1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội: Lạ lùng dãy nhà tôn bịt kín khu dân cư

(Dân trí) - Chủ đầu tư dự án chung cư bất ngờ cho xây dựng một dãy nhà tôn không có trong thiết kế, bịt kín toàn bộ phía sau của khu dân cư. Sau gần nửa tháng người dân gửi đơn lên các cấp, trả lời PV Dân trí, lãnh đạo quận sở tại nói “vừa cho cán bộ kiểm tra”.

Bỗng dưng nhà bị bịt kín

Theo phản ánh của người dân tổ 38 phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), toàn bộ phía sau của cả khu nhà H, tổ 38 bỗng dưng bị bịt kín bởi một dãy nhà mái tôn. Điều đáng nói, theo quy hoạch, khu vực đất sử dụng để dựng nhà mái tôn được thiết kế làm vườn hoa và vỉa hè.

Dãy nhà tôn bịt kín toàn bộ phía sau dãy nhà H tổ 38 Yên Hòa.
Dãy nhà tôn bịt kín toàn bộ phía sau dãy nhà H tổ 38 Yên Hòa.

Dự án tổ hợp nhà chung cư E4 Yên Hòa với 3 tòa nhà từ 19-25 tầng do Công ty CPXD dân dụng Hà Nội (HCCI) làm chủ đầu tư được triển khai xây dựng từ năm 2015. Dự án này nằm liền kề với khu dân cư tổ 38 phường Yên Hòa. Nửa tháng trở lại đây, chủ đầu tư dự án cho xây dựng một dãy nhà không có trong thiết kế ban đầu, nằm sát với các hộ dân.

Theo quan sát của PV Dân trí, dãy nhà được quây bằng các tấm tôn, chạy dài sát với dãy nhà H, tổ 38 Yên Hòa. Dãy nhà tôn này đã bít toàn bộ cửa sổ lấy không khí thoáng tầng 1 của các hộ liền kề dự án. Hệ thống mái tôn được đặt cao lưng chừng cửa sổ phòng ngủ tầng 2.

Tháo tấm rèm được làm bằng vải màn ở cửa sổ tầng 2, ông Nguyễn Như Hà (trú tại số nhà H11, tổ 38) cho biết, phòng ngủ tầng 2 trước đây là phòng có không gian thoáng đãng nhất nên gia đình ông dành cho mẹ già 88 tuổi nghỉ ngơi. Từ khi dự án chung cư E4 được triển khai, tiếng ồn và bụi bay sang khiến gia đình ông cũng như toàn dãy nhà bị ảnh hưởng.

“Cửa sổ phải che vải màn cho đỡ bụi. Thường thì lúc nào họ không thi công chúng tôi mới dám mở cửa sổ. Mà bây giờ cũng không mở cửa sổ được vì họ dựng nhà sát với nhà tôi rồi.” - ông Hà bức xúc.

Ông Nguyễn Như Hà có lý do để lo lắng cho sức khỏe của người mẹ già đã gần 90 tuổi.
Ông Nguyễn Như Hà có lý do để lo lắng cho sức khỏe của người mẹ già đã gần 90 tuổi.

Người dân bức xúc hơn khi nghe thông tin, phần đất chủ đầu tư dựng dãy nhà tôn là phần diện tích làm vỉa hè, trồng cây xanh.

“Chúng tôi hỏi phường, hỏi quận thì được biết chỗ đất đó vỉa hè, cây xanh. Không hiểu sao chủ đầu tư lại dựng nhà chỗ đấy. Nhà quây tôn nhưng họ đổ cả bê-tông phía dưới, không biết họ có định chiếm luôn phần đất đó không?” - bà Phạm Thị Lộc (nhà H13) bức xúc.

Chính quyền thờ ơ?

Dãy nhà tôn bịt kín toàn bộ phía sau dãy nhà H tổ 38 khiến nhà dân, nhất là những ngôi nhà thấp tầng, bí bách.

“Bây giờ mùa đông thì mới chỉ thấy bí bức thôi. Ít nữa mùa hè, phòng ngủ các nhà chúng tôi sẽ bị đặt trên chảo rang, hưởng trọn hơi nóng hấp lên từ mái tôn. Lo nhất là khi trời mưa, mái tôn dốc thẳng vào cửa sổ tầng 1, nước mưa chắc chắn sẽ tuôn thẳng vào nhà.” - ông Nguyễn Như Hà nói.


Người dân cho rằng, vào mùa hè, phòng ngủ tầng 2 sẽ hứng trọn hơi nóng từ mái tôn bốc lên; cửa số tầng 1 sẽ bị nước mưa tuôn xối xả. Người dân dẫn chứng, đêm 17, rạng sáng 18/1, dù trời mưa nhỏ, nước từ mái tôn đã xối thẳng vào cửa nhà bà Vũ Thụy Vân (số H10, tổ 38).

Người dân cho rằng, vào mùa hè, phòng ngủ tầng 2 sẽ hứng trọn hơi nóng từ mái tôn bốc lên; cửa số tầng 1 sẽ bị nước mưa tuôn xối xả. Người dân dẫn chứng, đêm 17, rạng sáng 18/1, dù trời mưa nhỏ, nước từ mái tôn đã xối thẳng vào cửa nhà bà Vũ Thụy Vân (số H10, tổ 38).

Lo lắng cho môi trường sống, sức khỏe của gia đình bị ảnh hưởng, ngày 3/1, các hộ dân tổ 38 Yên Hòa đã làm đơn tập thể gửi chính quyền các cấp nhưng không được trả lời mà chỉ được “bắn tin” rằng công trình trên là công trình tạm của dự án nên không phải xin phép.

Chiều 16/1, gần nửa tháng sau khi người dân gửi đơn, trả lời PV Dân trí, ông Trần Việt Hà - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy - cho biết, ông vừa cho cán bộ đi kiểm tra phản ánh của người dân. Đến thời điểm hiện tại, theo ông Hà, cơ quan chức năng vẫn chưa thể xác định công trình bịt kín nhà dân kia là có công năng để làm gì!

Nhận định về sự việc, luật sư Trịnh Xuân Hải (Đoàn Luật sư Thái Bình) cho biết, theo Nghị định số 71/2005 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình đặc thù, dù công trình trên là công trình gì đều phải có sự chấp thuận của chính quyền địa phương. Theo phân tích của luật sư Hải, nếu công trình trên là công trình tạm để phục vụ xây dựng công trình chính, nó phải được thể hiện trong sơ đồ tổng mặt bằng công trường xây dựng. Sơ đồ này do chủ đầu tư lập khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc do nhà thầu xây dựng lập nhưng phải được chủ đầu tư phê duyệt.

“Trong quá trình xây dựng, nếu phát sinh công trình tạm nằm ngoài ranh giới khu đất của dự án đã được giao thì chủ đầu tư phải xin bổ sung yêu cầu về sử dụng đất tạm và phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản về sơ đồ mặt bằng công trường xây dựng, các yêu cầu về môi trường, an toàn, an ninh...” - luật sư Hải phân tích trên cơ sở Nghị định số 71/2005.

Trao đổi với PV Dân trí sáng 18/1, ông Hoàng Trung Kiên - Chủ tịch UBND phường Yên Hòa - cho hay, khu vực chủ đầu tư dựng nhà tôn kể trên sau này sẽ là vỉa hè, cây xanh. Ông Kiên cung cấp công văn của chủ đầu tư gửi UBND phường, báo cáo về việc xây dựng nhà tạm, đồng thời thừa nhận phường chưa có văn bản nào phản hồi chấp thuận việc xây dựng nhà tạm này.

Trong thời gian người dân chờ đợi lãnh đạo quận chỉ đạo Thanh tra xây dựng kiểm tra thông tin do các hộ dân khiếu nại, chủ đầu tư đã cho công nhân gấp rút thi công, hoàn thiện công trình mà không vấp phải trở ngại nào từ phía cơ quan chức năng.

Tiến Nguyên