1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội bắc cầu phao 60 tấn vượt lụt

Đêm 6/11, Quốc lộ 32 tại đập Phùng (huyện Đan Phượng) vẫn ngập sâu dưới 1,5m, giao thông tuyến Nhổn - Sơn Tây tê liệt. Trong đêm, Bộ Tư lệnh Công Binh đã phải bắc cầu phao dài 150m, nặng 60 tấn để vượt lụt.

Đã bước sang ngày thứ 7 của trận "đại hồng thủy", Hà Nội đã hửng nắng, nước nhiều nơi đã rút hẳn. Tuy nhiên, tuyến Quốc lộ 32 huyết mạch giữa TP. Sơn Tây đi Nhổn tiếp tục bị chia cắt, tại Km24+800 (thuộc huyện Đan Phượng), hơn 150m đường vẫn chìm dưới độ sâu trung bình 1,2m.

Từ trưa 6/11, Lữ đoàn Công binh vượt sông 249, (thuộc Bộ Tư lệnh Công Binh) đã huy động 4 chiếc thuyền lớn để chở người qua đoạn đường này.

Trung úy Nguyễn văn Dũng kể, suốt buổi chiều đến đêm 6/11, khi anh cùng các đồng đội kéo thuyền đưa dân vượt lụt, nước vẫn ngập đến cổ, khoảng 1,4m và cả buổi chiều dường như không hề có dấu hiệu rút.

"13h đến 19h30 cùng ngày, 4 chiếc thuyền của chúng tôi chở được 140 chuyến, mỗi chuyến khoảng 12 lượt xe máy, tổng cộng có 1.126 lượt người và xe máy vượt qua được, nhưng không xuể. Hàng ngàn người dân khác đã phải qua đây bằng thuyền dịch vụ tự phát với giá 70ngàn/người và xe vào buổi chiều và giá này vào ban đêm là 150 ngàn", Trung úy Dũng nói.

Thượng tá Nguyễn Hữu Hùng, Chỉ huy lực lượng trực tiếp bắc cầu cho hay, trên lí thuyết, để bắc một chiếc cầu như vậy phải mất 6 tiếng, độ sâu của nước cũng phải từ 2m trở lên. Song, trong tình trạng cấp bách, cầu phao đã hoàn thành vượt thời gian 2 tiếng. "Hạ thủy lúc 22h10, đến 2h sáng ngày 7/11 thì thông cầu và đón chuyến xe vượt lụt đầu tiên qua cầu vào 4h30", Thượng tá Hùng cho biết.

Từ 4h30 đến 11h30 ngày 7/11, cầu phao đã giúp hơn 400 lượt ô tô và hàng ngàn lượt xe máy, người đi bộ vượt qua đoạn đường này.

Đây là lần đầu tiên người Hà Nội được qua cầu phao chuyên dụng kể từ sau lần "vượt" sông Hồng bằng cầu phao Khuyến Lương năm 2003.

Theo VietNamNet