1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Hà Nội có một số nơi tăng học phí nhưng không đáng kể”

(Dân trí) - Kỳ họp HĐND Hà Nội diễn ra vào thứ 3 tuần tới sẽ xem xét đề án học phí mới trên địa bàn. Theo Trưởng ban Văn hóa Xã hội (HĐND) Nguyễn Thị Thùy, chỉ một số nơi trên địa bàn tăng học phí nhưng không đáng kể.

Nhiều nơi giảm học phí

HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV tổ chức kỳ họp thứ 5 diễn ra từ ngày 10 - 14/7 sẽ xem xét tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu chi ngân sách của thành phố 6 tháng đầu năm; các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp 6 tháng cuối năm. Kỳ họp này cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của thành phố Hà Nội.
 
Chỉ một số nơi trên địa bà Hà Nội được xem xét tăng học phí (ảnh: Quang Phong)

Chỉ một số nơi trên địa bà Hà Nội được xem xét tăng học phí (ảnh: Quang Phong)

Trưởng ban Văn hóa Xã hội Nguyễn Thị Thùy cho biết, đề án thu chi học phí trình lần này dựa vào những nội dung của Nghị định 49 năm 2010 của Chính phủ về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Đề án còn nhằm thống nhất mức thu của các địa phương sau khi sáp nhập vào Hà Nội. Với mức thu mới, UBND thành phố dự kiến mức thu học phí mới đa số là giảm. “Ví dụ mầm non nội thành là 70.000 đồng/tháng/cháu giờ xuống còn 40.000 đồng, nông thôn là 20.000 đồng. Một số ít nơi phải tăng nhưng không đáng kể như các trường mầm non của Mê Linh trước đây là 7.000 đồng/tháng/cháu thì giờ là 20.000 đồng/tháng. Đây là áp dụng mức thu thấp nhất trong quy định của Chính phủ”, bà Thùy cho biết.

Về mức thu mới các dịch vụ y tế được Bộ Y tế áp dụng từ 1/7 vừa qua, Hà Nội cho biết, Thường trực HĐND thành phố chưa nhận được đề nghị nào của UBND thành phố về vấn đề này.

Xem xét hướng giải quyết ùn tắc

Kỳ họp lần này HĐND Hà Nội cũng sẽ bàn chương trình giải quyết ùn tắc giao thông đến năm 2015, quy hoạch giao thông thủ đô đến năm 2030. Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho biết, thời gian qua một trong những giải pháp mang tính trước mắt như phân làn, đổi giờ học, cầu vượt nhẹ tại một số nút giao thông đã thể hiện tính hiệu quả, giảm thiểu ùn tắc ở một số tuyến đường nhất định tại một số thời điểm nhất định trong ngày.

 
Ùn tắc giao thông Hà Nội diễn ra hàng ngày

Ùn tắc giao thông Hà Nội diễn ra hàng ngày

Tới đây, thành phố tiếp tục lựa chọn nút giao gây ùn tắc lớn để đầu tư nhưng về lâu dài, trong quy hoạch mạng lưới giao thông nút giao trục chính đô thị và các đường trục lớn đều được thiết kế theo hướng khác mức để tránh xung đột gây ùn tắc (tại nút giao thông sẽ được thiết kế đi theo nhiều tầng khác nhau như trên cao hoặc đi ngầm - PV).

Trong khi đó, liên quan tới vấn đề thoát nước mùa mưa, Thường trực Ủy ban Kinh tế ngân sách Nguyễn Văn Nam cho hay, kỳ họp này Hà Nội cũng xem xét thông qua quy hoạch thoát nước tới năm 2030, tầm nhìn 2050 cùng với đó là quy hoạch thủy lợi.

Ông Nam cho hay, quy hoạch đã tính toán tới yếu tố biến đổi khí hậu, lượng mưa quan sát trong vòng 10 năm qua. Cả hai quy hoạch đề phân các lưu vực và đặt vấn đề nạo vét hệ thống lòng sông và đầu tư cho các trạm bơm với công nghệ mới.

Quy hoạch sử dụng đất cũng được đưa ra xem xét lần này với cách làm chặt chẽ và quan tâm tới việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất. “Đối với một số loại đất ao hồ, đất lúa, quy hoạch phải xác định rõ, công khai ranh giới, quản lý nghiêm ngặt. Quy hoạch cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra dự án mà chủ đầu tư được giao chậm đưa vào sử dụng và cương quyết thu hồi”, ông Nguyễn Văn Nam cho biết.

Quang Phong