệu đồng/năm. Giả sử, chi phí cho nhà ở chiếm 15% trong cơ cấu chi tiêu của hộ gia đình thì mức chi bình quân mỗi năm cho nhà ở là 6 triệu đồng.

 

Với giá căn hộ thuộc loại rẻ nhất ở Hà Nội khoảng 300 triệu đồng thì các hộ gia đình cần  50 năm tích luỹ để có thể mua được nhà ở. Tính toán trên cho thấy, người thu nhập thấp ở Hà Nội hiện nay khó có khả năng tham gia thị trường nhà ở vì giá cả và phương thức thanh toán không phù hợp với điều kiện và khả năng của họ.

 

Thực tế cho thấy, mặc dù trong 5 năm trở lại đây, Hà Nội xây dựng hàng triệu mét vuông nhà mỗi năm, nhưng thực tế vẫn thiếu nhà ở trầm trọng, nhất là nhà ở đối với người nghèo, người thu nhập thấp.

 

Theo TS Nguyễn Minh Đức (nghiên cứu sinh cao cấp Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Ukraina), trong hàng loạt các khu đô thị mới vừa được xây dựng như Linh Đàm, Định Công, Mỹ Đình... đều tính đến tỉ lệ nhà ở để bán cho người nghèo. Nhưng sự thực thì người nghèo không thể mua nổi những căn hộ này, bởi giá đất ở các khu đô thị này rất đắt.

 

Để có được mảnh đất khoảng 30 m2 xây nhà, người ta phải bỏ ra hơn 1 tỉ đồng. Số tiền này ngay cả các hộ thu nhập cao cũng phải mất rất nhiều năm mới tiết kiệm được.

 

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội dự báo, trong giai đoạn 2006-2010, Hà Nội cần 7 triệu mét vuông nhà, tương đương 120.000 căn hộ. Trong đó, riêng nhu cầu nhà ở cho thuê, thuê mua của các đối tượng cán bộ, công nhân viên chức là 18.000 căn hộ, chưa kể nhu cầu nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp khác.

 

Trong khi đó, dự án thí điểm đầu tư xây dựng 600-1.000 căn hộ cho các đối tượng này lại đang triển khai rất chậm. Thậm chí, ngay cả khi dự án này được thực hiện, lượng nhà ở được cung ứng cũng hết sức nhỏ bé so với nhu cầu.

 

Làm thế nào để người dân tiếp cận được quỹ nhà?

 

Một vấn đề được nhiều người quan tâm là phải xây dựng cơ chế bán nhà như thế nào để đối tượng thu nhập thấp có thể tiếp cận được quỹ nhà dành cho chính họ?

 

Theo ông Nguyễn Huy Đức - Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng - người mua nhà nên trả trước 20-30% giá trị căn hộ. Số còn lại sẽ trả góp trong thời hạn 10-15 năm với tỉ lệ lãi suất thấp hơn 1%/năm so với lãi suất của các ngân hàng thương mại. Đương nhiên, căn hộ sẽ được thế chấp để có thể ký hợp đồng vay tiền ngân hàng.

 

Tuy vậy, đây vẫn chưa phải giải pháp cho đa số, bởi rất nhiều hộ gia đình dù rất khó khăn về nhà ở, nhưng không đủ khả năng tài chính để chi trả một lúc số tiền 20-30% giá trị căn hộ hoặc chi trả tiền góp hàng tháng. Vậy tiền, vốn sẽ lấy từ đâu để xây dựng quỹ nhà cho các đối tượng này, trong khi nguồn có thể huy động từ Nhà nước và chủ thể có nhu cầu đều rất thấp?

 

Theo Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội, để có được khối lượng lớn nhà ở cho người thu nhập thấp, phải thông qua thị trường nhằm huy động mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh nhà ở. Đây là thực tế hiển nhiên và các nhà hoạch định chính sách đã nhìn nhận từ lâu.

 

Tuy nhiên, theo TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa xây dựng được cơ chế thích hợp để huy động, khuyến khích đầu tư nhà ở cho đối tượng ưu đãi hoặc thu nhập thấp.

 

Những ý kiến đáng quan tâm

 

PGS - TS Huỳnh Đăng Hy - Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN: Cần dự tính quỹ nhà ở phát triển cho 20 năm sau.

 

Để mua được nhà, hộ thu nhập thấp phải tìm cách tăng thu nhập để tích luỹ tiền lo chỗ ở. Ngoài ra, phải có chính sách tạo việc làm để tăng thu nhập. Kể cả chính sách phân phối chỗ ở. Việc xây dựng nhà ở của Hà Nội phải có quan điểm phát triển bền vững.

 

Trước hết, mỗi căn hộ ở được bố cục hợp lý về công năng. Diện tích ở tối thiểu phải phù hợp với một gia đình nhỏ. Thời kỳ mỗi gia đình còn thu nhập thấp thì diện tích ở cho mỗi người thấp hơn, nhưng đến khi kinh tế gia đình khá lên thì tách hộ và ở các căn hộ rộng hơn.

 

Diện tích mỗi căn hộ ban đầu tối thiểu là 40-60 m2 sử dụng. Trong mỗi khu nhà ở nên có nhiều kiểu căn hộ có diện tích khác nhau, trung bình 80-120 m2. Cần dự tính quỹ nhà ở của thành phố phát triển từ 8 m2/người hiện nay lên 20 m2/người, 30 m2/người cho 20 năm sau.

 

Ông Nguyễn Huy Anh - Trưởng phòng đô thị Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội: Nhà nước nên hỗ trợ một phần vốn ngân sách.

 

Xã hội hóa nhà ở là tất yếu trong sự phát triển chung, đồng thời huy động được mọi nguồn lực, các ngân hàng, tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp tham gia. Nhà nước nên hỗ trợ một phần vốn ngân sách để xây dựng các công trình hạ tầng ngoài hàng rào, các công trình hạ tầng xã hội nhằm tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp tham gia, đồng thời cũng giảm giá thành nhà ở cho người có thu nhập thấp.

 

PGS - TS Nguyễn Khắc Thanh - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Quy hoạch và kiến trúc phải đảm bảo tính hiện đại, thẩm mỹ cao.

 

Việc quy hoạch và kiến trúc nhà ở cho người  có thu nhập thấp phải đảm bảo tính hiện đại, khoa học và tính thẩm mỹ cao của một đô thị văn minh, không biến chúng thành gánh nặng cho thế hệ tương lai. Trên thực tế, những công trình nhà ở cho những người không phải là thu nhập thấp trên địa bàn Hà Nội mới được xây dựng cách đây vài chục năm mà nay đã trở nên hết sức nhếch nhác, mất mỹ quan. Để tránh hiện tượng này lặp lại, gây lãng phí nguồn lực xã hội thì cần coi nhà cho người thu nhập thấp là một phần bộ mặt của thành phố, chứ không phải vấn đề nhân đạo theo kiểu “bố thí”.

 

TS Lê Duy Hiếu - Viện Kinh tế Việt Nam: Cần xem xét các bài học kinh nghiệm của thế giới.

 

Để giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp ở Hà Nội thì việc xem xét các bài học kinh nghiệm của thế giới là rất bổ ích. Hà Nội có những chương trình giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp có thể nói là quy mô lớn. Tuy nhiên, với cách làm như hiện nay, về thực chất đã đi ngược lại với những gì mà lịch sử xác nhận là có hiệu quả. Điều này giải thích tại sao nhà cho người có thu nhập thấp đã xây dựng xong gần 3 năm vẫn đang mòn mỏi chờ người đến ở.

 

Theo Thu Huyền - Xuân Thu

Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm