1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội đang "ưu ái" Nhà máy nước mặt sông Đuống?

(Dân trí) - Việc mua nước sạch sông Đuống với giá cao khiến UBND TP Hà Nội chấp thuận phương án bù giá dự kiến trong năm 2019 tổng số tiền lên tới gần 200 tỷ đồng!

Hà Nội đang ưu ái Nhà máy nước mặt sông Đuống? - 1

Nhà máy nước mặt sông Đuống (Ảnh: Trọng Trinh).

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, năm 2019 Nhà máy nước mặt sông Đuống bán, phân phối nước sạch ở Hà Nội với lưu lượng hơn 100.000m3/ngày đêm. Để mua nguồn nước của đơn vị này, liên ngành TP Hà Nội đã trình UBND TP Hà Nội phương án cấp bù dự kiến gần 200 tỷ đồng cho phần chênh lệch giá bán buôn.

Tháng 7/2017, UBND TP Hà Nội có văn bản chấp thuận giá bán nước sạch tối đa của Nhà máy nước mặt sông Đuống tạm tính là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Việc chấp thuận tạm tính giá này cao hơn cả giá nước sạch bán cho người dân theo quy định của TP Hà Nội đang áp dụng.

Để có cơ sở chuẩn bị cấp nước, cuối năm 2018, Công ty cổ phần nước mặt Sông Đuống đã có nhiều văn bản gửi các đơn vị kinh doanh nước sạch trên địa bàn Hà Nội và đề xuất UBND TP Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch của mình bằng giá tạm tính là 10.246 đồng/m3.

Tuy nhiên, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội và Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội đều có văn bản cho rằng “không đủ nguồn lực tài chính” để thực hiện mua nước với giá 10.246 đồng/m3 mà Công ty nước mặt sông Đuống đưa ra. Giá bán nước sạch cần được sự chấp thuận và ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và Sở Tài chính.

Ngay sau đó, Công ty nước mặt sông Đuống (chủ đầu tư) đã đề nghị UBND TP Hà Nội chấp thuận phê duyệt phương án giá bán nước sạch tạm thời của Nhà máy nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/m3 để làm cơ sở phát nước thương mại.

Đồng thời đề nghị Sở Tài chính Hà Nội làm việc với các đơn vị liên quan (Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội) thống nhất giá bán tạm thời theo phương án 10.246 đồng/m3, để từ tháng 12/2018 các đơn vị có cơ sở tiếp nhận nguồn nước từ Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, liên ngành tài chính - xây dựng Hà Nội ghi nhận giá bán nước sạch bình quân của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội cho người dân chỉ hơn 9.700 đồng/m3. Còn nếu tính theo tỷ lệ nước thu tiền (đạt 81,4%) thì giá bán nước sạch sau khi trừ tỉ lệ hao hụt chỉ còn hơn 7.900 đồng/m3

Chính vì thế, nếu phải mua nước từ Nhà máy nước mặt sông Đuống với giá 10.246 đồng/m3 thì với mức nước tiêu thụ khoảng 80.000m3/ngày đêm, tương đương 29,2 triệu m3/năm sẽ khiến Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội dự kiến lỗ hơn 192 tỷ đồng/năm. Tương tự, Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội cũng sẽ lỗ trên 58 tỷ đồng/năm khi mua nước với mức giá này.

Hà Nội đang ưu ái Nhà máy nước mặt sông Đuống? - 2

Cửa lấy nước từ sông Đuống cung cấp nguồn vào cho nhà máy (Ảnh: Đỗ Quân).

Cấp bù gần 200 tỷ đồng

Trước tình hình trên, liên ngành Tài chính - Xây dựng - Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty nước mặt sông Đuống đã có tờ trình đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét chấp thuận giá bán buôn nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống cho các đơn vị lưu thông nước là 7.700 đồng/m3.

Đồng thời đề xuất phương án cấp bù “phần thua lỗ” của hai đơn vị mua nước của Công ty nước mặt sông Đuống cũng như cho chính công ty này.

Trên cơ sở số liệu ghi nhận và tính toán chi phí lưu thông nước của các đơn vị, liên ngành thống nhất đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét chấp thuận tạm thời thanh toán cho Công ty nước mặt sông Đuống với giá hơn 8.800 đồng/m3 nước bán ra.

Cụ thể, số tiền liên ngành đề nghị cấp bù trong năm 2019 cho Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội khi mua 80.000m3/ngày đêm là hơn 118 tỷ đồng; cấp bù cho Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội gần 38 tỷ đồng.

Đáng chú ý, liên ngành đề nghị UBND TP Hà Nội cấp bù cho Công ty nước mặt Sông Đuống khoảng 43 tỷ đồng.

Tổng số tiền mà liên ngành đề xuất UBND TP Hà Nội dự kiến cấp bù giá (phần thua lỗ do chênh lệch giá bán, mua) cho 3 đơn vị nêu trên trong năm 2019 lên tới gần 200 tỷ đồng.

Đầu năm 2019 Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội chấp thuận về nguyên tắc với đề xuất của liên ngành. Hà Nội cũng đã giao Sở Xây dựng hướng dẫn Công ty nước mặt Sông Đuống, Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội, Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội thống nhất tổ chức việc phát nước thương mại từ ngày 10/1/2019.

Đến cuối tháng 10/2019 vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng tiếp tục có văn bản giao Sở Tài chính phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch và hiện nay đang gặp phải những quan điểm trái chiều.

Được biết, hiện nay giá nước sinh hoạt ở Hà Nội được tính theo quyết định 38 của TP Hà Nội ban hành năm 2013, lộ trình từ ngày 1/10/2015 bán với giá chỉ 5.973 đồng/m3 (đối với 10m3 đầu tiên); từ trên 10m3 đến 20m3 là 7.052 đồng; trên 20m3 đến 30m3 là 8.669 đồng và trên 30m3 là 15.929 đồng.

Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) mới đây đã khẳng định đến nay Nhà máy nước sông Đuống chưa đủ điều kiện để nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Cục này đã từng có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình nhà máy nước mặt sông Đuống (giai đoạn 1) do chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng.

Theo cơ quan này, công trình còn một số tồn tại như: Chưa cung cấp thiết kế ống qua đường, đường cao tốc; chưa làm rõ căn cứ thực hiện và kết quả thí nghiệm bổ sung thí nghiệm vật liệu ống, chiều dày lớp sơn phủ Epoxy; kết quả thử áp chưa bổ sung đầy đủ với các chủng loại ống…

Tuy nhiên, sau khuyến nghị này, Nhà máy nước mặt sông Đuống vẫn được tổ chức khánh thành vào đầu tháng 9/2019.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm