1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hà Nội: Nạn tắc đường ngày càng nóng

Một đoạn đường Lê Duẩn được thay đổi giao thông với ý tưởng giảm tải cho đường Yết Kiêu. Nhưng trên thực tế "hiệu quả" mà Sở GTCC thu được trong vài ngày qua là ùn tắc triền miên, gây thiệt hại về kinh tế, thời gian cho người dân và làm khổ nhiều CSGT trên tuyến phân luồng này.

Tắc đường không chỉ do phân luồng

Ngay trong ngày 15/8, đã xảy ra nhiều vụ TNGT, đặc biệt có một vụ nghiêm trọng xảy ra trước cửa nhà số 141 Lê Duẩn,  làm một nhân viên trong ngành đường sắt thiệt mạng.

Theo phóng viên ghi nhận, 9h30 phút ngày 16/8, do ắch tắc nghiêm trọng nên CSGT đã phải phân luồng các phương tiện từ Nguyễn Du ra Lê Duẩn đi ngược lên Trần Hưng Đạo.

Việc tổ chức này đã tạo ra căng thẳng dây chuyền cho một số tuyến đường liên quan. Đến 16 giờ chiều ngày16/8, tình trạng giao thông vẫn rất lộn xộn, xe từ Nguyễn Thượng Hiền, Vũ Lợi, Đỗ Hạnh vẫn tràn vào đường Lê Duẩn và xung đột với các phương tiện đi chiều phân luồng ngược lại.

Toàn bộ nút Nguyễn Du-Lê Duẩn, ngã tư Nguyễn Thượng Hiền luôn bị ách tắc cục bộ. Mặc dù có 4 CSGT phụ trách một đoạn đường khoảng 300m nhưng ách tắc, lấn đường vẫn xảy ra không kiểm soát nổi.

Tại Hà Nội, tình trạng giao thông ách tắc diễn ra phổ biến trong những ngày qua do lượng phương tiện đã tăng 15%. Và ách tắc không chỉ do phân luồng chưa tốt.

Vào lúc 14h ngày 16/8 tại nút giao Thái Hà- Láng Hạ, dòng xe (chiều Thái Hà- Láng Hạ) dài gần 1km phải nêm chân chờ đến lượt.

Thực tế, chiều Láng Hạ không đông, ùn tắc là do tại nút đèn tín hiệu không hoạt động, lại không có CSGT, các phương tiện thỏa sức giành đường. Phải sau một giờ ùn tắc, CSGT mới có mặt điều khiển giao thông tại nút nhưng đèn tín hiệu thì vẫn không sáng. Gần đó nút Giảng Võ- La Thành cũng hay xảy ra tình trạng căng thẳng.

Trong những ngày này, điểm nóng thường trực là tại cầu Chương Dương nơi có lượng xe ngoại tỉnh đổ về Hà Nội rất đông. Những tụ điểm như: khu vực Ngọc Hà, Quốc Tử Giám, các tuyến phố lân cận bờ hồ Hoàn Kiếm…ùn tắc giao thông cũng rất dễ xảy ra.

Theo ông Nguyễn Văn Tòng, Đội trưởng Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Hà Nội thì đội đã bố trí 20-30 chiến sĩ thường trực trên cầu Chương Dương để tổ chức giao thông, nhưng chỉ  lơ là một chút là ùn tắc. Cũng theo ông Tòng, những ngày thứ sáu, thứ bảy, đặc biệt là Chủ nhật tại khu vực hồ Hoàn Kiếm đã nhen nhóm nạn đua xe. Việc này là rất đáng báo động vì sắp tới Hà Nội có rất nhiều ngày lễ lớn.

Sức ép về giao thông ngày càng lớn

Một cán bộ của Sở GTCC lý giải về hiện tượng ùn tắc trên đường Lê Duẩn là do người dân chưa quen với việc tổ chức giao thông mới. “Sau một, hai ngày chưa thể nói được điều gì. Chắc phải mất 10 đến 15 ngày, người dân sẽ quen”- Cán bộ này nói.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, việc tổ chức giao thông hai chiều trên tuyến đường Lê Duẩn vẫn chưa hợp lý. Nút giao thông Khâm Thiên- Lê Duẩn có mật độ phương tiện rất lớn, với 5 tuyến phố đổ về, việc cho phép đi hai chiều tại đây gây xung đột lớn.

Mặt khác, lý giải việc giảm áp lực cho đường Yết Kiêu bằng việc tổ chức đi hai chiều trên đường Lê Duẩn là chưa thuyết phục. Nhiều người dân bị tắc đường đều cho rằng không nên tổ chức thêm chiều xe máy trên đường Lê Duẩn.

Hoặc nếu tổ chức hai chiều thì các tuyến phố Yết Kiêu, Trần Bình trọng (luôn trong tình trạng… thừa năng lực) cũng nên tổ chức hai chiều như trước để điều hòa lượng xe một cách tự nhiên, thì hiệu quả sẽ cao hơn. Vì vậy, nên chăng san tải các phương tiện từ Lê Duẩn (ga Hà Nội) qua Trần Hưng Đạo - Trần bình Trọng- Trần Nhân Tông ra Lê Duẩn để tránh xung đột lớn tại nút giao Lê Duẩn-Khâm Thiên, Lê Duẩn-Nguyễn Du.

Liên quan đến hiện tượng ùn tắc giao thông tại, Hà Nội lại tái diễn phức tạp những ngày gần đây, một số chuyên gia đưa ra nguyên nhân: Thứ nhất, Hà Nội vào thời điểm này diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn nên lượng người và phương tiện đổ về Thủ đô tăng lớn.

Thứ hai, sắp đến ngày Quốc khánh nên lượng người ngoại tỉnh đổ về tham quan Hà Nội cũng tăng đột biến. Kế đó phải kể đến dịp cuối tháng 8 đầu tháng 9 là dịp các sĩ tử hồi kinh, lo chỗ ở, chuẩn bị ổn định vào năm học mới.

Kèm theo đó là người thân đưa tiễn… nên cũng tạo sức ép lớn cho giao thông Hà Nội. Ngoài ra cũng phải kể đến số sinh viên sau thời gian nghỉ hè cũng bắt đầu trở lại Hà Nội nhập học, đi làm thêm, học thêm…Nhiều người ví von: Hà Nội lại bắt đầu vào “mùa” tắc đường. 

Theo Phùng Sưởng-Nguyễn Tuấn
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm