1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội: Lương giúp việc tối thiểu 2,7 triệu đồng/tháng

(Dân trí) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định về lao động là người giúp việc trong gia đình. Theo đó, tiền lương của người giúp việc không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể, tại các quận và nhiều huyện của Hà Nội, mức lương tối thiểu là 2,7 triệu đồng/tháng.

Nghị định số 27 được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành ngày 7/4 sẽ có hiệu lực thi hành từ 25/5 tới quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình.

Tại chương III của Nghị định, các quy định về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cụ thể như sau:

Mức tiền lương của người giúp việc gia đình do người chủ sử dụng và người lao động thoả thuận và ghi trong hợp đồng lao động. Tuy nhiên, điều kiện khống chế là tiền lương (bao gồm cả chi phí ăn, ở của người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động, nếu có) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Người sử dụng lao động và người lao động thoả thuận mức chi phí ăn, ở hằng tháng của người lao động (nếu có), nhưng không vượt quá 50% mức tiền lương trong hợp đồng lao động. Hình thức trả lương, thời hạn trả lương do hai bên thoả thuận.

Căn cứ theo nội dung này, đối chiếu với quy định về mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ ban hành cuối năm 2013, tại các quận và hầu hết các huyện của Hà Nội (Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Thường Tín, Thạch Thất…), mức lương tối thiểu mỗi gia đình cần trả cho người giúp việc là 2,7 triệu đồng/tháng (tương đương lương tối thiểu vùng 1). Một số huyện xa hơn của thành phố được áp dụng mức lương tối thiểu vùng 2 là 2,4 triệu đồng/tháng.
 
Mức sàn tiền lương người giúp việc tại Hà Nội được quy định là 2,7 triệu đồng/tháng.
Mức sàn tiền lương người giúp việc tại Hà Nội được quy định là 2,7 triệu đồng/tháng.

Nghị định số 27 cũng nêu rõ, trường hợp người sử dụng lao động yêu cầu người lao động làm việc ngoài thời gian ghi trong hợp đồng lao động, làm việc vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương thì người sử dụng lao động phải trả tiền lương làm thêm giờ theo quy định.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả đủ tiền lương cho người lao động trong trường hợp người lao động phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

Người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động trong trường hợp người lao động phải ngừng việc mà không do lỗi của người sử dụng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc làm mất tài sản của người sử dụng lao động theo nội dung của hợp đồng lao động.

Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 30% mức tiền lương hằng tháng đối với người lao động không sống tại gia đình người sử dụng lao động; không quá 60% mức tiền lương còn lại sau khi trừ chi phí tiền ăn, ở hằng tháng của người lao động (nếu có) đối với người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động. Khi khấu trừ tiền lương người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết.

Người giúp việc được đóng bảo hiểm, nghỉ cuối tuần

Cũng theo Nghị định này, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động tự lo bảo hiểm.

Trường hợp người lao động sống cùng gia đình người sử dụng lao động bị ốm, bị bệnh, người sử dụng lao động tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, khám, chữa bệnh. Chi phí khám, chữa bệnh do người lao động chi trả, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác. 

Người sử dụng lao động không phải trả lương cho những ngày người lao động phải nghỉ việc do bị ốm, bị bệnh.

Đối với người lao động sống cùng gia đình người sử dụng lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi do hai bên thoả thuận nhưng người lao động phải được nghỉ ít nhất 8 giờ, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục trong 24 giờ liên tục.

Thời giờ làm việc đối với lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 8 giờ trong 1 ngày và 40 giờ trong 1 tuần; thời giờ làm việc của người dưới 15 tuổi không được quá 4 giờ trong 1 ngày và 20 giờ trong 1 tuần và không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp không thể bố trí được thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày. Thời điểm nghỉ do hai bên thoả thuận.

Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm là 12 ngày làm việc và được hưởng nguyên lương. Thời điểm nghỉ do hai bên thỏa thuận. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần.

Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày nghỉ lễ, tết theo quy định. Khi nghỉ hằng năm, người lao động được ứng trước một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương cho những ngày nghỉ.

P.Thảo