1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội giáp Tết, ra đường là… ì ạch

(Dân trí) - Hễ ra khỏi nhà là gặp cảnh xe cộ, nhất là ô tô, đông nghìn nghịt trên đường. Dù không phải giờ cao điểm, dù có sự tăng cường CSGT, lực lượng tự quản, việc đi lại trên nhiều tuyến đường vẫn dễ gây ức chế.

Hà Nội giáp Tết, ra đường là… ì ạch - 1

Tắc ngay cả giờ… "thấp điểm"

Đường Trường Chinh vốn là nỗi “ám ảnh” của nhiều người trong giờ cao điểm, với sự tiêu hao thời gian có khi cả hơn tiếng đồng hồ trên một đoạn di chuyển ngắn; những ngày gần đây, thậm chí ngoài giờ cao điểm, việc đi lại nhiều khi cũng rất “khó chịu”. Cụ thể, khoảng thời gian 9 - 10h sáng hoặc 3 - 4h chiều, xe cộ phải “ì ạch” di chuyển.

Anh Nguyễn Nam ở cuối đường Minh Khai (phía Đại La) cho biết, phải mất hơn tiếng đồng hồ anh mới qua được các đường Đại La, Trường Chinh, Nguyễn Trãi để tới được Sở GTVT ở Hà Đông vào giờ “thấp điểm”. Trong khi, những ngày bình thường, anh chỉ mất nửa thời gian.

Với con đường “huyết mạch” từ Cầu Giấy vào trung tâm, tức đường Kim Mã - Nguyễn Thái Học vào giữa buổi sáng và giữa buổi chiều, những giờ thông thoáng trước nay, giờ cũng có mật độ xe cộ dày đặc. Điều dễ nhận thấy là lượng xe ô tô, nhất là ô tô con đổ ra đường trong những ngày giáp Tết rất đông và tập trung rất nhiều trên tuyến đường này.

Hà Nội giáp Tết, ra đường là… ì ạch - 2
Ô tô tràn ngập đường Giảng Võ vào lúc hơn 3h chiều.

Ách tắc nhất là ngã ba giao giữa đường Nguyễn Thái Học với đường Giảng Võ (gần bến xe Kim Mã). Xe trước, xe sau còi inh ỏi, nhưng bước tiến hết sức chậm chạp, trong khi người đi xe máy trèo lên cả vỉa hè chỉ để mong thoát được những đoạn ngắn.

Việc đi lại trên đường Nguyễn Tam Trinh lâu nay khá thoáng, trừ đoạn tiếp giáp với đường Trần Khát Chân, nhưng những ngày qua vào giờ cao điểm có thể ách tắc ở những nút giao với đường Minh Khai, Thanh Nhàn… 3-4 cảnh sát giao thông, dân quân tự vệ còi thổi liên hồi, tay gậy chỉ tứ phía, nhưng dòng người chuyển động vẫn như rùa bò.

Bên cạnh lưu lượng người đi lại tăng, việc sửa vỉa hè, cống nước tại đường Nguyễn Tam Trinh với nguyên vật liệu chất cả ra đường cũng khiến việc đi lại thêm khó khăn.
 
Những tuyến đường Chùa Bộc - Thái Hà, Đại Cồ Việt - Kim Liên việc đi lại cũng rất cực nhọc. Ngay đường Trần Bình Trọng cũng trở nên dễ tắc trong những ngày gần đây…

Chấm dứt đào đường, vỉa hè trước 15/1

Nhu cầu đi lại mua bán của người dân Hà Nội tăng lên nhiều vào dịp Tết, cộng với lưu lượng xe từ các tỉnh lân cận đổ về đã “dồn ép” giao thông Hà Nội. Việc sửa vỉa hè, cống thoát nước cùng lúc tiến hành trên một số tuyến đường vào dịp cuối năm cũng “tự” làm khó cho việc đi lại trong thành phố.

Thời tiết rét mướt khiến ô tô cá nhân của các gia đình được trưng dụng nhiều hơn, trong khi taxi cũng là lựa chọn của không ít người.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Quốc Hùng, GĐ Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, trong dịp giáp Tết này, lực lượng cảnh sát giao thông thành phố đã phải bố trí thêm 1.100 người để tổ chức giao thông tại các nút.

Thanh tra giao thông cũng ứng trực với 100% lực lượng, trong khi lực lượng tự quản, tình nguyện viên cũng được tăng cường. Riêng quận Hoàn Kiếm có thêm 200 trật tự viên các đơn vị khoán quản, thanh niên tình nguyện…

Theo ông Hùng, cùng với việc tăng cường lực lượng, vấn đề tổ chức giao thông tại chỗ được thực hiện cùng với việc nâng cao ý thức người dân.

Riêng với vấn đề đào đường, vỉa hè, ông Hùng cho biết, do cuối năm các quận, huyện có nguồn vốn đầu tư nên đã tạo điều kiện cho các chủ đầu tư làm cấp nước, chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, việc đào đường, vỉa hè sẽ phải chấm dứt trước 15/1, kể cả đang thi công dở. Ông Hùng nhấn mạnh, Sở GTVT sẽ có kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo này.

Kim Tân - Phương Thảo