1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội đã có giải pháp “cứu” cụ Rùa hồ Gươm

(Dân trí) - Rùa tai đỏ “lộng hành” ở hồ Gươm đang đe dọa đến hệ sinh thái, nơi sống và tính mạng của cụ Rùa. UBND TP Hà Nội hôm qua (5/1) đã phê duyệt các giải pháp xử lý 1 trong 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới hiện nay để “cứu” cụ Rùa.

Diệt rùa tai đỏ
 
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng vừa ký văn bản số 52/UBND-VHKG phê duyệt đề xuất  các giải pháp kiểm tra và xử lý rùa tai đỏ tại hồ Gươm của Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội.
 
Theo đó, giải pháp tình thế trước mắt đầu tiên là cần phải bắt và xử lý rùa tai đỏ hiện có trong hồ Gươm để đảm bảo môi trường sống cho cụ Rùa.
 
Phương pháp bắt rùa tai đỏ được Sở Khoa học - Công nghệ đề xuất bao gồm: Bắt bằng lồng đặt chìm dưới nước; Dùng bè nổi có mồi dẫn dụ và lưới. Các thiết bị bắt rùa tai đỏ yêu cầu phải hiện đại, không gây vẩn đục, không ảnh hưởng đến  Rùa quý và hệ động thực vật thuỷ sinh trong hồ, đảm bảo mỹ quan, dễ thao tác.
 
Hà Nội đã có giải pháp “cứu” cụ Rùa hồ Gươm  - 1
Hiện trạng rùa tai đỏ xâm hại hồ Gươm và cụ Rùa
 
Nghiên cứu mồi dẫn dụ (chủng loại, số lượng) đảm bảo hiệu quả nhưng không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái hồ; Nghiên cứu vị trí đặt thiết bị; Đề xuất địa điểm, tiến hành bắt Rùa tai đỏ tại một hồ thử nghiệm để rút kinh nghiệm.
 
Đối với giải pháp đồng bộ: xây dựng kịch bản truyên truyền về tác hại của rùa tai đỏ đối với hệ sinh thái của hồ Gươm và các văn bản liên quan nghiêm cấm mọi hành vi buôn bán, lưu giữ, vận chuyển và nuôi rùa tai đỏ.
 
Ngăn chặn việc tăng số lượng của rùa tai đỏ thông qua việc vận động người dân không phóng sinh rùa tai đỏ và các sinh vật ngoại lai khác xuống hồ Gươm và xử lý theo đúng pháp luật đối với hành vi vi phạm về việc quản lý các loài ngoại lai; điều tra khảo sát các khu vực có khả năng là bãi đẻ của rùa tai đỏ để tiêu diệt.
 
Thành lập tổ công tác liên ngành, bao gồm đại diện của các Sở ngành: Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND Quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý Khu vực hồ Hoàn Kiếm; các đơn vị ngoài thành phố tham gia bắt và xử lý rùa tai đỏ với sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố.
 
Trao đổi với PV Dân trí, bà Lê Thanh - Phó trưởng phòng Phụ trách phòng Công nghệ, Sở KHCN Hà Nội cho biết: “Việc bắt và xử lý rùa tai đỏ tại hồ Gươm là vấn đề quan trọng và rất nhạy cảm, tuy là việc cần thực hiện trong thời gian sớm nhất nhưng phải cẩn trọng. Vì vậy, dù đề xuất của Sở Khoa học - Công nghệ được duyệt nhưng có lẽ phải sau Tết Nguyên đán mới có thể thực hiện được”.
 
Theo bà Hiếu: “Muốn bắt được rùa tai đỏ trong hồ Gươm thì phải dựa vào các đặc điểm sinh học của nó như: thích phơi nắng và nổi trên mặt nước, rùa tai đỏ ăn về sáng sớm và đêm. Chúng tôi đã loại trừ các phương pháp như cất vó, dùng phi tiêu vì dễ gây tổn thương cho cụ Rùa”.
 
Nỗi trăn trở không của riêng ai
 
Bao đời nay, cụ Rùa được xem như linh vật, là biểu tượng của hồ Gươm, của Hà Nội, của đất nước, vậy nên rất nhiều người đã “choáng” khi nhìn thấy hình ảnh rùa tai đỏ - 1 trong 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới hiện nay đang “nhảy múa” ở hồ Gươm, thậm chí “cưỡi” trên lưng cụ Rùa.
 
Nhiều người cho rằng, những vết thương khá nặng trên mình cụ Rùa được phát hiện khi cụ nổi lên cách đây ít hôm do rùa tai đỏ là thủ phạm gây nên.
 
GS.Hà Đình Đức cho biết: sau khi ăn rất nhiều tảo trong hồ, việc kiếm tìm thức ăn trở nên khó hơn đối với rùa tai đỏ và có thể chúng đã quay sang tấn công, gặm nhấm cụ Rùa hồ Gươm.
 
Sự bình yên ở một môi trường sinh thái đặc biệt nhất trong những điều đặc biệt dường như không còn khi tình trạng rùa tai đỏ đang tràn ngập khiến bất kỳ ai hướng về hồ Gươm và cụ Rùa đều cảm thấy lo lắng.
 
Tình hình đã rõ và việc “cứu” cụ Rùa đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. “Phải nhanh chóng bảo vệ cụ Rùa, bảo vệ một chứng nhân lịch sử ngàn năm của dân tộc, nếu không chúng ta sẽ có tội với đất nước” - một độc giả của Dân trí bày tỏ.
 
Những việc cần làm ngay trước mắt là tuyên truyền cho người dân không thả  rùa tai đỏ xuống hồ Gươm vào dịp Tết ông Công, ông Táo sắp tới. Cơ quan chức năng cần phạt thật nặng những người cố tình thả rùa tai đỏ gây hại cho hồ Gươm, cho cụ rùa.
 

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng ban Quản lý khu vực hồ Gươm, cho biết: “Việc rùa tai đỏ thành “đại dịch” ở hồ Gươm bắt đầu từ năm 2009”.

Để ngăn chặn người dân tự ý thả rùa xuống hồ, ông Tuấn cho rằng, bên cạnh việc thường xuyên tuyên truyền tác hại của rùa tai đỏ đến người dân thì TP cần phải có chế tài xử lý đối tượng phóng sinh rùa tai đỏ xuống hồ gây hại cho môi trường và cụ Rùa.

PGS. TS Nguyễn Đình Hòe - Trưởng ban Phản biện xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng: Biện pháp hàng đầu hiện nay để bảo vệ môi trường hồ Gươm và cụ Rùa là phải cấm người dân thả thêm rùa tai đỏ xuống hồ.

“Loài rùa tai đỏ thuộc loài bò sát, thích phơi nắng và phàm ăn nên việc tìm cách bẫy chúng phải dựa vào đặc tính này. Biện pháp Sở KH-CN đưa ra là hợp lý, tuy nhiên đó phải là các bẫy không gây nguy hiểm hoặc có khả năng gây thương tích cho cụ Rùa” - ông Hòe cho hay.

Quang Phong

 
Quỳnh Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm