Gói hỗ trợ 30.000 tỷ được dân nghèo đánh giá cao
(Dân trí) - Gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đến nay đã cho được gần 4.000 khách hàng vay tiền mua nhà, 21 dự án được cam kết rót vốn gần 3.400 tỷ đồng. Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, chính sách được người dân nghèo ủng hộ và đánh giá cao.
Báo cáo tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn vừa được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng gửi tới Quốc hội trong kỳ họp thứ 7, phần đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo tinh thần Nghị quyết số 02 của Chính phủ đưa ra nhiều thông tin đáng chú ý.
Về kết quả giải ngân, báo cáo cập nhật thông tin đến hết ngày 15/4/2014, với tổng số tiền 5 ngân hàng đã cam kết cho vay là 3.365,9 tỷ đồng, tổng dư nợ là 1.699,4 tỷ đồng. Trong đó, đối với tổ chức, các ngân hàng đã cam kết cho vay 21 dự án với số tiền là 1.862 tỷ đồng. Có 17 dự án trong đố này đã được giải ngân, dư nợ 723,8 tỷ đồng.
Còn với hộ gia đình, cá nhân vay mua nhà, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 3.962 khách hàng với số tiền là 1.504 tỷ đồng. Đến thời điểm này, số tiền đã giải ngân cho 3.941 khách hàng với dư nợ 975,7 tỷ đồng.
Tiến độ giải ngân gói tín dụng này khiến dư luận rất sốt ruột dù Bộ trưởng Xây dựng đã nhiều lần giải thích, muốn giải ngân nhanh hơn, cần có nhiều sản phẩm nhà ở xã hội hơn nữa tung ra thị trường, không thể vì tiến độ mà cố làm nhanh, làm “thoáng” dẫn đến sử dụng sai mục đích, chi không đúng đối tượng…
Tuy nhiên, để chính sách mang lại hiệu quả rõ rệt hơn, nhiều giải pháp tích cực, mạnh mẽ hơn cũng được đốc thúc đưa ra như mở rộng diện đối tượng được vay tiền từ gói 30.000 tỷ, ban hành quy chế cho phép thế chấp tài sản hình thành trong tương lai để người dân có thể vay tiền mua nhà bằng cách thế chấp chính căn hộ đăng ký mua của mình.
Liên quan đến phân khúc nhà cho người thu nhập thấp, Bộ trưởng Xây dựng báo cáo, đến nay đã có 60 chủ đầu tư dự án đăng ký xin chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, với quy mô 38.897 căn hộ.
Trong đó Hà Nội đã có 24 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 15.468 căn, tổng mức đầu tư khoảng hơn 9.300 tỷ đồng. TPHCM có 25 dự án khoảng 15.115 căn với tổng mức đầu tư khoảng 9.080 tỷ đồng.
Đến nay, đã có 74 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với số lượng căn hộ ban đầu là 33.867 căn hộ xin điều chỉnh thành 44.881 căn hộ (tăng 11.014 căn hộ).
Giá nhà “chạm đáy”, bật tăng
Về diễn biến trên thị trường bất động sản nói chung và thị trường nhà ở nói riêng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định với Quốc hội, tình hình đã có chuyển biến tích cực. Một số minh chứng được nêu tại báo cáo là phân khúc căn hộ chung cư có diện tích nhỏ, đã hoàn thiện, vị trí thuận lợi, giá dưới 15 triệu/m2 vẫn có tính thanh khoản cao, giao dịch có chiều hướng tăng.
Mặt khác, giá nhà ở đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá giai đoạn 2008-2010, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006. Trong năm 2013, giá cả hàng hóa bất động sản tiếp tục giảm hầu hết các dự án đã giảm từ 10% - 30% so với cuối năm 2011. Nhưng sang đầu năm 2014, giá nhà có dấu hiệu chững lại không giảm liên tiếp như năm 2013, thậm chí có dự án tăng giá nhẹ.
Cũng theo người đứng đầu Bộ Xây dựng, trên phạm vi toàn quốc, giá trị tồn kho bất động sản có xu thế ngày càng giảm. Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư giảm khá nhiều, đặc biệt là chung cư có diện tích nhỏ.
Tính đến 15/4/2014, tổng giá trị tồn kho bất động sản khoảng 84.320 tỷ đồng, giảm 44.229 tỷ đồng so với quý 1/2013 và giảm 9.930 tỷ đồng so với tháng 1/2014.
Dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, báo cáo của ông Dũng thể hiện, tính đến hết 28/2/2014, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản đạt 266.728 tỷ đồng, tăng 1,8% so với 31/12/2013.
Bộ trưởng Xây dựng đánh giá, tình hình tín dụng bất động sản hiện nay so với thời điểm tháng 12/2012 đã có sự chuyển biến, cho vay trong lĩnh vực bất động sản đang thay đổi theo hướng tích cực.
P.Thảo