Hà Nội chưa nhận cầu Thăng Long vì bề mặt cầu hỏng hơn 10.000m2
(Dân trí) - Sở GTVT Hà Nội cho biết, mặt cầu Thăng Long bị rạn nứt và hằn lún hơn 10.000m2, cần phải có biện pháp sửa chữa tổng thể để đảm bảo an toàn giao thông.
Sở GTVT Hà Nội vừa có báo cáo gửi UBND TP về việc thực hiện Quyết định của Bộ GTVT về việc điều chuyển hạng mục mặt cầu đường bộ tầng hai cầu Thăng Long.
Qua khảo sát mặt đường bê tông nhựa trên 5 dàn thép của cầu chính, Sở GTVT Hà Nội phát hiện có hiện tượng hằn lún, rạn nứt và được Cục Quản lý đường bộ I duy tu sửa chữa thường xuyên.
Cụ thể, vào thời điểm kiểm tra mới đây mặt đường bị rạn nứt khoảng 8.736m2; hằn lún 1.866m2; vạch sơn mòn, sơn tim đường bị mặt đường trồi lún gây biến dạng; 4/8 khe co dãn cầu bị hư hỏng và đậy tạm bằng tấm thép để đảm bảo an toàn giao thông.
Ông Ngô Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, các hư hỏng phần mặt cầu đường bộ trên 5 dàn thép của cầu chính. Việc sửa chữa các hư hỏng mặt cầu, thảm bê tông nhựa trực tiếp trên mặt cầu thép tại 5 dàn thép của cầu chính đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ phức tạp, phải được nghiên cứu và sử dụng những công nghệ phù hợp.
Sở GTVT Hà Nội kiến nghị UBND TP Hà Nội đề xuất Bộ GTVT chỉ đạo các các đơn vị liên quan nghiên cứu và tổ chức sửa chữa tổng thể toàn bộ phần mặt cầu bị hư hỏng trước khi bàn giao cho TP Hà Nội quản lý.
Trong thời gian chưa bàn giao, đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ I (thuộc Tổng Cục đường bộ Việt Nam) và các đơn vị liên quan tiếp tục công tác duy tu, duy trì mặt cầu đảm bảo an toàn giao thông.
Tháng 7 vừa qua, Bộ GTVT cũng đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên tuần tra, kiểm tra và kịp thời sửa chữa ngay các hư hỏng phần mặt cầu đường bộ trên tầng 2 cầu Thăng Long để đảm bảo ATGT.
Đồng thời, Tổng cục phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ có các giải pháp căn cơ xử lý hư hỏng phần mặt cầu đường bộ trên tầng 2 cầu Thăng Long đảm bảo chất lượng và khai thác ổn định, lâu dài.
Năm 2009, Bộ GTVT đã sửa chữa lại mặt cầu Thăng Long bằng nhiều công nghệ như phun sơn chống gỉ trên bề mặt lớp bản thép; thi công lớp chống thấm; lớp bê tông nhựa polymer SMA dày 4cm; tưới nhựa dính bám 0,5kg/m2; lớp bê tông nhựa polymer SMA dày 3cm.
Tuy nhiên, theo Sở GTVT Hà Nội, công nghệ này chưa thực sự hiệu quả, cần có những nghiên cứu áp dụng công nghệ mới cho phù hợp với điều kiện khai thác hiện nay.
Mặt đường bộ tầng 2 cầu Thăng Long có tổng chiều dài khoảng 3.116m, bao gồm 1.688m phần cầu chính, bao gồm 15 nhịp dàn thép được chia thành 5 liên, mỗi liên gồm 3 nhịp dàn thép liên tục.
Bề rộng mặt cầu 20,5m bao gồm 4 làn xe cơ giới rộng 16,5m (mặt đường bê tông nhựa diện tích 27.852m2), còn lại hai bên là phần đường bộ hành công vụ mỗi bên rộng 2,0m. Hiện tại phần trên tầng hai mặt cầu đường bộ chỉ dành cho ô tô lưu thông, được tổ chức xe lưu thông hai chiều không có dải phân cách giữa.
Phần cầu dẫn bê tông cốt thép có tổng chiều dài 1.428m, bề rộng 16,5m. Mặt đường bê tông nhựa được tổ chức xe lưu thông hai chiều không dải phân cách giữa, gồm 4 làn xe (mỗi bên 2 làn xe, phân định bằng vạch sơn liền tim cầu).
Quang Phong