1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Dân kiện, phường “cãi”… vu vơ

(Dân trí) - Phiên tòa sơ thẩm vụ kiện của gia đình bà Lê Thị Mùi với UBND phường Nhân Chính (Thanh Xuân - Hà Nội) sáng 12/5, phải dừng lại giữa chừng vì phía bị đơn hoàn toàn không nắm được vị trí công trình đã cưỡng chế. Tòa sẽ “thực địa” để giúp chính quyền xác định địa bàn quản lý của phường.

Có nhà vẫn bị “kết” là… vô chủ

Bà Lê Thị Mùi (tổ dân phố số 2, cụm Nam Thăng Long I) đâm đơn kiện quyết định hành chính số 57/QĐ-UB ngày 4/9/2006 của UBND phường Nhân Chính về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế giải tỏa các công trình xây dựng trái phép đối với 26 hộ dân tại tổ 2 cụm Nam Thăng Long I, trong đó có căn nhà cấp 4 của gia đình bà.

Sau khi bàn giao phần lớn diện tích đất cho dự án đường Vành đai III, các hộ dân vẫn còn một phần nhà đất ngoài chỉ giới GPMB. Bà Mùi và nhiều hộ hàng xóm đã mua hồ sơ xin phép xây dựng nhưng phường từ chối xác nhận vào đơn với lý do “đang lập quy hoạch và sắp công bố”.

Khi người dân đang khiếu kiện rất nhiều về tính hợp pháp của của bản quy hoạch đã quá hạn công bố 3 năm về dự án làm công viên và hồ điều hòa (năm 2000), đến thời điểm đó đã được thay thế bằng dự án xây dựng nhà văn hóa quận Thanh Xuân, thì phường đã nhanh chóng san phẳng cả khu nhà.

Ngày 31/8/2006, ngày làm việc cuối cùng trước đợt nghỉ lễ, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Xuân Thịnh cho dán thông báo số 53/TB-UB lên tường nhà 26 hộ dân đề nghị các hộ tự tháo dỡ “công trình xây dựng không phép” trên phần đất còn lại sau GPMB. Sau 3 ngày nghỉ, ngày 4/9 phường ra tiếp thông báo số 54/TB-UB về việc cưỡng chế dỡ bỏ “công trình xây dựng trái phép” và quyết định số 57/QĐ-UB áp dụng biện pháp cưỡng chế giải toả các “công trình xây dựng trái phép”.

Bản thân các văn bản của phường đã “đá” nhau khi thay đổi nhận định xoành xoạch về loại hình vi phạm “không phép” - “trái phép” của các công trình. Người dân thì khẳng định, xây nhà trên đất của mình, chỉ không có phép (vì xin phép nhưng phường không cấp) nên không thể áp dụng biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” và tổ chức san phẳng nhà dân trong thời gian đang có khiếu nại.

Trước toà, đại diện phường cho rằng vì dán thông báo trước đó 3 ngày lên tường từng nhà mà các hộ không ra nhận nhà nên “kết” là “nhà vô chủ” và phải nhanh chóng phá dỡ toàn bộ.

Cả bà Mùi và con trai cùng phản ứng, khẳng định khi đó họ có nhà nhưng cũng không có ai hỏi. Bà Mùi cũng nêu, nhà bà trước nay vẫn được quản lý với số nhà 406B, xung quanh đều xác định được nhà hàng xóm, đất có số có thửa trong bản bồ địa chính.

Giải toả vu vơ?

Người đại diện phường điềm nhiên khẳng định trước toà: hiện tại, không thể xác định được nhà bà Mùi ở đâu, khoảng nào. Có trở lại hiện trường thì cũng không xác định được vị trí giải toả 26 ngôi nhà này.

Phía nguyên đơn không giấu bức xúc: “Như vậy thì phường quản lý dân cư, nhà đất vô cùng lỏng lẻo. Không biết chúng tôi ở đâu, nhà nào mà lại xác định là nhà vô chủ. Không xác định được vị trí công trình bị giải toả chứng tỏ phường giải toả vu vơ?”.

HĐXX cũng tỏ ra khá ngạc nhiên trước phát biểu của phía bị đơn. Chủ toạ hỏi dồn: “Hiện nay phường cũng không xác định được vị trí của từng hộ dân bị cưỡng chế”, “Ít nhất cũng phải biết được vị trí từng hộ trên bản đồ địa chính, nếu không làm sao xác định được diện cưỡng chế giải toả?”, “Trước khi GPMB đường Vành đai III có bao nhiêu hộ dân?”… Đáp lại câu hỏi nào cũng chỉ là những cái lắc - gật xác nhận của người đại diện chính quyền: “Không xác định được”.

Phường chỉ xác định được duy nhất 1 hộ dân là ông Nguyễn Văn Vịnh nhận nhà ở vị trí thứ 2, thứ gì đó trong dãy. Nhân chứng này cũng gần như “nổi đoá” vì người đại diện của phường. Ông Vịnh khẳng định nhà bà Mùi là hàng xóm, kề vách nhà mình, được đánh số 406B và là 1 trong số 26 hộ bị cưỡng chế giải toả ngày 6/9/2006. “Phường không thể nói nhà chúng tôi vô chủ” - ông Vịnh bức xúc.

Rốt cuộc, phiên toà phải dừng giữa chừng để toà tổ chức “thực địa”, thay chính quyền xác minh vị trí nhà đất thực tế của bà Lê Thị Mùi. Những lý lẽ của phường rất thiếu thuyết phục những người dự khán.

Trong khi đó, nguyên đơn còn tiếp tục đưa ra những văn bản quy định việc quyết định áp dụng biện pháp “cưỡng chế dỡ bỏ công trình” thuộc thẩm quyền của UBND cấp quận, huyện trở lên.

P.Thảo - Kim Tân