Hà Nội: Hàng trăm tỷ đồng khắc phục ô nhiễm làng nghề, cụm công nghiệp
(Dân trí) - TP Hà Nội sẽ đầu tư mới 11 trạm xử lý nước thải làng nghề, cụm công nghiệp. Với các trạm xử lý nước thải đã đầu tư nhưng thiết bị lạc hậu sẽ phải khắc phục đảm bảo chất nước nước xả ra môi trường.
Căn cứ kết quả giám sát của HĐND TP, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu Sở Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các quận, huyện tập trung khắc phục việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp trên địa bàn.
Đầu tư tiền tỷ trạm xử lý nước thải vẫn đắp chiếu
HĐND TP Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động ổn định, nằm trên địa bàn 17 quận, huyện, với khoảng 3.864 cơ sở sản xuất (hộ cá thể chiến 44,26%, Công ty TNHH chiếm 37,65%, Công ty cổ phần chiến 17,87%), tổng diện tích đất sử dụng theo quy hoạch là 1.686 ha, nộp ngân sách 1.100 tỷ đồng/năm, sử dụng khoảng 60.000 lao động.
Báo cáo của Sở Công thương gửi đến HĐND TP chỉ rõ, 70 cụm công nghiệp chỉ có 26 cụm có hệ thống xử lý nước thải, nhưng trong đó có hàng loạt trạm xử lý nước thải không hoạt động, hoặc hoạt động không hiệu quả. Cụ thể như trạm xử lý nước thải cụm công nghiệp Duyên Thái (Thường Tín) có công suất thiết kế 500m3/ngày đêm. Chủ đầu tư sau khi xây dựng xong, bàn giao cho UBND xã Duyên Thái quản lý, vận hành. Nhưng do xã không có kinh phí vận hành và lượng nước thải trong cụm công nghiệp ít nên hệ thống xử lý nước thải không hoạt động.
Trạm xử lý nước thải tập trung cụm công nghiệp Tân Triều (Thanh Trì) có công suất thiết kế 500m3/ngày đêm. Chủ đầu tư xây dựng trạm này là UBND huyện Thanh Trì, sau khi xây dựng xong đã bàn giao cho Công ty TNHH đầu tư và phát triển xây dựng quản lý, vận hành. Do không đủ năng lực, tư cách pháp nhân trong lĩnh vực vận hành công trình xử lý nước thải nên công ty này không duy trì hoạt động thường xuyên, không bảo trì, bảo dưỡng nên dẫn đến trạm xử lý nước thải hư hỏng, xuống cấp.
HĐND TP Hà Nội đánh giá những hạn chế nêu trên là do hệ thống xử lý nước thải do huyện làm chủ đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu quy định về bảo vệ môi trường, không tách riêng hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Một số cụm công nghiệp hệ thống xử lý nước thải lạc hậu, chất lượng nước thải sau xử lý chưa đạt yêu cầu, còn một số chỉ tiêu vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép trước khi xả thải ra môi trường…
Quan khảo sát, HĐND TP Hà Nội cho biết, hiện có 11 cụm công nghiệp đã được UBND TP Hà Nội trình HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung bằng nguồn vốn ngân sách. TP Hà Nội đã giao cho Ban quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, hoàn thiện các thủ tục khởi công các trạm xử lý nước thải trong năm 2020.
Nhức nhối ô nhiễm làng nghề
Theo thông kê trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, nhưng tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom, xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%. Xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức) là một trong những làng nghề làm miến lâu đời ở Hà Nội. Đi đôi với sự phát triển của nghề sản xuất miến là môi trường các xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế đều trong tình trạng ô nhiễm nặng nề.
Chất thải tích tụ lâu năm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngầm sinh hoạt, ảnh hưởng đến chính cuộc sống của người dân. Quá trình sơ chế nguyên liệu (củ dong, củ sắn), chất thải chưa qua xử lý được các hộ làm nghề xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung trong khu dân cư.
Một cán bộ xã Dương Liễu cho biết, do chỉ thu được 20% bột, nên cứ 100 tấn củ dong sau sơ chế, có tới 80 tấn đất, bã thải xả thẳng xuống cống rãnh. Mỗi ngày hàng trăm bã thải cứ thế trôi thẳng xuống kênh, xuống cống, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân trong vùng.
Đại diện xã Dương Liễu cho biết, UBND xã đã tổ chức tuyên truyền, mời các hộ sản xuất ký cam kết. Tuy nhiên, các hộ không chấp hành. Với quy mô số lượng tới 1.000 tấn dong thải ra môi trường/ngày khiến ô nhiễm ngày càng trầm trọng, cử tri kiến nghị liên tục nhưng vẫn chưa có giải quyết triệt để.
Một giải pháp kiên quyết để giải quyết vấn đề môi trường, an toàn thực phẩm là đưa các hộ sản xuất ra khỏi các cụm dân cư. Từ đầu năm 2012, UBND TP Hà Nội có Quyết định thành lập cụm công nghiệp làng nghề xã Dương Liễu với quy mô 12,05 ha theo hình thức đầu tư xây dựng mới. Với định hướng công nghiệp xanh, sạch; hệ thống thu gom nước thải và hệ thống thu gom nước mặt tách rời; bố trí địa điểm tập kết, thu gom chất thải.
Chủ đầu tư cụm công nghiệp làng nghề xã Dương Liễu cho biết, khi hoàn thành cụm công nghiệp, đơn vị ưu tiên mời và ký hợp đồng trước với các sản xuất trong làng nghề truyền thống của địa phương, sau mới đến các doanh nghiệp bên ngoài. Hiện cụm công nghiệp đã ký hợp đồng thuê 100% với các nhà đầu tư thứ phát, một số chưa xây dựng do nhà đầu tư thứ phát đang làm thủ tục cấp sổ đỏ theo Nghị định 69 của Chính phủ.
Ông Phùng Bá Nhân - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức cho biết, cùng với nâng cao nhận thức của người dân làng nghề, huyện đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư mở rộng cụm công nghiệp Dương Liễu - giai đoạn 2 với quy mô khoảng 17ha để di chuyển các cơ sở sản xuất tại 3 xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế vào khu tập trung; đồng thời trình thành phố 2 dự án xử lý nước thải tại xã Cát Quế và Yên Sở.
Riêng đối với dự án cụm công nghiệp Dương Liễu, dự án cơ bản đã lấp đầy trên 80%, nhà đầu tư đăng ký đã đạt 100%. “Điều kiện để triển khai giai đoạn 2 đã đầy đủ, hiện đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư. Hiện chủ đầu tư đang làm các thủ tục quy hoạch bao gồm lấy ý kiến cộng đồng dân cư, các sở ngành, trình UBND huyện phê duyệt”, ông Nhân thông tin.
Trên địa bàn huyện Phú Xuyên, tình trạng ô nhiễm làng nghề cũng rất nghiêm trọng, trong đó xã Vân Từ có gần 1.000 hộ sản xuất quần áo, hằng ngày thải ra môi trường 700-800kg rác thải công nghiệp (vải vụn). Theo quy định, chất thải này phải được thu gom riêng, nhưng do phí thu gom cao (khoảng 2.000 đồng/kg) nên nhiều hộ dân tự xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp.
Huyện Phú Xuyên cho biết, chất thải làng nghề đang trở thành tác nhân của ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí... Tình trạng này sẽ gây ra những hệ lụy lâu dài cho môi trường và sức khỏe của người dân. Huyện đã yêu cầu các xã có làng nghề ký hợp đồng với đơn vị thu gom chất thải, tuy nhiên giá xử lý cao nên tình trạng chôn lấp trộm vẫn diễn ra. Thời gian tới, huyện Phú Xuyên kiến nghị di chuyển những cơ sở ô nhiễm từ khu dân cư vào các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý thải mới giải quyết dứt điểm được việc này.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, Sở Công thương Hà Nội đã đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn TP với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng. Trong đó, đến hết năm 2020, sẽ bố trí khoảng 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm... Giai đoạn 2020 - 2030, cần 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác.