1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hà Nội: “Nghi án” 15 toa gỗ lậu tập kết tại ga Giáp Bát

(Dân trí) - 15 toa tàu chở gỗ được kẹp chì có dấu hiệu gian lận thương mại bị Phòng An ninh Lâm nghiệp - A86 (Tổng cục An ninh II, Bộ Công an) tạm giữ tại ga Giáp Bát (Hà Nội). Đây là lượng gỗ bị tạm giữ vì nghi lậu lớn nhất từ trước tới nay.

Gỗ quý từ Nam ra Bắc

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, 15 toa tàu chở gỗ thực chất bị phát hiện có dấu hiệu gian lận thương mại ở ga Từ Sơn (Bắc Ninh) và ga Gia Lâm (Hà Nội) ngày 14/12/2011. Biên bản bàn giao tàu hàng số hiệu 1306/905T1 nêu rõ 15 toa xe chở gỗ có tổng trọng tải là 720 tấn.
 
Hà Nội: “Nghi án” 15 toa gỗ lậu tập kết tại ga Giáp Bát  - 1
15 toa gỗ có dấu hiệu gian lận thương mại đã tập kết ở ga Giáp Bát hơn 2 tháng qua (ảnh: TPO)

Số lượng gỗ này trước đó được vận chuyển từ các ga Diêu Trì, Bình Định (tỉnh Bình Định); ga Thủy Thạch, Thạch Trụ (Quảng Ngãi); ga Hòa Huỳnh (Ninh Thuận). Các điểm ga và tuyến đường vận chuyển nói trên do Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn quản lý.

Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng A86 kiểm tra số gỗ chất trên các toa tàu ở Từ Sơn đã bị hàng trăm người dân tại địa phương kéo đến gây cản trở và làm gián đoạn công tác. Vì vậy, A86 đã phải nhờ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) và Công ty Vận tải hàng hóa đường sắt hỗ trợ, kéo 15 toa tàu chở gỗ bị nghi ngờ là hàng lậu này từ ga Từ Sơn và ga Gia Lâm về tập kết tại ga Giáp Bát để điều tra làm rõ.

Đã qua 2 tháng kể từ ngày các toa gỗ nói trên bị bắt giữ, công tác điều tra của A86 đã xong nhưng vẫn có kết luận. Các toa tàu sau khi được kiểm tra đã được xếp lại và niêm phong bằng kẹp chì, được đảm bảo an ninh 24/24h.

Một nguồn tin cho biết, gỗ chất trong 15 toa tàu đều là gỗ quý hiếm và đã được xẻ nhỏ, phân loại.

“Không có báo cáo sai sót về quy trình”

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Dân trí, đại diện Công ty Vận tải hàng hóa đường sắt cho biết: “Quy trình giao nhận và vận chuyển hàng hóa nói chung được quy định rất rõ ràng. Trong đó, bắt buộc phải qua kiểm tra của các cơ quan công an, kiểm lâm, quản lý thị trường… Khi các lực lượng kiểm tra đầy đủ, hàng hóa có hồ sơ và giấy tờ hợp pháp thì mới được cho lên tàu để vận chuyển đi”.

“Ngành đường sắt làm công tác vận chuyển và là 1 trong số các đơn vị tham gia phối hợp chống buôn lậu, đặc biệt là dịp Tết. Khi thực hiện vận chuyển hàng hóa, chúng tôi hợp đồng với chủ hàng, họ đầy đủ thủ tục theo quy chế vận chuyển, trả tiền hàng đầy đủ là chúng tôi vận chuyển.

Thực tế, ngành đường sắt chưa từng được hướng dẫn nhận biết các loại hàng hóa có dấu hiệu gian lận thương mại. Vì vậy, các khâu kiểm tra xem có phải hàng lậu hay không, hàng hóa có vi phạm pháp luật hay không thì do các lực lượng khác như công an, kiểm lâm, quản lý thị trường. Trường hợp phát hiện những dấu hiệu vi phạm tại ga đi thì các lực lượng chức năng đã báo với nhà tàu, nhưng ở đây ngay từ đầu không có ý kiến gì về số gỗ được vận chuyển trên các toa tàu này” - vị đại diện này cho hay.

Trong hóa đơn giá trị gia tăng đều ghi rõ tên và địa chỉ của người gửi, người nhận hàng, mã hiệu... Nhưng, sau khi 15 toa gỗ bị phát hiện là có dấu hiệu gian lận thương mại và được đưa về tập kết tại ga Giáp Bát, thì nhiều toa gỗ vắng mặt chủ hàng, thậm chí các số liên lạc đã kê khai giờ cũng bị ngắt.

Mặc dù đã được kiểm tra xong, nhưng do cho có kết luận của A86 nên số gỗ này vẫn được lưu lại tại ga Giáp Bát. Những vấn đề liên quan về trách nhiệm cũng như việc giải quyết số hàng hóa này như thế nào cũng đang phải chờ sau khi A86 công bố vi phạm.

Về liên quan đến nhân viên ngành đường sắt, ông Nguyễn Hữu Tuyên - Trưởng ban Kinh doanh Vận tải, ĐSVN cho hay: “Theo báo cáo chúng tôi nhận được về vụ việc này thì chưa phát hiện sai phạm nào liên quan đến nhân viên ngành đường sắt trên các chuyến tàu vận chuyển số lượng gỗ nói trên. Quy trình vận chuyển cũng không có gì sai sót. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục phối hợp điều tra với cơ quan chức năng”.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hữu Tuyên, việc A86 đã kiểm tra xong nhưng vẫn chưa ra kết luận đúng sai khiến số gỗ trên chưa được giải phóng đã gây đọng toa xe, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị và khó khăn cho công tác tổ chức tàu, tác nghiệp hàng hóa tại ga Giáp Bát.

“Thông tư Liên tịch số 21 nêu rõ cơ quan chức năng sau khi kiểm tra xong, có kết quả phải báo với đơn vị vận chuyển biết. Trường hợp kiểm tra sai, cơ quan chức năng phải chịu các chi phí. Nếu hàng hóa cấm chở, nguy hiểm mà đường sắt vẫn chở thì đường sắt phải chịu trách nhiệm” - ông Tuyên cho hay.

Được biết, chi phí phát sinh liên quan đến thời điểm kiểm tra cũng như sau khi kiểm tra còn tạm giữ tại ga Giáp Bát cho đến ngày 30/11 tạm tính là hơn 324 triệu đồng.

Quỳnh Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm