1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội: Đường sắt đô thị số 2 sẽ đi ngầm qua các phố cổ

(Dân trí) - Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội vừa cho biết, tuyến đường sắt đô thị số 2 có chiều dài 11,5km, trong đó 8,5km đi ngầm dọc qua các tuyến phố cổ như Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào và khu vực hồ Hoàn Kiếm (đường Đinh Tiên Hoàng).

Cụ thể, tổng chiều dài toàn tuyến là 11,5km, trong đó có 8,5km đi ngầm, 3km đi trên cao. Điểm đầu từ Nam Thăng Long (CIPUTRA) chạy theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài qua Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - đến điểm cuối đoạn giao với phố Trần Hưng Đạo.

Hà Nội sẽ làm nhiều tuyến đường sắt để nâng cao năng lực giao thông công cộng

Hà Nội sẽ làm nhiều tuyến đường sắt để nâng cao năng lực giao thông công cộng

Hệ thống nhà ga có 10 ga, gồm 3 ga trên cao từ C1 đến ga C3; 7 ga ngầm từ C4 đến ga C10. Đề pô đặt tại Xuân Đỉnh (Từ Liêm) với quy mô khoảng 17ha.

Trong quá trình bàn thảo các vấn đề liên quan đến tuyến đường sắt số 2, một số đơn vị đề nghị tư vấn và Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh ga C5 hạng mục lối lên xuống tại vỉa hè phía Tây phố Văn Cao theo hướng dịch chuyển về phía cung Quần Ngựa và khả năng kết nối với nhà ga của tuyến đường sắt số 5.

Đối với ga C6, cần nghiên cứu lối lên xuống phía giáp khu đất Hội Phụ nữ Việt Nam để không ảnh hưởng đến lối ra vào công trình. Đối với ga C7, khảo sát kỹ vị trí ga xuống phía Nam để tránh ảnh hưởng hàng cây cổ thụ dọc hai bên đường Hoàng Hoa Thám. Nghiên cứu điều chỉnh cửa hầm của lối lên xuống số 3 sang vỉa hè phía Đông đường Hung Vương.

Đối với ga C8, khảo sát kỹ hàng cây xanh cổ thụ dọc hai bên đường Pham Đình Phùng, kết hợp với ga Nam Long Biên của tuyến đường sắt số 1, khu đất xây dựng bãi đỗ xe ngầm của Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương để nghiên cứu chỉnh vị trí ga lên phía Bắc phố Phan Đình Phùng đảm bảo kết nối giữa các dự án đầu tư.

Riêng đối với đoạn tuyến đi ngầm qua khu vực phố cổ, Hồ Gươm và phụ cận, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề nghị Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội kiểm tra quá trình triển khai dự án đầu trước đây về việc xin ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đảm bảo quy trình theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.

Các vấn đề khác liên quan đến tiến độ đầu tư dự án, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề nghị chủ đầu tư lưu ý triển khai đồng thời các quy trình đất tái định cư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 19.556 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước. Năm 2020, tàu sẽ vận chuyển khoảng 535.000 lượt hành khách mỗi ngày; năm 2030 là 661.000 và năm 2040 là 777.000 lượt hành khách.

Quang Phong