1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Ngãi:

Gượng dậy vươn ra Hoàng Sa

(Dân trí) - Bao đời nay, ngư dân Quảng Ngãi vẫn kiên cường bám biển Hoàng Sa, dù luôn chịu nhiều phong ba bão táp, tai nạn; bị phía Trung Quốc cướp tài sản, đòi tiền chuộc, phá ngư lưới cụ, bắn cháy tàu… Càng gian nguy, ngư dân càng có thêm động lực để vươn khơi.

Theo báo cáo của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu năm 2012 đến tháng 3/2013, có 25 trường hợp tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị nước ngoài bắt giam, đòi tiền chuộc, tịch thu tài sản, cản trở và bắn phá thân tàu cá của ngư dân. Trong đó phía Trung Quốc có khoảng 20 trường hợp.

 

Điển hình như trường hợp tàu cá QNg 66074-TS của ngư dân Trần Hiền (ngụ xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) hành nghề lặn bị phía Trung Quốc bắt giam và đưa về đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa vào chiều ngày 3/3/2012. Sau đó, phía Trung Quốc yêu cầu người thân của ngư dân Trần Hiền nộp tiền chuộc 70.000 nhân dân tệ mới thả tàu cá và người.
 
Tàu cá mới của ngư dân Lê Vinh đóng mới, chuẩn bị thẳng tiến ra Hoàng Sa

Tàu cá mới của ngư dân Lê Vinh đóng mới, chuẩn bị thẳng tiến ra Hoàng Sa

 

Cũng bị phía Trung Quốc bắt người và tịch thu tài sản, tàu cá QNg 55003-TS của ngư dân Trần Phương (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Châu) hành nghệ lặn ở vùng biển Hoàng Sa. Trong quá trình hoạt động, phía Trung Quốc khống chế lấy hết tài sản trên tàu, đồng thời đưa 14 ngư dân trên tàu về giam giữ ở đảo Phú Lâm thuộc vùng biển Hoàng Sa vào ngày 15/5/2012.

 

Tuy nhiên khó khăn đó không làm các ngư dân nao núng. Ngư dân Trần Hiền khẳng định: “Mặc dù bị phía Trung Quốc đe dọa, cướp tài sản và bắn phá ở vùng biển Hoàng Sa, không vì đó mà ngư dân chúng tôi ngại ra khơi, bởi Hoàng Sa như là nhà của ngư dân Quảng Ngãi thuộc vùng biển của Việt Nam”.

 

Trong năm 2013, phía Trung Quốc có những hành động bắn phá tàu cá Quảng Ngãi ngày càng táo tợn. Vào ngày 20/1/2013, tàu cá QNg 96697-TS của ngư dân Lê Hơn (ngự xã An Hải, Lý Sơn) cùng 14 lao động làm nghề lặn tại khu vực vùng biển Hoàng Sa, bất ngờ xuất hiện tàu từ phía Trung Quốc có số hiệu 306 chạy đến dùng vòi phun nước, dùng đá ném vào tàu ngư dân Lê Hơn.

 

Vào ngày 28/1/2013, tàu Trung Quốc mang số hiệu 787 tấn công tàu cá QNg 55535-TS của ngư dân Trần Tư (ngụ xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn) hành nghề câu. Lần này, tàu Trung Quốc dùng súng bắn vào cabin tàu cá, sau đó kéo dây nẹp câu khoảng 200m rồi bỏ đi.

 

Cùng đồng hành với ngư dân Quảng Ngãi bị thiệt hại ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, Quỹ hỗ trợ ngư dân (HTND) tỉnh Quảng Ngãi đã hỗ trợ kinh phí giúp ngư dân đóng mới tàu, nâng công suất hệ thống máy móc, thiết bị định vị,… Trong năm 2012, Quỹ HTND đã hỗ trợ cho 4 ngư dân (Lê Vinh, Trần Phương, Lê Văn Toàn và Bùi Việt Anh). Tất cả ngư dân được hỗ trợ đã hoạt động đánh bắt thủy sản trở lại ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Quỹ HTND đồng hành với ngư dân bám biển quê hương
Quỹ HTND đồng hành với ngư dân bám biển quê hương

 

Câu chuyện tàu Trung Quốc liên tục quấy rối, bắn phá tàu cá Quảng Ngãi càng “nóng” khi xảy ra vụ cabin tàu cá của ngư dân Bùi Văn Phải bị tàu Trung Quốc bắn cháy. Mặc dù chịu nhiều áp lực từ phía Trung Quốc nhưng ngư dân Quảng Ngãi vẫn kiên cường, hiên ngang đứng dậy sau mỗi chuyến biển thất bại, tiếp tục tiến ra biển Đông, nơi ngư trường Hoàng Sa mà cha ông đã cắm “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

 

Ngư dân Bùi Văn Phải tuyên bố: “Dù có chết ở Hoàng Sa tôi cũng quyết tiến ra Hoàng Sa, vừa đánh bắt thủy sản, tôi vừa thể hiện trách nhiệm của một công dân Việt Nam ra sức bảo vệ chủ quyền biển đảo của quê hương. Truyền thống cha ông đã đánh đuổi giặc ngoại xâm là đế quốc lớn, không lẽ thế hệ hôm nay lại sợ giặc ngoại xâm sao!”.

 

Hồng Long