Hà Tĩnh:
Hà bá “nuốt” làng sau lũ
(Dân trí) - Sức càn quét của cơn lũ lịch sử vừa qua đã làm sạt lở hàng chục km dọc hai bên bờ sông Ngàn Sâu đoạn chảy qua địa phận huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Sông Ngàn Sâu “cơi nới dòng chảy”, hàng trăm hộ dân điêu đứng.
Nhóm PV Dân trí vừa có chuyến thị sát tình trạng "hà bá nuốt làng" tại các xã thượng nguồn sông Ngàn Sâu thuộc huyện Hương Khê. Tại đây, những cánh đồng, làng mạc, nhà cửa tan hoang do cơn lũ lịch sử càn quét vẫn còn đó. Dọc hai bên sông Ngàn Sâu, nhiều đoạn “hà bá” nuốt chửng vào sát nhà khiến hàng chục hộ dân mất sạch đất.
Chị Nguyễn Thị Hương, xóm 6, xã Hương Trạch nhìn mảnh vườn nhà mình bị “hà bá” nuốt chửng vào sát hiên nhà, buồn bã nói: “Chưa năm mô tui thấy lũ quét kinh hoàng như năm ni. Chú coi đó nhà cửa, vườn tược còn chi nữa mô”.
Sông Ngàn Sâu đã không còn đôi bờ yên bình sau hai trận lũ lịch sử vừa qua
Cách đó chừng vài chục mét là nhà ông Nguyễn Văn Lương. Nhà cửa tan hoang, vườn cam đang độ tuổi thu hoạch bị lũ tàn phá. “Vườn tôi lúc đầu sát ngoài kia kìa. Nhưng giờ nước lũ làm xói mòn còn chừng ni nữa. Cơn lũ vừa qua đã làm sạt lở hơn 20 mét. Còn vườn cam coi như mất trắng theo lũ” - ông Lương ngao ngán.
Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng dọc hai bên bờ sông Ngàn Sâu, ông Cao Viết Hòa, Chủ tịch UBND xã Hương Trạch bày tỏ mối lo ngại: “Toàn xã có hơn 8 km bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều đoạn “hà bá” nuốt chửng gần 50 mét. Lũ cuốn trôi vườn khiến hàng chục hộ dân không có đất ở. Chúng tôi cũng đã gửi báo cáo về thiệt hại lên UBND huyện và đề xuất xin cấp đất ở cho các hộ nằm hai bên sông Ngàn Sâu bị thiệt hại nặng nề trong cơn lũ vừa qua”.
Rời xã Hương Trạch, chúng tôi chạy theo đường mòn Hồ Chí Minh rẽ vào các con đường liên xã, men theo hai bên bờ sông Ngàn Sâu. Tại các xã như Hương Giang, Hương Thủy, Hà Linh chúng tôi không khỏi rùng mình trước cảnh tượng sạt lở kinh hoàng.
Ông Nguyễn Văn Phú - Chủ tịch UBND xã Hương Thủy - cho hay: “Sông Ngàn Sâu chảy qua địa phận xã Hương Thủy. Trước tình hình sạt lở đáng báo động như hiện nay, UBND xã cũng đã tiến hành kiểm tra khảo sát những hộ dân bị sạt lở nghiêm trọng. Những hộ có nguy cơ sạt lở vào sát nhà chúng tôi sẽ trình đơn lên UBND huyện xin cấp đất ở”.
Chùm ảnh sông Ngàn Sâu “cơi nới dòng chảy” mà Dân trí ghi lại được:
Hương Trạch - một trong những địa phương bị "hà bá" sông Ngàn Sâu tấn công dữ dội
Sông khoét sâu vào bờ khiến quanh trụ cầu treo Hương Thủy bị sạt lở, đe doẹ đến việc đi lại của người dân
Người dân Hương Khê dự báo, nếu không có biện pháp ngăn chặn thì chỉ trong một thời gian ngắn cây cầu này sẽ biến mất khỏi địa bàn
Hai bờ sông Ngàn Sâu thuộc địa phận xã Hương Thuỷ sạt lở với tốc độ một cách chóng mặt. Nhiều cánh đồng chỉ sau một đêm đã bị sông "ăn" sâu vào cả chục mét
Cầu Hà Linh, cây cầu hết sức quan trọng nối các huyện Can Lộc, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh với huyện Hương Khê đang ở trong tình trạng bị đe doạ nghiêm trọng. Đất lở nhanh lộ rõ cả trụ cầu.
Hàng loạt làng mạc nằm hai bên bờ ngàn sâu đang dần trôi xuống sông...
kéo theo những cánh đồng trồng màu...
những khóm tre vốn là bờ kè tự nhiên vững chãi
và không ít vườn cây ăn quả cũng bị cuốn trôi đe doạ đến nguồn thu nhập của người dân
Sống trong nỗi lo tai hoạ lở đất có thể xẩy ra bất cứ lúc nào nên hộ dân này ở xã Phúc Trạch đang tính chuyện dời nhà đến một vùng đất khác.
Học sinh hai bên bờ sông Ngàn Sâu vốn đã bị chia cắt do thiếu cầu, phà đi lại nên thực trạng đất lở càng khiến đường đến trường của các em thêm gian nan.
Đặng Tài - Văn Dũng - Bá Hải