1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Hầm bộ hành xây rồi “đắp chiếu”

(Dân trí) - Trong khi Sở GTCC Hà Nội đang khẩn trương triển khai dự án xây dựng cầu vượt cho người đi bộ thì trên đường Phạm Hùng hiện có tới 5 hầm bộ hành đã hoàn thành từ hơn 3 năm nay nhưng không “thèm” đưa vào sử dụng.

Hầm bộ hành xây để… ngắm

 

Khi xây dựng tuyến đường Phạm Hùng, một trong những hạng mục được nhiều người dân Hà Nội quan tâm là 5 hầm bộ hành. Đây là tuyến đường đầu tiên của Thủ đô có xây hầm bộ hành, giúp người đi bộ qua đường không phải đối mặt với nguy cơ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, đã hơn 3 năm nay, dù đường Phạm Hùng đã được đưa vào sử dụng thì hầm bộ hành vẫn đang “đắp chiếu”.

 

Đường Phạm Hùng là tuyến đường rộng, có mật độ phương tiện tham gia giao thông khá dày đặc với tốc độ cao. Tuyến đường gần khu vực bến xe Mỹ Đình nên lượng người đi bộ qua lại rất đông và phức tạp. Một số khách bộ hành thắc mắc: Tại sao có hầm bộ hành lại bắt dân đi trên đường, hầm khoá cửa để đấy?

 

Cửa hầm trước cổng bến xe Mỹ Đình được trưng dụng làm quán nước. Cửa hầm mở, trong lòng đường hầm, ghế nhựa, phíc nước, đồ đạc để ngổn ngang, choán hết lối đi. Cách đó không xa, hầm bộ hành gần lối rẽ vào khu đô thị Nam Trung Yên cửa khoá im ỉm, phủ đầy bụi.

 

Đi hết đường Phạm Hùng, quan sát hết 5 hầm bộ hành, cả 5 đều chưa được đưa vào sử dụng. Dưới hầm đầy gạch đá ngổn ngang, một số cửa hầm đã bị bong gạch lát, mất kính chắn, nham nhở. Một dấu hỏi lớn: Bỏ ra tiền tỉ, xây hầm rồi đóng cửa, để cho… hỏng, tại sao?

 

Vì thiếu hệ thống chiếu sáng!

 

Qua tìm hiểu, được biết đầu tháng 1/2007, BQLDA Thăng Long đã tuyên bố trong tháng này sẽ bàn giao toàn bộ 5 hầm bộ hành nói trên cho Sở GTCC Hà Nội quản lý, khai thác, sử dụng. Nhưng đến thời điểm này, hầm vẫn chưa được trưng dụng.

 

Ông Trần Danh Lợi - Phó Giám đốc Sở GTCC Hà Nội - lý giải, Sở đã đi kiểm tra cả 5 hầm này nhưng không thể nhận bàn giao do chất lượng các hầm không bảo đảm. Cụ thể dưới hầm chưa được cấp điện chiếu sáng, kính chắn trên mặt hầm nhiều chỗ bị vỡ, hệ thống thoát nước cũng không đảm bảo… Sở GTCC Hà Nội đang yêu cầu chủ đầu tư phải khắc phục những vấn đề trên trước khi tiếp nhận công trình.

 

Chưa biết đến bao giờ BQLDA mới hoàn thiện “nốt” những gì còn dang dở. Trong khi con số thống kế người bị tai nạn giao thông vẫn tăng lên từng ngày. Một mối lo khác: Liệu khi được đưa vào sử dụng rồi, hầm bộ hành có trở thành “điểm đen” của nạn hút chích, trộm cắp, mại dâm…?

 

Quý Đô