Hà Nội chi 190 tỷ đồng cải tạo trụ sở UBND thành phố
(Dân trí) - Với khoảng 190 tỷ đồng dự kiến nâng cấp, cải tạo trụ sở UBND thành phố, Hà Nội sẽ cải tạo nhà làm việc, xây dựng khu lưu trữ cơ quan, dựng biểu tượng thành phố vì hòa bình, tạo không gian xanh...
Dự án cải tạo, nâng cấp trụ sở UBND TP Hà Nội nằm trong danh mục một số dự án sử dụng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025, vừa được HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp chuyên đề.
Theo tờ trình của UBND TP, dự án gồm các hạng mục: cải tạo nhà làm việc hai tầng số 10-12 Lê Lai, nhà làm việc cao 7 tầng số 79 phố Đinh Tiên Hoàng, xây mới nhà để xe kết hợp xây dựng khu lưu trữ cơ quan, tạo không gian xanh và khu sinh hoạt chung...
Hà Nội cũng dự kiến lắp dựng hai bức phù điêu vào bức tường phía ngoài phòng họp, làm khu tiểu cảnh, giếng trời, lắp dựng biểu tượng thành phố vì hòa bình, xây nhà để ô tô trong sân, lắp dựng mảng xanh, hạ tầng, sân vườn...
Tổng mức đầu tư dự kiến là 190,651 tỷ đồng.
Tại báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội, cơ quan này đề nghị làm rõ sự trùng lặp các hạng mục đã được cải tạo, sửa chữa trước đây để không chồng lấn, thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, thành phố được yêu cầu làm rõ dự án này có những ảnh hưởng, tác động đến những công trình kiến trúc có giá trị trước năm 1954 nằm trong khuôn viên hay không.
Giải trình các nội dung trên, UBND TP Hà Nội cho biết trước đây, trụ sở Sở Ngoại vụ được cải tạo, sửa chữa vào năm 2017 với tổng mức đầu tư là 2,984 tỷ đồng, từ nguồn chi thường xuyên ngân sách thành phố.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố đang được giao làm chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP, cũng như cải tạo sửa chữa hội trường tầng 3 trụ sở HĐND và UBND TP tại số 17 Trần Nguyên Hãn và 79 Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm).
Trong khi đó, dự án cải tạo, nâng cấp trụ sở UBND TP thực hiện tại các khu đất số 10-12 phố Lê Lai, số 79 phố Đinh Tiên Hoàng chỉ bao gồm khuôn viên và phần diện tích làm việc của Văn phòng UBND TP và Sở Ngoại vụ, nên không chồng lấn về quy mô đầu tư với dự án vừa thực hiện.
Trong giai đoạn tiếp theo, chủ đầu tư có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát cụ thể các hạng mục đã được đầu tư, cải tạo để tránh trùng lắp; lựa chọn phương án thiết kế tối ưu về mặt kỹ - mỹ thuật, hiệu quả cao, tiết kiệm triệt để, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, lãng phí ngân sách.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cho biết đang chỉ đạo Viện Quy hoạch xây dựng kế hoạch rà soát, lập danh mục các công trình kiến trúc có giá trị trước năm 1954 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định, trong đó dự kiến đề xuất bổ sung quần thể trụ sở UBND TP và Sở Ngoại vụ tại số 8-10-12 phố Lê Lai vào danh mục.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, phương án cải tạo, nâng cấp dự kiến các công trình tại số 10-12 phố Lê Lai cơ bản không ảnh hưởng đến kiến trúc mặt ngoài và hệ thống kết cấu hiện có của các công trình.
Do đó dự án đáp ứng được yêu cầu theo quy định, trong trường hợp các công trình được cấp có thẩm quyền chấp thuận đưa vào danh mục công trình kiến trúc có giá trị trước năm 1954.
"Việc cải tạo, sửa chữa các công trình có giá trị xây dựng trước năm 1954 trong khu vực nhằm phát huy giá trị công trình, đảm bảo chất lượng, an toàn và yêu cầu sử dụng là phù hợp với định hướng trong công tác bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị", theo báo cáo giải trình của UBND TP Hà Nội.
Thành phố cũng cam kết chỉ đạo các sở, ngành rà soát, nghiên cứu phương án đề xuất hạng mục xây mới nhà để xe kết hợp xây dựng khu lưu trữ cơ quan, để đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại khu vực cơ quan.