1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội đổi giờ, phân làn, tăng phí vẫn ùn tắc

(Dân trí) - Trả lời báo chí ngày 9/12, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội - Nguyễn Hoài Nam cho rằng, biện pháp đổi giờ, phân làn, tăng phí trước bạ không thể giải quyết được ùn tắc. Vấn đề cơ bản chính là quy hoạch và quản lý giao thông hợp lý.

Ùn tắc là vấn đề “nóng”, nhưng lãnh đạo thành phố trả lời thì “nguội”, khiến nhiều đại biểu không thấy rõ lời giải bài toán chống ùn tắc giao thông đô thị. Là đại biểu tái chất vấn nhiều lần vấn đề này, ông có hài lòng về phần trả lời không?

Tôi cảm thấy chưa hài lòng vì phần trả lời chất vấn của ông Khôi chưa quyết liệt. Phần trả lời của ông Khôi chỉ giải quyết những vấn đề liên quan xử lý trách nhiệm trong quản lý hè đường khi để xảy ra tình trạng cấp phép tràn lan.
Hà Nội đổi giờ, phân làn, tăng phí vẫn ùn tắc - 1
Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND Hà Nội

Nhiều đại biểu cho rằng, ùn tắc giao thông là do xây dựng quá nhiều khu đô thị, chung cư cao tầng trong trung tâm thành phố khiến dân số cơ học tăng quá nhanh. Cá nhân ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Ùn tắc giao thông là sự trả giá của Hà Nội trong việc cấp phép xây dựng quá nhiều chung cư cao tầng trong nội đô và đặc biệt là ở đầu các nút giao thông hướng tâm. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của người làm quy hoạch và quản lý quy hoạch.

Các khu đô thị vẫn đang xây hoặc có quyết định xây dựng chưa lâu vậy trách nhiệm của chính quyền thành phố trong việc này thế nào?

Tôi đã chất vấn nhưng chưa nhận được câu trả lời là trách nhiệm thuộc về Chính phủ hay của lãnh đạo thành phố.

Không được những người liên quan trả lời, theo ông thời gian tới chúng ta có nên xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, lãnh đạo phụ trách không?

Tôi tin chắc chắn trong bài phát biểu trước HĐND, Chủ tịch UBND thành phố sẽ nói đến chuyện này. Tôi cũng hy vọng trong phần phát biểu Chủ tịch thành phố sẽ kết luận về vấn đề này và yêu cầu hội đồng giám sát trong những năm tới.

Với các giải pháp chống ùn tắc giao thông Hà Nội đang làm và vừa được HĐND xem xét như phân làn, đổi giờ học - giờ làm, tăng phí trước bạ… liệu trong năm tới thành phố có giải quyết được ùn tắc giao thông không thưa ông?

Với các biện pháp đó tôi có thể khẳng định chắc chắn là không giảm được ùn tắc giao thông. Đó chỉ là những giải pháp cấp bách tạm thời, nó chỉ góp phần nhắc nhở ý thức của người tham gia giao thông đỡ lộn xộn hơn. Bản chất của việc giảm ùn tắc là vấn đề quy hoạch - quản lý quy hoạch và vấn đề giãn dân ra khỏi khu vực nội đô. Cái đó tôi cũng đã chất vấn UBND thành phố hi vọng trong phần phát biểu Chủ tịch UBND thành phố sẽ đề cập đến những giải pháp.

Trong những năm qua, Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp tổng thể nhưng giao thông trong nội đô dường như vẫn dậm chân tại chỗ, người dân vẫn phải chịu cảnh ùn tắc, tai nạn, thưa ông?

Tôi có thể khẳng định không phải là không nhìn nhận được quy hoạch đô thị mà các yếu tố về quy hoạch bị chi phối bởi các nhóm lợi ích. Tức là việc tổ chức và quản lý quy hoạch đang rất yếu ở Hà Nội và trách nhiệm của vấn đề này thuộc nhiều ngành liên quan.
Hà Nội đổi giờ, phân làn, tăng phí vẫn ùn tắc - 2
Nhà cao tầng gây áp lực gián tiếp cho giao thông đô thị

Trong khi ông nói ùn tắc là do quản lý nhưng với những biện pháp Hà Nội đang làm thì mọi gánh nặng lại đổ vào đầu người dân. Liệu có phải người dân đang trả giá cho quyết định của chính quyền không, thưa ông?

Đấy là những giải pháp trước mắt và cũng phải thí điểm để đánh giá tác động của nó. Còn lâu dài tôi đã nói là phải quy hoạch và quản lý quy hoạch theo hướng không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô để tránh tăng cơ học. Tập trung hoàn thiện các tuyến đường vành đai, mà thành phố báo cáo đến 2016 mới xong. Hà Nội cũng phải quản lý thật chặt hè đường để trả hè cho người đi bộ và đường cho giao thông.

Trong cuộc họp gần đây Chính phủ đã giao cho HĐND thành phố quyết việc đổi giờ học, giờ làm. Tại sao, HĐND lần này chỉ đưa ra bàn rồi tiếp tục trình lên Chính phủ quyết?

Chúng tôi chỉ đặt ra những vấn đề còn chưa đầy đủ của đề án điều chỉnh giờ học, giờ làm như mở rộng thêm địa bàn, khung giờ chưa hợp lý nhưng chỉ là đề xuất còn việc quyết định vẫn là Chính phủ. Vì trên địa bàn Thủ đô có rất nhiều cơ quan Trung ương, từ Quốc hội, Chính phủ đến các Bộ thì làm sao Hà Nội làm sao có quyền quyết định đề án nếu không có văn bản ủy quyền. Cho nên, chúng tôi thấy đấy là thẩm quyền của Chính phủ, còn nếu Chính phủ muốn ủy quyền Hà Nội thì phải có văn bản cụ thể.

Quang Phong