1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hà Nội: Các chỉ số ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng

Theo dự báo đến năm 2010 nhu cầu sử dụng nước của thành phố sẽ tiệm cận với giới hạn trữ lượng nước ngầm có thể khai thác an toàn. Do khai thác và sử dụng bừa bãi nên một số nơi, nước đã có các biểu hiện suy thoái cả về chất và lượng.

Chất lượng nước, không khí tiếp tục suy thoái

 

Đặc biệt là ở phía Nam Hà Nội sự suy thoái về chất biểu hiện rõ rệt và ngày càng mạnh. Sự xâm nhập của chất bẩn do nước thải, chất thải và phân bón, chủ yếu mới xảy ra đối với tầng chứa nước thứ nhất và mạnh nhất ở khu vực phía Nam thành phố (huyện Thanh Trì ).

 

Phần lớn nước thải sản xuất công nghiệp, nước thải của các bệnh viện và các cơ sở dịch vụ chứa nhiều chất gây ô nhiễm chưa được xử lý là một yếu tố gây ô nhiễm nguồn nước mặt. Lượng nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường mới chỉ chiếm khoảng hơn 6% tổng lượng nước thải của thành phố.

 

Môi trường không khí ở Hà Nội chịu tác động chủ yếu của hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động giao thông vận tải, hoạt động xây dựng và sinh hoạt của cộng đồng, trong đó nguồn thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp chiếm tỉ lệ lớn, trên địa Thành phố hiện có hơn 150 xí nghiệp, nhà máy có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường không khí, cùng các loại phương tiện giao thông cơ giới đang gia tăng với số lượng lớn.

 

Nồng độ bụi lơ lửng tại hầu hết các khu vực đều có xu hướng tăng dần và đều vượt quá mức chỉ tiêu cho phép từ 2,5 đến 4,5 lần, tăng mạnh nhất ở các khu vực Văn Điển, Pháp Vân và Mai Động, và tại các khu vực đang xây dựng , cải tạo và phát triển các khu đô thị.

Với mức dân số xấp xỉ gần 3,0 triệu người, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trong nội thành là 500.000 tấn/năm, chất thải công nghiệp gia tăng hàng năm là 5% trong đó khoảng 38% là chất thải nguy hại. Đến nay, thành phố đã thực hiện công tác thu dọn, vận chuyển hết rác thải sinh hoạt trong ngày, cơ bản giải quyết xong rác tồn đọng tại các ngõ xóm ở các quận nội thành; Xử lý 100 % rác thải y tế; đua vào vận hành trạm xử lý rác thải công nghiệp với công suất thiết kế 50 – 100 tấn/ ngày.

 

Hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn còn tồn tại một số tập quán lạc hậu như sử dụng phân tươi để bón rau, quả hoặc có nơi còn lạm dụng sử dụng quá mức phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật.

 

Lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp vẫn đang tồn tại thách thức đối với công tác bảo vệ môi trường đó là phát triển các làng nghề truyền thống như gốm Bát Tràng, bún Phú Đô, chế biến phế thải tại Triều Khúc....điển hình là tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng và hậu quả của nó đối với sức khoẻ người dân tại làng gốm Bát Tràng – Gia Lâm.

 

Thiếu công cụ quản lý hữu hiệu

 

Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Quý Đôn, một trong những bất cập của công tác quản lý môi trường của TP xuất phát từ hệ thống văn bản pháp quy quản lý môi trường còn chưa đầy đủ, chậm sửa đổi nên hiệu quả áp dụng vào thực tiễn chưa cao, chưa trở thành công cụ quản lý hiệu quả.

 

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường tại các khu vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường Thành phố gắn kết với qui hoạch phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2010 và định hướng đến năm; Dành không dưới 1% tổng chi ngân sách cho các hoạt động bảo vệ môi trường; Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải, xử lý, tái chế chất thải công nghiệp để tái sử dụng nhằm giảm chi phí từ nguồn ngân sách nhà nước.

 

Đặc biệt tập trung áp dụng các biện pháp giảm thiểu và tiến tới ngăn chặn, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, trong đó chú trọng đối với các loại nghề sản xuất cán, kéo kim loại, cơ khí mạ, nhuộm kim loại, chế biến gỗ và đồ gỗ gia dụng, gạch ngói gốm sứ, chế biến thực phẩm và tái chế chất thải.

 

Theo Đình Nam

VnMedia