1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội: Cơm hộp “sạch” quá ít

(Dân trí) - Gần 12 giờ trưa, quán cơm bình dân gần bến xe Kim Mã đông nghịt khách, tiếng thúc giục liên hồi. Mấy nhân viên vội vã dùng chiếc khăn cáu bẩn lau bát đĩa cùng mấy chồng hộp đựng cơm ướt nhớp nháp mới được “nhúng” qua chậu nước rửa. Phía ngoài, từng chậu thức ăn phơi trần bên lề đường mù mịt bụi...

Hiện nay, Sở Y tế Hà Nội vẫn chưa thống kê chính xác được có bao nhiêu cơ sở kinh doanh cơm hộp bởi dịch vụ này đang ngày càng nở rộ và khó kiểm soát. Tuy nhiên, có thể khẳng định, số cơ sở cung cấp cơm hộp đảm bảo quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

 

Kinh hoàng nơi chế biến

 

Thái thịt cho vào đĩa xong, chị chủ hàng cơm cạnh bến xe Kim Mã lau vội tay vào chiếc tạp dề đã cáu bẩn, loang lổ mỡ rồi lại tiếp tục bốc từng món thức ăn vào những chiếc hộp để trước mặt thật nhanh để kịp đưa đến các công sở. Công đoạn “bốc” của chị thỉnh thoảng lại ngắt quãng vì phải đếm tiền hoặc đưa tiền thừa trả lại cho khách ăn.

 

Vào sâu trong nhà bếp - nơi chế biến ra những món ăn khoái khẩu của không ít người như dưa xào lòng, thịt rán tẩm húng lìu, cá kho… mới thấy hết sự lộn xộn, bẩn thỉu của hàng cơm này. Nền nhà lênh láng nước, mỡ, thịt cá sống nằm chỏng chơ bên cạnh. Mùi tanh, xú uế của chiếc cống sau bếp bốc lên nồng nặc. Rổ rau muống đang được một nhân viên khoắng qua trong chậu nước… tráng bát.

 

Có lẽ, người ăn đã quá quen với những hình ảnh như vậy các các quán cơm bình dân mọc như nấm khắp Hà Nội nên cửa hàng này vẫn làm ăn ngày càng phát đạt. Theo lời chị chủ, mỗi ngày chị bán và đưa đi gần 400 suất cơm; ăn tại chỗ, suất ít nhất giá 5.000 đồng, còn đưa đến tận thì 7.000đ/hộp - 20.000đ/hộp.

 

Tại một số cửa hàng trên phố Lương Thế Vinh, nơi học sinh, sinh viên các trường xung quanh đó gọi là “phố ăn uống” tập trung khá nhiều cửa hàng cơm hộp. Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm ở đây còn đáng lo ngại hơn. Vì muốn giành được nhiều “thượng đế” sinh viên hơn nữa, nhiều hàng cơm bình dân chỉ bán 3.000 - 4.000 đồng/hộp cơm (bao gồm đầy đủ thịt, cá, rau). Để vẫn có lãi, họ cần tận dụng mọi nguồn thực phẩm ôi thiu, dư thừa giá rẻ mua ở các chợ gần đó. Và tất nhiên chuyện bát, đũa, rau củ phải rửa sạch sẽ là điều… viển vông.

 

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Hiện nay, Sở mới cấp được 300 giấy phép đủ điều kiện cho các cơ sở thức ăn đường phố, trong khi thành phố có trên 17.000 cơ sở kinh doanh thực phẩm. Chính vì vậy, phần lớn các cửa hàng cơm bình dân đều kinh doanh theo kiểu tự phát. Tuy nhiên, việc giữ kiểm tra VSATTP lại thuộc chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị địa phương.

 

Quy định là vậy, nhưng theo lời  thừa nhận của các cửa hàng cơm bình dân thì “thỉnh thoảng có lực lượng công an đến dẹp trật tự, không cho ngồi bán ở vỉa hè, lòng đường, chứ ít thấy lực lượng y tế địa phương đến kiểm tra, lấy mẫu…”.

 

Hiểm hoạ đến từ cơm hộp

 

Tình hình chế biến thực phẩm và ở các dịch vụ thức ăn đường phố, trong đó có các hàng cơm bình dân, vi phạm nghiêm trọng về VSATTP.

 

Tỷ lệ thức ăn bốc bằng tay chiếm gần 70%, không rửa tay chiếm gần 50%. Tỷ lệ bàn tay nhiễm E.coli (ô nhiễm phân) 50 - 90%.

 

Hiện nay, lực lượng thanh tra VSATTP quá mỏng, không thể đủ để kiểm tra số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng như các cơ sở bán cơm bình dân, cơm hộp đang hoạt động 24/24 trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng.  

 

(Ông Trần Đáng, Cục trưởng Cục VSATTP)

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, nhịp sống công nghiệp phát triển mạnh mẽ đã khiến nhu cầu dùng cơm hộp ở Hà Nội tăng mạnh trong nhiều năm qua. Đối tượng dùng cơm hộp rất đa dạng từ cán bộ, công nhân viên đến học sinh, sinh viên, thế nhưng chất lượng cơm hộp đang là bài toán chưa có lời giải.

 

Được biết, hiện trên toàn thành phố chỉ có 2 cơ sở sản xuất cơm hộp lớn (4.000 - 7.000 suất cơm/ngày) chuyên cung cấp cho một số trường học và khu công nghiệp. Những cơ sở này có một hệ thống chế biến tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về VSATTP như: Thịt, cá có nguồn gốc; rau xanh lấy từ các HTX nuôi trồng có cam kết đảm bảo an toàn; có hệ thống sấy và diệt khuẩn bát, đĩa, hộp đựng cơm và thức ăn. Xe bảo ôn để đưa cơm đi các nơi…

 

Anh Vũ Tiến Việt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch và Thực phẩm Sao Việt (một trong hai cơ sở sản xuất cơm hộp lớn) cho hay: Giá thành của cơm hộp “sạch” không thể thấp như giá của các hàng cơm bình dân cũng là một yếu tố gây khó khăn trong quá trình mở rộng khu vực phục vụ.

 

Đơn cử, chỉ một hộp cơm với rau, đậu, trứng, thịt với số lượng không nhiều thì giá thành cũng phải lên tới 10.000đ/hộp. Trong khi đó, cùng với số tiền này, một cửa hàng cơm bình dân tự phát có thể mang đến cho khách một hộp cơm đầy đặn với  5 - 6 món.

 

Như vậy, để có lãi nhiều họ phải tiết kiệm nhân công, nước rửa và những vật dụng dể đảm bảo độ sạch sẽ cho thức ăn, chưa kể nguồn gốc những loại thực phẩm mà các cơ sở này được cung cấp chẳng mấy khi bị quản lý. Và cứ thế, những hộp cơm chứa đầy hiểm hoạ vẫn đều đặn trao đến tận tay các “thượng đế”.

 

Chất lượng cơm hộp hay cơm bình dân đã ở mức đáng báo động khi Tiến sĩ Đinh Viết Dụ, Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Só rất nhiều trường hợp phải đưa vào cấp cứu tại trung tâm vì ngộ độc do ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, ôi thui từ nhiều ngày đem chế biến lại rồi bán ở các quán cơm bình dân. Bên cạnh đó, ngay cả người khỏe mạnh nếu sử dụng phải đồ ăn (trong đó có cơm hộp) kém chất lượng và không đảm bảo vệ sinh có thể bị ngộ độc. Về lâu dài, những đồ ăn thức uống kém vệ sinh đó sẽ gây lên những hậu quả và bệnh lý nghiêm trọng cho cơ thể. 

Phạm Thanh