1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Khẩu một ngày lang thang

(Dân trí) - Đã đến Lào Cai, nhoáng cái là qua cửa khẩu, nhoáng cái nữa đã râm ran những câu chuyện song ngữ Việt - Hoa trên đường phố nườm nượp xe cộ. Thành phố Lào Cai chỉ cách thị trấn Hà Khẩu (Trung Quốc) đúng một cây cầu bắc qua con sông Nậm Thi. Mỗi ngày nơi đây đón hàng nghìn khách Việt ghé thăm.

Nô nức xem bói “ngoại”

 

Trên con phố nhỏ ngay sát nách công viên trung tâm là khu vực phố cổ. Giữa hằng hà sa số những cửa hàng tạp phẩm, đan xen vài ba xạp xem bói, đặt ngay vỉa hè. Hàng nào cũng lố nhố vài vị khách, chưng biển song ngữ Trung - Việt (tiếng Việt viết rất xấu và đầy lỗi chính tả).

 

Tấp vào một hàng bói, thầy là một người đàn ông chừng hơn 40 tuổi, vận chiếc áo lót màu trắng ngà cùng chiếc dép tổ ong, đang tiếp rất nhiều khách Việt. Chúng tôi phải ngồi đợi dưới lòng đường gần nửa tiếng vì mấy vị khách Việt thăm hỏi “tiền vận, hậu vận” khá lâu. Bên cạnh thầy là một phụ nữ người Việt luôn miệng phiên dịch.

 

Chị Lương Thúy Hằng, 31 tuổi, nhân viên một công ty tư nhân tại Lào Cai cho biết chị và ông xã cứ 2 tuần lại ghé thăm thầy một lần. Lần đầu, thấy thầy tận tình và nói “trúng” nên chị chỉ dẫn cho người nhà cùng đến xem. Thầy có rất nhiều khách hàng thường xuyên laf người Việt.

 

Sau một hồi đợi chờ rồi cũng đến lượt. Qua người phiên dịch, thầy bảo chúng tôi rút thẻ là một tờ bìa kẹp đôi, khá nhàu nhĩ, viết bằng tiếng Trung Quốc; rồi thầy hỏi tên tuổi, nói vài điều cơ bản về vận mạng, sau đó mới đến màn xem chỉ tay. Rẩt cẩn thận lần ngón tay theo đường chỉ tay của từng người, thầy tiếp tục nói cho về tiền vận, hậu vận, tháng hạn, năm xui và khuyên nhủ rất nhiều điều về cuộc sống của người xem. Kết thúc là màn… xem răng. Theo người phiên dịch, đây là màn “độc chiêu” mà Việt Nam không có, nó giúp thầy nắm được tình hình sức khỏe, trạng thái tâm lý và tương lai gần của thân chủ. Chi phí cho một lần xem khá rẻ: 10 tệ - tương đương hơn 20.000 đồng tiền Việt.

 

Trần Việt Dũng, một du khách đến từ Hà Nội, cho biết anh và gia đình đi du lịch Hà Khẩu, tiện ghé qua thăm thú và xem bói, đơn giản là để giải trí. Nhiều người khác chúng tôi gặp cũng coi việc xem bói ngoại này như một trò tiêu khiển.

 

Nhất dạ đế vương

 

Lang thang ở Hà Khẩu một ngày là đủ hiểu tại sao nơi đây lại được coi là chốn ăn chơi nhất dạ đế vương. Dọc con đường men theo khu thương mại sầm suất chạy bên lề con sông biên giới, hàng đêm hàng chục phụ nữ trung niên đứng ngồi nhấp nhổm, thậm chí len ra giữa lòng đường đón khách.

 

Khu “chợ người” chiếm tới hơn 2/3 khu chợ 3 tầng bề thế bên rìa biên giới. Trước mỗi gian hàng, 4-5 cô gái tóc đen nhánh, xoăn tít, miệng la bai bải mời kéo khách. Lăn xả, bao vây, chia cắt và bám dai như đỉa là chiến lược kiếm khách khá hiệu quả của các cô. Khách đến đây đừng dại mà bày đặt lựa chọn, chê bai. Cứ một vài phút, khu chợ lại náo loạn bởi những màn truy đuổi quyết liệt giữa khách làng chơi và gái mại dâm.

 

Khu “chợ người” sầm uất, huyên náo từ sáng tới đêm. Khách làng chơi có đủ các thành phần già, trẻ, lớn, bé, rất đông người Việt. Gái bán dâm cũng hầu hết đến từ Việt Nam. Bắt được tâm lý khách Việt thích “hàng” ngoại, nhiều gái Việt xì xồ giả người Trung Quốc để câu khách. Mỗi khu chợ đều có đội “lơ” dẫn khách kiêm bảo kê, khách vào đây “cư xử” không tử tế sẽ bị “xử” ngay.

 

Buổi tối, chúng tôi trở về khách sạn Dương Quang xem tivi. Cả 40 kênh hoạt động suốt đêm nhưng chỉ toàn tiếng Trung Quốc. Ban đêm, chúng tôi luôn bị quấy rầy bởi các “tú bà” mời chào bằng tiếng Bắc Kinh.

 

“Chặt chém” khách lạ

 

Chợ ở Hà Khẩu nhìn chung khá quy mô, giống chợ Đồng Xuân (Hà Nội) hay chợ Đông Ba (Huế). Mặt bằng chợ rất lớn với vô số quầy hàng bố trí chi chít, bao quanh những lối đi nhỏ xíu luôn quá tải dòng người mua bán. Tuy nhiên, giữa sự ồn ào náo nhiệt vẫn cảm nhận được tính trật tự do ý thức tự giác của người dân. Không thấy cảnh cãi lộn, tranh giành khách hoặc lừa đảo, trộm cắp.

 

Hàng may mặc và đồ tiêu dùng là một thế mạnh ở chợ. Hàng khá phong phú về mẫu mã, chủ yếu là nhái hàng hiệu, giá cả “mềm”, thường được bán sỉ cả lố. Hầu hết người bán hàng đều không biết tiếng Anh, mọi cuộc giao dịch mua bán đều diễn ra khá chật vật, mỏi tay.

 

Tuy nhiên, với những khách du lịch lạ, chuyện bị “bắt nạt” vẫn thường xảy ra. Trong ngày dạo chơi đầu tiên trên đất Hà Khẩu, chúng tôi đã phải trả giá đắt cho sự lõm bõm tiếng Trung của mình. Trong khi chúng tôi tấm tắc khen rẻ vì đánh giày chỉ mất 4 tệ thì anh bạn người Trung đi cùng lại cho biết, giá đúng chỉ có 1 tệ thôi.

 

Xe điện cũng “chặt chém” khách lơ ngơ. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn “đi lòng vòng”, lập tức gã tài xế luôn miệng nhắc lại bằng cái giọng lơ lớ “a, đi lòng vòng, đi lòng vòng, hiểu”. Sau chừng mươi phút loanh quanh hết thị trấn Hà Khẩu, nhóm chúng tôi phải rút ví mỗi người 50 tệ trả tiền xe dù giá trị một cuốc xe này thực tế chỉ 1-2 tệ mà thôi.

 

Phúc Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm