Hà Nội giảm hơn 2.500 thôn, tổ dân phố
(Dân trí) - Với 100% đại biểu HĐND TP Hà Nội tán thành, trong năm 2020, hàng nghìn thôn, tổ dân phố của 11 quận, huyện trên địa bàn sẽ sáp nhập để giảm xuống còn gần 5.500.
Sáng 21/2, HĐND TP Hà Nội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ 13 thông qua việc sáp nhập, đặt đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc 11 quận, huyện (Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Tây Hồ, Hà Đông, Ứng Hòa) trên địa bàn thành phố năm 2020.
Hiện nay, toàn TP Hà Nội có gần 7.970 thôn, tổ dân phố. Tổng số thôn, tổ dân phố trong diện phải sáp nhập theo quỵ định là hơn 4.100.
HĐND TP Hà Nội cho biết, thực tế hiện nay trên địa bàn TP có nhiều thôn, tổ dân phố có quy mô nhỏ đã làm ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư, xã hội hóa để thực hiện các công trình văn hóa, khu vui chơi, thể thao. Đồng thời quy mô thôn, tổ dân phố nhỏ cũng ảnh hưởng đến công tác sinh hoạt đảng, tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội.
Tại kỳ họp HĐND TP, với 100% đại biểu có mặt biểu quyết thông qua việc sáp nhập, đặt đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc 11 quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội năm 2020. Cụ thể, quận Cầu Giấy sáp nhập 142 tổ dân phố để thành lập 74 tổ dân phố mới; quận Hoàn Kiếm sáp nhập 651 tổ dân phố để thành lập 132 tổ dân phố mới; quận Long Biên sáp nhập 156 tổ dân phố để thành lập 76 tổ dân phố mới…
Trong năm 2020, TP Hà Nội cũng đổi tên 226 tổ dân phố, trong đó, quận Ba Đình đổi tên 46 tổ dân phố, quận Cầu Giấy đổi tên 37 tổ dân phố, quận Đống Đa đổi tên 26 tổ dân phố, quận Hai Bà Trưng đổi tên 17 tổ dân phố, quận Hoàng Mai đổi tên 89 tổ dân phố, quận Tây Hồ đổi tên 11 tổ dân phố.
Sau khi Nghị quyết được thông qua, số lượng thôn, tổ dân phố mới được thành lập khi thực hiện phương án sáp nhập ở 11 quận, huyện là hơn 1.400 thôn, tổ dân phố; sau khi sáp nhập sẽ giảm hơn 2.500 thôn, tổ dân phố.
Phát biểu tại đây, đại biểu Dương Đức Tuấn cho biết, quận Hoàn Kiếm có 651 tổ dân phố, với quy mô khác nhau dẫn tới hiện trạng tổ chức hội họp có nhiều khó khăn. Vì vậy, chủ trương sáp nhập tổ dân phố giúp tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu quả chính quyền địa phương.
Theo ông Tuấn, về cơ bản nhân dân trên địa bàn quận đồng tình với phương án sáp nhập, sắp xếp này và mong muốn sẽ được thực hiện đồng bộ. Cụ thể, theo đề án, quận Hoàn Kiếm từ 651 tổ sau sáp nhập sẽ còn 132 tổ. Sau đó sẽ tiến hành sáp nhập chi bộ, đảm bảo 1 chi bộ đảng sẽ lãnh đạo 1 tổ dân phố, đảm bảo 4 chức năng cơ bản.
Đại biểu Nguyễn Xuân Lưu cho biết, sau sáp nhập, quận Thanh Xuân giảm 101 tổ dân phố, còn 213 tổ dân phố. Sắp tới, quận Thanh Xuân sẽ thực hiện quy trình bầu cử và kiện toàn tổ phó tổ dân phố có thể tham gia cấp ủy chi bộ; sắp xếp các chức danh không chuyên trách tại địa phương.
Ông Trần Thế Cương cho hay quận Bắc Từ Liêm có 181 tổ dân phố, trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm tăng 6.000 dân. Theo đề án, quận Bắc Từ Liêm có 3 tổ dân phố thuộc diện phải sáp nhập.
Lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm đề nghị với TP sẽ giữ nguyên, không sáp nhập các tổ dân phố trên. Bởi vì các tổ này nằm biệt lập so với các khu dân cư truyền thống; có đầy đủ hệ thống công trình, hệ thống chính trị, đoàn thể đang hoạt động ổn định; với tốc độ đô thị hóa như hiện nay thì dân sẽ lấp đầy các tổ này…
Quang Phong