1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội: Bị phạt vì đi ngược chiều, tài xế đòi khiếu nại CSGT

Trần Thanh

(Dân trí) - Sau khi bị CSGT lập biên bản về lỗi đi ngược chiều đường trên phố Tây Sơn, anh T.A.T. (ở quận Đống Đa) cho rằng mình đi như vậy không sai và nói sẽ khiếu nại tổ công tác.

Sáng 8/1, Tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 3 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) lập chốt xử lý các trường hợp vi phạm đi ngược chiều đường Tây Sơn (đoạn từ phố Khương Thượng tới ngã tư Tây Sơn - Thái Thịnh).

Hà Nội: Bị phạt vì đi ngược chiều, tài xế đòi khiếu nại CSGT - 1

Hàng loạt xe máy đi ngược chiều từ phố Khương Thượng ra ngã tư Tây Sơn - Thái Thịnh (Ảnh: Trần Thanh).

Theo phân luồng, các phương tiện đi từ phố Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) đến nút giao phố Tây Sơn - Thái Thịnh buộc rẽ phải tới điểm quay đầu dưới gầm cầu Thái Hà - Chùa Bộc khoảng 300m.

Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian và khoảng 100m đường, nhiều người đi xe máy đã bất chấp nguy hiểm đi ngược chiều.

Ghi nhận của phóng viên Dân trí thời điểm 7h sáng 8/1, nhiều xe máy bất chấp nguy hiểm để đi ngược chiều, gây hỗn loạn quãng đường khoảng 100m từ phố Khương Thượng đến nút giao Tây Sơn - Thái Thịnh.

Do lượng xe máy đi ngược chiều đông nên dòng phương tiện thường xảy ra xung đột. Nếu người lái xe không tập trung rất dễ xảy ra va chạm giao thông.

Hà Nội: Bị phạt vì đi ngược chiều, tài xế đòi khiếu nại CSGT - 2

Một trường hợp đi ngược chiều bị xử lý (Ảnh: Trần Thanh).

Anh Hoàng Tuấn Phương (nhà ở phố Tây Sơn) cho biết, xe máy thường đi ngược chiều vào khung giờ cao điểm buổi sáng và chiều. Đã có những vụ va chạm, tai nạn xảy ra.

Khoảng 7h30 sáng nay, tổ công tác dừng 5 trường hợp đi xe máy ngược chiều đường Tây Sơn.

Tại chốt làm việc, đa số các tài xế xe máy vi phạm đều thừa nhận hành vi vi phạm và chấp nhận mức xử phạt của tổ công tác. Các trường hợp này thừa nhận việc đi ngược chiều đường để giúp tiết kiệm thời gian, tránh phải đi thêm một quãng đường xa hơn mới tới điểm quay đầu.

Riêng tài xế T.A.T. (37 tuổi) không chấp hành việc xử lý, xử phạt của tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 3. Anh T. cho rằng mình đi từ phố Khương Thượng, ngược chiều ra ngã tư Tây Sơn - Thái Thịnh là không sai và nhất quyết không ký vào biên bản vi phạm.

Anh T. không chấp nhận ký vào biên bản vi phạm và cho rằng mình đi đúng luật (Video: Trần Thanh).

"Tôi đi ra từ phố Khương Thượng có thấy biển báo nào cấm đi ngược chiều đâu. Nếu đây là đường cấm đi ngược chiều thì phải có biển báo cấm, cắm ở đầu phố chứ. Tôi sẽ không ký vào biên bản vi phạm", anh T. nói với tổ công tác.

Hà Nội: Bị phạt vì đi ngược chiều, tài xế đòi khiếu nại CSGT - 3

Lực lượng CSGT đã dành 30 phút để giải thích, chỉ hướng đi đúng luật cho tài xế T. nhưng anh T. nhất quyết không ký biên bản và dùng điện thoại để quay lại quá trình làm việc (Ảnh: Trần Thanh).

Trước phản ứng của anh T., Thượng úy Nguyễn Đức Huy, đại diện tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 3 sau đó đã giải thích cho anh T. được biết, đường Tây Sơn là đường 2 chiều có dải phân cách cứng, và tại ngã tư Tây Sơn - Thái Thịnh đã cắm biển cấm đi ngược chiều. Đây là biển báo có hiệu lực toàn bộ đường Tây Sơn.

Hà Nội: Bị phạt vì đi ngược chiều, tài xế đòi khiếu nại CSGT - 4

Loạt xe máy đi ngược chiều đường Tây Sơn (Ảnh: Trần Thanh).

"Việc anh T. đi từ phố Khương Thượng rồi rẽ trái lên ngã tư Tây Sơn - Thái Thịnh là đi ngược chiều đường, và đây là hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ. Không có chuyện biển báo cấm đi ngược chiều phải cắm ngay đầu phố Khương Thượng, mà biển báo này được cắm tại đường Tây Sơn và người dân phải chấp hành nghiêm quy định", Thượng úy Huy lý giải.

Sau khoảng 30 phút tranh luận với tổ công tác, anh T.A.T. sau đó vẫn cho rằng hành vi của mình là không sai. Anh này không chịu ký vào biên bản vi phạm và nói rằng sẽ khiếu nại tổ công tác.

Hà Nội: Bị phạt vì đi ngược chiều, tài xế đòi khiếu nại CSGT - 5

Nhiều trường hợp quay đầu bỏ chạy khi thấy tổ công tác (Ảnh: Trần Thanh).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Thượng úy Nguyễn Đức Huy, đại diện tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 3 cho biết, đối với các trường hợp vi phạm đi ngược chiều đường, sẽ bị xử phạt 1,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 1 đến 2 tháng.

"Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền đối với người dân nâng cao ý thức trong việc chấp hành các quy định luật giao thông đường bộ. Tại đoạn đường Tây Sơn, chúng tôi sẽ cử cán bộ cắm chốt để nhắc nhở người dân không đi vào đường ngược chiều.

Đối với các trường hợp cố tình không chấp hành, đơn vị sẽ lập biên bản vi phạm, đồng thời tuyên truyền để người dân thay đổi ý thức khi tham gia giao thông", Thượng úy Nguyễn Đức Huy nói thêm.

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐCP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định về xử phạt xe máy đi ngược chiều như sau:

Phạt từ 100.000 - 200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện: Chuyển hướng không nhường đường cho: Các xe đi ngược chiều; người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ;

Phạt từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện: Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều); điều khiển xe đi qua dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà;

Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng đối với người điều khiển xe thực hiện: Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "Cấm đi ngược chiều", trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 6 Điều này và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.

Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng đối với người điều khiển xe thực hiện: Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "Cấm đi ngược chiều" gây tai nạn giao thông.