1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Chợ hiện đại đìu hiu, chợ truyền thống nhếch nhác

(Dân trí) - Chợ truyền thống của Hà Nội khi được nâng cấp thành trung tâm thương mại thì đìu hiu. Còn chợ dân sinh dù buôn bán đông đúc tấp nập nhưng lại trong tình trạng xập xệ, nhếch nhác.

Tốc độ đô thị hóa của TP Hà Nội nhanh chóng khiến cho rất nhiều chợ nổi tiếng của Hà Nội biến mất. Thay vào đó là những tòa nhà hỗn hợp kiểu “trung tâm thương mại - chợ” chỉ tồn tại trên danh nghĩa như chợ Hàng Da, chợ Mơ, chợ Cửa Nam, chợ Trung Hòa…

Điển hình cho loại công trình này phải nói đến chợ Hàng Da. Chợ này được hình thành cách đây khoảng 30 năm bằng tiền đóng góp của các tiểu thương. Trong khoảng 20 năm, chợ Hàng Da luôn hoạt động tấp nập, là nơi bán buôn, bán lẻ với đủ mọi mặt hàng.

Năm 2008, chợ Hàng Da được xây dựng thành dạng hỗn hợp Chợ - Trung tâm thương mại. Quyết định khiến chợ Hàng Da từng sầm uất bậc nhất Hà Nội hoàn toàn mất đi sức sống. Phần lớn các gian hàng phải đóng cửa vì không thể kinh doanh cũng không thể cho thuê.

Một tiểu thương chợ Hàng Da kê ghế nằm ngủ ngay lối đi do chợ quá ế ẩm
Một tiểu thương chợ Hàng Da kê ghế nằm ngủ ngay lối đi do chợ quá ế ẩm

Chị Hương - một tiểu thương cho biết, trước đây chị mua 2 gian hàng ở chợ Hàng Da với số tiền là gần 6 tỷ đồng, nhưng gần chục năm nay, chị không thể kinh doanh cũng không cho thuê được và hiện vẫn đang để không, rất lãng phí. Trong khi đó, những người khác do xót ruột thì cố kinh doanh trong tình trạng ế ẩm, không có khách.

Tại chợ Mơ, do chợ bị đưa xuống tầng hầm không tiện cho mua bán, lại thêm không khí rất ngột ngạt nên khách rất thưa thớt. Nhiều gian hàng đóng cửa im lìm. Trước kia, chợ Mơ là từng nổi tiếng là chợ bán buôn tấp nập nhất khu vực phía Nam thành phố.

Trong khi đó, chợ Cửa Nam hiện chỉ còn cái tên, bên trong hoàn toàn không có hoạt động gì liên quan đến chợ dân sinh.

Nhìn thấy bài học nhãn tiền, nhiều tiểu thương ở các chợ dân sinh khác không muốn chuyển đổi chợ thành trung tâm thương mại. Chị Trần Thị Tâm, tiểu thương ở ô 27, chợ Châu Long cho biết, nghe tin chợ không bị lấy để làm trung tâm thương mại, bà con tiểu thương rất mừng. Tuy nhiên, chợ này đã quá xập xệ, mái thấp và cũ nát, cống thoát nước thì quá nhỏ, chuột tha rác làm tổ khiến tắc cống liên tục, đọng nước hôi thối.

Theo một số tiểu thương ở chợ Thành Công, năm ngoái, chợ này đã được quận Ba Đình đầu tư để cải tạo tạm phần mái nên đã đỡ xập xệ hơn trước. Tuy nhiên, nhìn chung, chợ này vẫn đang trong tình trạng thiếu ánh sáng, lối đi lúc nào cũng ẩm ướt, mất vệ sinh.

Theo KTS Trần Huy Ánh, chợ truyền thống từ xa xưa đã luôn được bố trí tại các địa điểm giao thông thuận tiện để thu hút khách hàng. Trong khi đó, hiện nay những nhà đầu tư chỉ nhìn chợ truyền thống là mảng bất động sản béo bở và biến nó thành tổ hợp thương mại.


Chợ Châu Long buôn bán sầm uất với đủ mọi mặt hang nhưng rất xập xệ

Chợ Châu Long buôn bán sầm uất với đủ mọi mặt hang nhưng rất xập xệ

Ông Ánh cho biết, những chợ may mắn còn sót lại vẫn đang kẹt ở giữa những sự thèm muốn của các nhà đầu tư nhưng lại hờ hững với việc đầu tư thực sự. Trong khi đó TP nhiều năm nay vẫn chưa đưa ra được một mô hình nào hợp lý trong khi nhu cầu mua bán của người dân vẫn diễn ra hàng ngày thì chất lượng chợ xuống cấp do mất vệ sinh và nguy cơ cháy nổ rất cao.

Còn ông Steve Davies - một chuyên gia nổi tiếng thế giới về thiết kế đô thị nội đô cho biết, trên thế giới, người ta hiện đại hóa các khu chợ với những kết cấu, hạ tầng, tiện ích điện nước, quầy hàng và tiện ích cho khách hàng. Nhưng đó vẫn phải là những khu chợ và giữ được các chức năng hoạt động cơ bản và bản sắc.

Ông Steve cũng chia sẻ rằng, hầu hết các thành phố của nước Mỹ đã đóng cửa hoặc phá bỏ chợ dân sinh của họ trước hoặc ngay sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, khi mà siêu thị trở nên thống trị. Nhưng hiện nay, lại đang có sự gia tăng các chợ nông dân ở nước Mỹ và những chợ này ngày càng được ưa thích.

“Tôi bảo với mọi người rằng, người Mỹ đang mong muốn những gì mà người Việt Nam đang có”, vị chuyên gia về chợ dân sinh nói.

Quang Phong