1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội: Đấu giá đất dư thừa sau sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập

(Dân trí) - Ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, sau khi sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, Hà Nội dư khoảng 100 thửa đất. Nếu các cơ quan được sắp xếp là đơn vị hành chính của thành phố cần thì được giao lại đất, còn không, thành phố sẽ đưa ra đấu giá.

Ngày 27/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác Chính phủ về làm việc với UBND TP Hà Nội khảo sát cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Thủ đô.

Báo cáo về việc tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn, ông Nguyễn Doãn Toản – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 39 của Trung ương, tính đến thời điểm này, thành phố đã giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ban, ngành. Các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện giảm từ 206 xuống còn 96 đơn vị.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội

Sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị UBND TP Hà Nội làm rõ 3 nhóm vấn đề với 19 nội dung, trong đó có việc phân tích cụ thể các vị trí được tinh giản; Phương pháp nào để giảm các đơn vị và số lượng cấp trưởng phó sau khi tinh giản được bố trí, sắp xếp công việc ra sao. Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội làm rõ, sau khi sắp xếp thì cơ sở nhà đất dư thừa được sử dụng ra sao.

Ông Trần Huy Sáng – Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, quá trình tinh giản biên chế trên địa bàn Thủ đô được thực hiện, đầu tiên từ các đơn vị hành chính, sau đó đến các ban ngành. Đến nay, các sở ngành cơ bản giảm được 30% đơn vị, quận huyện khoảng 50%.

“Dù tinh giản như vậy, nhưng các sở ngành, quận huyện vẫn đảm bảo công việc. Quá trình tinh giản cũng không có đơn thư khiếu nại”, ông Trần Huy Sáng nói.

Làm rõ thêm những vấn đề được Giám đốc Sở Nội vụ trình bày, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND thành phố cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, Hà Nội chủ động sắp xếp các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương tự nhau vào một đầu mối.

Về kết quả sắp xếp, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, với những vấn đề cụ thể thì thành phố chưa tổng kết. Tuy nhiên, nếu như trong năm 2015, chi thường xuyên chiếm tới 58% trong tổng chi ngân sách toàn thành phố; Đến năm 2016, giảm xuống còn 53,3%.

“Tức là thành phố đã tiết kiệm hơn 4%. Chúng tôi đặt ra mục tiêu, trong 5 năm sẽ kéo giảm chi thường xuyên xuống 10%. Thành phố cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 giảm được 10% tổng biên chế”, ông Nguyễn Đức Chung nói.

Người đứng đầu UBND TP Hà Nội khẳng định, 2016 là năm thành phố thực hiện đợt tinh giản nhiều nhất, sắp xếp lớn nhất nhưng bộ máy hành chính vẫn hoạt động ổn định, không có đơn thư khiếu nại và thu nhập của người lao động không hề sụt giảm.

Sau khi sắp xếp các đơn vị, ông Chung cho biết, đến nay thành phố dư ra khoảng 100 thửa đất. “Tới đây, thành phố sẽ đưa những thửa đất này cho trung tâm đấu giá đất quản lý. Nếu các cơ quan được sắp xếp là đơn vị hành chính, cần sử dụng đất thì thành phố sẽ giao lại, nếu không sẽ đưa ra đấu giá để thu lại nguồn ngân sách cho thành phố”, ông Nguyễn Đức Chung nói.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá Hà Nội đã có những bước đi phù hợp và đạt được những kết quả ban đầu trong đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian qua. Tuy nhiên, mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập của Thành phố vẫn còn hạn chế. Phó thủ tướng đề nghị Hà Nội cũng như các bộ, ngành đánh giá kỹ vấn đề này, trong đó chú ý đánh giá việc thực hiện tự chủ về tài chính – là bước quan trọng để thực hiện tự chủ biên chế, nhân sự.

Phó Thủ tướng cũng chia sẻ thực hiện tự chủ tài chính trong hoàn cảnh hiện nay không dễ thực hiện khi liên quan tới việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công và các vấn đề bảo đảm các yếu tố kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Đi liền với đó là tăng cường yêu cầu giám sát của nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và tự quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu Hà Nội tiếp tục hoàn thiện báo cáo để làm căn cứ cho Ban chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện Đề án trình Trung ương. Đặc biệt, Hà Nội đánh giá kỹ thêm về xu hướng xã hội hóa giáo dục ở các cấp mầm non, phổ thông hay việc sắp xếp lại mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng ngành, lĩnh vực hay theo địa bàn để giảm đầu mối giảm định biên và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Quang Phong