1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội: Khu chung cư hoang mang vì nước ăn nhiễm amoni

(Dân trí) - Lo lắng trước tình trạng nước sinh hoạt nhiễm amoni cao gấp hơn 2,5 lần mức cho phép, các hộ dân sống tại tòa nhà CT5, khu đô thị Xa La (Hà Nội) đã phải đi mua nước tinh khiết đóng bình về sử dụng.

Hoang mang vì nước bẩn

Theo phản ánh của nhiều người dân ở tòa nhà CT5 Khu đô thị Xa La (Hà Nội), thời gian gần đây, nguồn nước sinh hoạt trong tòa nhà này đang có dấu hiệu nhiễm bẩn trở lại. Đây không phải là lần đầu tiên người dân ở đây bức xúc vì nguồn nước. Đầu tháng 5/2014, kể từ sau vụ vỡ đường ống dẫn nước sạch Sông Đà (tháng 4/2014), người dân nơi đây đã mang mẫu nước đi xét nghiệm và phát hiện nước bị nhiễm amoni mức độ cao.

Thời điểm đó, trao đổi với báo chí, Phó Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Hà Đông ông Hoàng Văn Thắng đã thừa nhận do đường ống nước sông Đà bị vỡ liên tục nên để tăng nguồn cung cấp, đơn vị này phải huy động thêm nguồn nước từ cơ sở 2 ở Ba La, quận Hà Đông. Sau khi có nhiều bài báo phản ánh về tình trạng nước máy bị nhiễm amoni, người dân khu đô thị này cho biết là nước có được cải thiện.

Sử dụng nước nhiễm amoni, thịt luộc chín mà vẫn đỏ như sống.

Sử dụng nước nhiễm amoni, thịt luộc chín mà vẫn đỏ như sống.

Tuy nhiên, mấy tháng nay, người dân ở KĐT Xa La phàn nàn nguồn nước đã bị nhiễm bẩn trở lại. Chị An (sống tại tòa nhà CT5) bức xúc: “Tôi mới chuyển đến CT5 từ tháng 3 năm nay, ban đầu tôi phát hiện thấy nước có nhiều cặn, khi luộc thịt thì miếng thịt chuyển sang màu hồng. Sau khi có nhiều người phản ánh thì tình trạng nước có được cải thiện. Nhưng hai tháng nay, nước có dấu hiệu nhiễm bẩn trở lại, luộc thịt thì miếng thịt không chỉ còn là màu hồng mà chuyển hẳn sang màu đỏ. Nghi ngờ nước nhiễm amoni, tôi đã mua bộ kit thử nhanh thì phát hiện hàm lượng amoni vượt quá mức cho phép rất nhiều lần”.

Cùng chung sự bức xúc với chị An, anh Trần Quyết Thắng (ở CT5 Xa La) cho biết, hơn 1 tháng nay, gia đình anh đã phải đi mua nước tinh khiết đóng bình về để nấu ăn.

“Nước do nhà máy cung cấp gia đình tôi chỉ dám dùng để tắm rửa. Toàn bộ nước ăn đều sử dụng nước đóng bình. Trước đó, tôi có mua cả bình lọc nước về sử dụng nhưng thấy nước vẫn lắng cặn, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe cả gia đình nên đành phải mua nước đóng bình để dùng” - anh Thắng chia sẻ.

Để làm rõ mức độ nhiễm bẩn của nước sinh hoạt nhà mình, anh Tạ Hồng Minh (sống tại tầng 15, CT5, KĐT Xa La) đã mang mẫu nước lấy từ máy lọc nước đến Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - số 18 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) để phân tích 3 chỉ số là độ cứng toàn phần (theo CaCO3), amoni (NH4+) và arsen theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ăn uống. Kết quả là nồng độ amoni là 7,46 mg/l (hàm lượng tối đa cho phép là 3 mg/l); hàm lượng arsen tuy chưa vượt chuẩn 0,01mg/l nhưng cũng ở mức lo ngại 0,008mg/l.

Anh Tạ Hồng Minh cho biết: “Tôi cũng đã gọi điện đến nhà máy nước Hà Đông để phản ánh nhưng họ trả lời là không bị nhiễm chất độc gì cả, nếu có bị nhiễm thì người dân đã không mua để sử dụng rồi nên tôi cũng rất bức xúc. Hiện tại, nhà tôi đang mua nước khoáng về dùng, tôi cũng cảnh báo các hộ gia đình xung quanh về tình trạng nước và kêu gọi mọi người có thái độ thích đáng vì điều này liên quan trực tiếp đến sức khỏe mọi người.”

Nơm nớp lo ung thư

Trước những băn khoăn của người dân KĐT Xa La, TSKH Trần Văn Nhị, Nguyên Trưởng phòng quang sinh học (Viện Công nghệ sinh học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho hay: “Để biết chính xác thì cần phải xét nghiệm, nhưng dựa vào các biểu hiện cũng có thể đánh giá sơ bộ. Nếu nước đun lên có cặn trắng là do có nhiều ion canxi. Thịt luộc lên bị đỏ thì thông thường là do nước bị nhiễm amoni. Do amoni sẽ chuyển hóa thành nitrit, nitrit khiến cho hồng cầu không chuyển hóa, vì vậy mà thịt luộc lên vẫn có màu đỏ”.

Kết quả xét nghiệm mẫu nước của anh Tạ Hồng Minh, CT5, KĐT Xa La.

Kết quả xét nghiệm mẫu nước của anh Tạ Hồng Minh, CT5, KĐT Xa La.

Từng nhiều năm làm việc tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nơi tiếp nhận các mẫu nước xét nghiệm, TSKH Trần Văn Nhị cho biết thêm: “Qua các mẫu nước người dân ở khắp thành phố mang đến xét nghiệm, kết quả cho thấy nguồn nước máy nhiễm amoni trên địa bàn Hà Nội ngày càng lan rộng. Nguyên nhân khiến nguồn nước bị nhiễm amoni là do các hợp chất chứa nitơ có trong chất thải trong sinh hoạt và hoạt động sản xuất được đem thải ra môi trường ngày càng nhiều. Dưới tác động của các vi sinh vật, chúng chuyển hóa thành amoni. Amoni nhờ nước mưa dần thẩm thấu qua đất, ngấm vào các mạch nước ngầm và nằm yên ở đó cho tới khi được khai thác lên”.

Theo TSKH Trần Văn Nhị, điều đáng nói là việc đun sôi hay thậm chí sử dụng máy lọc nước RO cũng không loại bỏ hoàn toàn được amoni.

Đánh giá về tác hại của việc sử dụng nguồn nước nhiễm amoni đối với sức khỏe con người, TSKH Trần Văn Nhị cho biết: “Bản thân amoni (NH4+) không gây bệnh nhưng khi amoni có trong nước sinh hoạt thì nó chuyển hóa thành nitrit (NO2-), mà nitrit thì có khả năng gây bệnh cho con người. Đối với trẻ em dưới 6 tháng tuổi, nó khiến cho da trẻ xanh xao, chậm tăng trưởng do nitrit cạnh tranh với hồng cầu lấy hết oxy, khiến trẻ dễ mắc bệnh về đường hô hấp.

Nitrit trong nước ăn còn thông qua một cơ chế khác, nitrit tác dụng với các aicd amin có trong thức ăn tạo thành nitroxamin là những chất gây đột biến. Chất này khi sinh ra trong cơ thể sẽ tác động lên bộ máy di truyền tế bào như một chất đột biến, sinh ra các khối u, gây ung thư. Điều này đã được chứng minh thực nghiệm trên động vật. Tác động này không loại trừ một ai, cả trẻ em lẫn người lớn. Như vậy một khi nước đã nhiễm amoni thì nhất định phải loại trừ amoni ra khỏi nguồn nước”

Trong lúc chờ đơn vị cung cấp nước sạch và các cơ quan chức năng giải quyết “vấn nạn” amoni trong nước sinh hoạt cao gấp nhiều lần, những người dân trong tòa nhà CT5 và các khu chung cư gần đó dùng chung nguồn nước vẫn đang ngày đêm lo lắng trước nguy cơ ung thư nếu tiếp tục sử dụng nguồn nước này.

Tiến Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm