1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội: Còn nhiều “lỗi” trong việc phân làn đường

(Dân trí) - Ngày 14/10, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cho rằng, việc phân làn trước đây và 5 tuyến phố hiện tại gặp nhiều khó khăn là do chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở ngành và chưa triệt để thưc hiện các giải pháp đặt ra.

Trong buổi họp giao ban giữa các lãnh đạo thành phố Hà Nội ngày 14/10, ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội - báo cáo kết quả phân làn tách dòng phương tiện trên 5 tuyến phố: Phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu, Giải Phóng, Xã Đàn, Trần Khất Chân - Đại Cồ Việt. Theo ông Hùng, sau hơn ba tuần phân làn, tách dòng phương tiện, bước đầu giảm thiểu các xung đột giao thông trên tuyến, tăng khả năng thông hành của các phương tiện lưu thông trong khu vực, giảm tai nạn giao thông.
 
Hà Nội: Còn nhiều “lỗi” trong việc phân làn đường - 1
Lái xe ô tô "hồn nhiên" đi vào làn dành đường dành cho xe máy, xe đạp

Tuy nhiên, quá trình triển khai đã gặp không ít khó khăn và hạn chế cần phải khắc phục. Ông Hùng cho biết nguyên nhân là do những tuyến đường này có lưu lượng phương tiện lưu thông lớn, thường xuyên có nguy cơ ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Khoảng cách giữa các nút giao thông ngắn, mặt cắt trên toàn tuyến không đồng bộ (như tuyến Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài, Đại Cồ Việt).

Trong 5 tuyến phố vừa phân làn có tới bốn tuyến không có làn đường dành riêng cho xe buýt. Khi xe ra vào đón trả khách gây ảnh hưởng tới khả năng lưu thông với các phương tiện còn lại. Ngoài ra, số lượng cơ quan, trường học, cửa hàng, nhà dân… hai bên đường lớn. Các phương tiện liên tục có nhu cầu tách, nhập làn.

Mặc dù hệ thống biển báo, dải phân cách phân làn, tách dòng phương tiện đã được sơn phản quang, cột biển được dán giấy phản quang nhưng người điều khiển các phương tiện giao thông do thiếu quan sát, đặc biệt là các xe ô tô tải chạy ban đêm vẫn đâm vào. Ông Hùng cho biết, lái xe đã va quệt làm xoay lệch 40 biển; hư hỏng phải thay thế 23 cột; nghiêng đổ, gãy, phải trồng lại 138 cột biển báo. Đã có 4 thanh tra giao thông bị xe máy va quệt vào người khi đang đứng phân làn.

Ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - cho biết, sở dĩ việc phân làn trước đây và trên 5 tuyến phố mới (từ ngày 20/9) gặp nhiều khó khăn là do chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở ngành liên qua và các bên cũng chưa triệt để thực hiện các giải pháp đặt ra.
 
Hà Nội: Còn nhiều “lỗi” trong việc phân làn đường - 2
Khi ùn tắc thì ô tô, xe máy cùng lấn tuyến

“Còn thiếu sự đồng bộ trong việc phân làn, phân tuyến. Mặc dù phân rõ hai làn đường nhưng chưa chỉ rõ đối với các trường hợp rẽ phải, rẽ trái, đường dành cho xe buýt, các điểm dừng, đỗ xe… Cùng với đó là việc chưa triệt để thực hiện việc thống nhất kẻ vạch phân đường (vạch đứt hay vạch liền), rồi cột báo hiệu, dải phân cách, sơn phản quang đặt như thế nào cho hợp lý”, ông Thảo phân tích nguyên nhân dẫn tới những khó khăn trong việc phân làn.

Ông Thảo đặt ra nhiệm vụ của các sở ngành liên quan phải tiếp tục khảo sát lên phương án tổ chức tách dòng theo phương tiện trên tất cả các tuyến phố. Việc rà soát lại phân làn, phân tuyến và lập phương án thiết kế cụ thể đối với từng tuyến đường để chỉ đạo thực hiện đúng tiến trình cũng được Chủ tịch thành phố đặt ra. Ngoài ra, phải thống nhất việc phân vạch kẻ đường, các cột biển báo, dải phân cách, sơn phản quang, đinh phản quang.

Trước mắt, trong 3 tháng cuối năm 2011, giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an Thành phố tổ chức thực hiện phân làn tách dòng theo phương tiện trên các tuyến phố: Kim Mã (đoạn từ Voi Phục đến bến xe Kim Mã); Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung (đoạn từ Ngã Tư Sở đến đường Lê Trọng Tấn của quận Hà Đông); Tuyến Yên Phụ - Trần Quang Khải - Trần Nhật Duật; Tuyến Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai; Tuyến Lê Văn Lương; Tuyến Nguyễn Văn Linh (đoạn từ nút giao Quốc lộ 5 - Nguyễn Văn Cừ đến cầu Vĩnh Tuy); tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài; tuyến Hoàng Quốc Việt.

Quang Phong