1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

GS.TS Nguyễn Lân Dũng nói về chuyện tin dùng kẻ sĩ

(Dân trí) - Không có quyền lực thì không thể thực thi được những ý tưởng khoa học của mình. Nhưng khi có quyền lực thì bận mải đến mức không còn đủ thời gian để nghiên cứu khoa học. Cái vòng luẩn quẩn ấy đã hủy hoại không ít sự nghiệp, biến không ít nhà khoa học tên tuổi thành những chính khách hạng xoàng.

Và hậu quả là cho đến giờ, chúng ta vẫn chưa có được những thành tựu khoa học lớn…

 

Phóng viên Dân trí có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội - GS.TS Nguyễn Lân Dũng về mối quan hệ giữa chính trị và khoa học, một vấn đề khá tế nhị hiện nay.

 

Tôi có nhiều điều kiện hơn

 

Thưa Giáo sư, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế - GS.VS Phạm Song nhiều lần khẳng định nếu khi đó, ông không là Bộ trưởng Y tế thì công trình chiết xuất cây thanh hao hoa vàng dùng để sản xuất thuốc chữa bệnh sốt rét (Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học) của ông và các cộng sự sẽ không thành hiện thực. Thế nhưng, cũng chính vì làm Bộ trưởng, nên ông bận họp hành liên miên mà không còn thời gian để nghiên cứu khoa học. Với ông, chuyện này thế nào?

 

Thực tình thì đại biểu Quốc hội (ĐBQH) không phải là một "chức tước" để có quyền lực này nọ nên sự so sánh, ví von giữa một ĐBQH là tôi với một chính khách như GS Bộ trưởng Phạm Song có cái gì đó quá khập khiễng. Hơn nữa, Bộ trưởng thì không thể còn có thời gian ở phòng thí nghiệm, còn làm ĐBQH kiêm nhiệm như tôi thì không hẳn như vậy.

 

Tất nhiên tôi thấy khi tham gia Quốc hội có thêm nhiều lợi thế hơn các đồng nghiệp khác như gặp gỡ các quan chức, các vị lãnh đạo cao cấp dễ hơn, những ý kiến nêu ra cũng có trọng lượng hơn. Tất nhiên là những ý kiến đó phải phụ thuộc rất nhiều vào tính đúng đắn, khách quan của sự việc.

 

Nghĩa là theo ông, ĐBQH không phải là quyền lực?

 

Ở nước ta, như Bác Hồ đã nói: Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân, ĐBQH cũng như mọi cán bộ khác đều là công bộc của dân. ĐBQH chỉ có quyền kiến nghị chứ không được quyền giải quyết bất kỳ chuyện gì. Tuy nhiên, ở nhiều nước phát triển, quyền lực của đại biểu là rất lớn. Họ có đầy đủ phương tiện và quyền lực để giải quyết rốt ráo một vụ việc nào đó mà dân chúng phản ánh hay họ tự phát hiện thấy.

 

Điều chưa từng xảy ra trong tiền lệ

 

Khi xin kinh phí xây dựng Viện nghiên cứu Vi sinh vật học, ông chỉ xin 2 triệu USD nhưng cuối cùng dự kiến được cấp 3 triệu USD (tương đương gần 50 tỉ VND). Đây là "sự lạ" mà ở ta có lẽ chưa từng có tiền lệ. Phải chăng nếu không phải ĐBQH, ông không thể có sự ngoại lệ này?

 

Không hẳn như vậy. Tôi xin kể lại đầu đuôi câu chuyện như sau. Trong một cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Phan Văn Khải với giới trí thức, tôi mạnh dạn xin phát biểu: Hồi năm 1945, các trí thức chỉ khoảng 30-35 tuổi nhưng đã dám nhận với Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều nhiệm vụ nặng nề và được Bác Hồ tin tưởng giao phó. Đội ngũ trí thức ấy đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Bác giao.

 

Tôi năm nay đã gần 70 tuổi, tôi xin phép nhận trước Thủ tướng, trước Chính phủ một việc không lớn lắm là góp phần xây dựng một viện nghiên cứu về Vi sinh vật học. Vì theo nhận thức của tôi, Công nghệ sinh học hiện đại đang phát triển rất nhanh chóng, trong khi đó hầu hết đều liên quan với công nghệ chuyển gen mà nguồn gen lớn nhất đều là từ vi sinh vật.

 

GS.TS Nguyễn Lân Dũng nói về chuyện tin dùng kẻ sĩ - 1
Tôi không xin đất, không xin người, chỉ xin 2 triệu USD để mua trang thiết bị tối thiểu. (Ảnh: Việt Hưng)

 

Tôi không xin đất, không xin người, chỉ xin 2 triệu USD để mua trang thiết bị tối thiểu. Trong khi các Viện vi sinh vật học ở nước ngoài đều xây dựng với kinh phí hàng trăm triệu USD. Thủ tướng bảo: "Tôi ngắt lời anh kẻo lát nữa tôi quên. Tôi đồng ý".

 

Sau này, người kế nhiệm ông là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bảo với tôi là ông đã muốn đến thăm phòng thí nghiệm của tôi nhưng vẫn chưa xếp được thời gian.

 

Nhưng mãi gần đây ông mới nhận được dự án này...?

 

Thì các quy định của ta nó khó khăn lắm. Phải lấy đủ ý kiến của đủ 7 bộ, ngành có liên quan. Rất may là sau đó, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, rồi sau đó Bộ trưởng Khoa học công nghệ Hoàng Văn Phong, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã có dịp đến thăm các phòng thí nghiệm của chúng tôi.

 

Đặc biệt, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh sau khi trao đổi với Bộ trưởng Hoàng Văn Phong và cho biết 2 triệu USD quá ít, sẽ cho 3 triệu USD.

 

Chúng tôi phải hoàn thành gấp dự án để kịp cân đối vào ngân sách Nhà nước. Một việc có lẽ chưa từng xảy ra trong tiền lệ. Điều này chứng tỏ sự quan tâm rất lớn đối với công tác khoa học của Đảng và Nhà nước.

 

Có rất nhiều đề tài nghiên cứu hoặc luận án rất vớ vẩn

 

Trong một bài báo gần đây, tuy ông không nói thẳng ra nhưng thấy toát lên tinh thần là hiện nay các nhà khoa học đầu ngành chưa được tin dùng, đặc biệt là với các trí thức đã cao tuổi.

 

Đúng là như vậy. Những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng hàng chục trí thức có tên tuổi như Trần Đăng Khoa, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Xiển, Đặng Văn Ngữ... trong đó có nhiều người là trí thức ngoài Đảng. Bác đã dùng ai là tin người đó đến nơi đến chốn và tôi thấy rằng cách dùng người của ta hiện nay tin không ra tin, dùng không ra dùng. Tin chung chung và dùng chung chung.

 

Nhưng ngược lại, nếu có ý kiến cho rằng trí thức ngày nay không đáng tin như trí thức ngày xưa thì ông sẽ lý giải thế nào?

 

Điều đó không đúng vì nếu như vậy thì thành tựu về giáo dục, đào tạo con người hơn 60 năm qua chẳng lẽ lại không đáng kể hay sao? Sự nghiệp Đổi mới trong những năm qua không liên quan đến đóng góp tích cực của đội ngũ cán bộ khoa học hay sao? Tôi nghĩ thời nào cũng vậy, các trí thức khi được tin cậy, họ sẽ nói hết suy nghĩ của mình và cũng sẽ tận tuỵ hết sức, hết lòng. Còn nếu không tin, họ sẽ giữ thái độ im lặng.

 

GS.TS Nguyễn Lân Dũng nói về chuyện tin dùng kẻ sĩ - 2

Thời nào cũng vậy, các trí thức khi được tin cậy, họ sẽ nói hết suy nghĩ của mình và cũng sẽ tận tuỵ hết sức, hết lòng. (Ảnh: Việt Hưng)

 

Theo ông, nên xử sự như thế nào trong mối quan hệ này?

 

Tôi nghĩ là các vị lãnh đạo Đảng và Chính phủ cần noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, biết nhận ra những người thực sự có tâm, có tài, và lắng nghe ý kiến của họ, dù ý kiến đó có không đúng với công việc đang triển khai. Các trí thức này đâu có đòi hỏi gì về quyền lợi vật chất ngoài việc được nói lên những sự bất cập trong chính sách, trong điều hành và đề ra các kiến nghị khả thi. Hiện nay có không ít những đề tài, luận văn tiến sĩ, những đề tài nghiên cứu khoa học mà hàm lượng khoa học quá thấp, không có gì mới về khoa học. Hậu quả là tốn phí tiền bạc và tạo ra những tấm bằng giả về giá trị, những biên bản nghiệm thu nghiên cứu chỉ có thể đút vào tủ lưu trữ.

 

Vẫn còn nhiều nhiệt huyết

 

Nếu có nhận xét rằng nhà khoa học Nguyễn Lân Dũng từ khi trở thành chính khách thì công trình khoa học cũng ít đi?

 

Thực tế, tôi đã về hưu nhưng anh em vẫn mời ở lại làm việc và hiện tôi đang đứng sau lưng rất nhiều nhà khoa học trẻ để làm hậu thuẫn cho họ làm việc. Tôi rất vui vì các bạn trẻ vẫn cần sự giúp đỡ của tôi và họ đang làm việc rất có hiệu quả.

 

Đành rằng công việc tiếp xúc cử tri, hội họp hay tiếp cử tri cũng tốn của tôi không ít thời gian nhưng với các mối quan hệ quốc tế và quan hệ với các địa phương trong nước các bạn trẻ vẫn đang rất cần sự hỗ trợ của tôi.

 

Ông tham gia Quốc hội 3 nhiệm kỳ liền, nghĩa là ông sẽ tham gia chính trường 14 năm, bằng gần gấp đôi 2 nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ. Ông có thấy như vậy là quá dài để dẫn tới sự nhàm chán...?

 

Đúng là 14 năm thì không thể gọi là ngắn. Thế nhưng tôi vẫn chưa hề thấy mệt mỏi hay nhàm chán mà chứng cứ là cho đến giờ, tôi vẫn chưa nghỉ một buổi tiếp xúc cử tri nào hay từ chối một yêu cầu nào nếu yêu cầu đó cử tri chỉ gửi cho cá nhân tôi. Tôi cố gắng thu xếp thời gian để vừa hoạt động xã hội vừa học tập cái mới để khỏi lạc hậu trong khoa học. Nếu lạc hậu thì còn có ích gì nữa đối với các đồng nghiệp trẻ?

 

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân có lần nói thay cho "nghị gật" nhiều đại biểu đang có xu hướng trở thành "nghị la". Ông cũng là người được xếp vào một trong bốn người hay phát biểu nhất của Quốc hội khóa XI. Ông có nghĩ mình đã trở thành "nghị la"?

 

Tôi nghĩ mình chất vấn và phát biểu đâu có nhiều, lại thường nói rất ngắn, nhưng lựa chọn được các vấn đề mà quần chúng thấy thật sự bức xúc. Rất tiếc là nhiều cơ quan không tiếp thu nghiêm túc.

 

Quốc hội không dân chủ thì ở đâu có được?

 

Kỳ chất vấn vừa rồi, có cử tri đánh giá là "cuộc họp của những công chức ôn hòa". Ông có đồng ý với nhận xét này?

 

Tôi nghĩ đó là nhận xét chưa thỏa đáng. Đây là kỳ chất vấn đầu tiên của Quốc hội XII, số đại biểu mới rất đông. Họ tỏ ra rất hăng hái và đăng ký chất vấn rất nhiều. Có điều nội dung chất vấn đôi lúc còn vụn vặt và quá nhiều ý kiến mang tính địa phương. Về hoạt động Quốc hội tôi nghĩ cần dân chủ hơn vì Quốc hội còn không có dân chủ thì ở đâu có dân chủ nữa?

 

Ông có thể cho những ví dụ cụ thể về sự chưa dân chủ trong hoạt động Quốc hội?

 

Không ít đâu. Ví như việc bầu các chức danh chẳng hạn. Khi không có số dư thì không có sự lựa chọn nào khác mà không có sự lựa chọn khác thì sao gọi là dân chủ được? Tôi biết rằng khi có người được đề cử xin rút khỏi danh sách đề cử thì nhẽ ra phải được Quốc hội thảo luận có đồng ý cho rút hay không? Rồi việc dự thảo các văn bản luật lại giao cho các Bộ, Ngành chủ trì thì làm sao tránh khỏi sự chủ quan và phiến diện?

 

Cũng cần nói thêm là cho đến giờ, chưa có một luật nào được soạn thảo từ ý kiến của Đại biểu Quốc hội, chưa có đại biểu nào phát hiện được một vụ tiêu cực cụ thể nào và cũng chưa lần nào Quốc hội thực hiện được việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với những chức danh do Quốc hội phê chuẩn. Điều này rõ ràng là luật chưa đi vào cuộc sống và cũng không thể nói những hiện tượng nêu trên đã là thực sự dân chủ.

 

Xin cám ơn Giáo sư!

 

Bùi Hoàng Tám
(Thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm