1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Gỡ vướng để tăng lương cho “quan tòa”

(Dân trí) - “Thẩm phán tòa tối cao ở các nước “ăn” lương tương đương hàm thứ trưởng, bộ trưởng trong khi ở Việt Nam, mức vụ trưởng, vụ phó cũng chưa đạt” - Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình phân trần khi nêu giải pháp cải thiện thu nhập cho cán bộ tòa án.

Gỡ vướng để tăng lương cho “quan tòa” - 1
Tiêu cực trong xét xử có phần nguyên nhân vì lương của “quan tòa” quá thấp (ảnh minh họa).

Pháp lệnh Thẩm phán sửa đổi được Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Binh trình UB Thường vụ QH đề xuất quy định có 4 ngạch thẩm phán: thẩm phán TAND tối cao, thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp, thẩm phán sơ cấp kèm theo chế độ tiền lương, phụ cấp riêng biệt.

Mô hình phân ngạch thiết kế để “đón đầu” cải cách, tổ chức 4 cấp tòa: tòa tối cao, tòa thượng thẩm, tòa cấp tỉnh và tòa cấp huyện. Theo đó, số lượng thẩm phán tòa tối cao sẽ giảm rất nhiều so với hiện nay vì 3 tòa phúc thẩm cùng các tòa chuyên trách của TAND tối cao với số lượng thẩm phán làm việc ở đó sau sẽ tách thành tòa thượng thẩm.

Tuy nhiên, UB Tư pháp cho rằng, hiện tổ chức tòa án vẫn có 3 cấp nhưng lại quy định thành 4 ngạch thẩm phán cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba đề nghị dự thảo pháp lệnh chỉ nên quy định 3 ngạch thẩm phán: thẩm phán TAND tối cao được bố trí làm việc tại các tòa phúc thẩm, tòa chuyên trách của tòa án tối cao, tòa án quân sự TƯ, Hội đồng thẩm phán tòa tối cao; TAND cấp tỉnh được bố trí thẩm phán trung cấp; TAND cấp huyện được bố trí thẩm phán sơ cấp và một số ít thẩm phán trung cấp.

Theo bà Thu Ba, sửa đổi “vừa phải” như này vừa giải quyết được vấn đề cải cách chế độ tiền lương, phụ cấp của thẩm phán vừa đáp ứng nhu cầu tăng cường năng lực cho tòa cấp huyện cũng như giải quyết việc điều động thẩm phán ở cấp huyện và tỉnh.

Chủ nhiệm UB pháp luật Nguyễn Văn Thuận lại cho rằng hướng sửa pháp lệnh “không giải quyết vấn đề gì”. Ông Thuận đồng ý quan điểm phân ngạch thẩm phán là để xét thay đổi mức lương bất cập hiện nay nhưng lại dẫn đến hiện tượng “nhập nhèm” thẩm quyền.

“Một thời đã có tình trạng người đánh máy, lái xe cũng được cấp bằng kiểm soát viên, chỉ để giải quyết việc cơm áo cho anh em. Hướng sửa pháp lệnh này sẽ lặp lại tình trạng tương tự?” - ông Thuận đề nghị chưa nên sửa đổi pháp lệnh Thẩm phán.

Bà Thu Ba lập tức phân trần việc tìm cơ chế sao để các thẩm phán yên tâm về nhận ghế “quan tòa” ở TAND cấp huyện. Hiện tại, dù công tác cả đời ở tòa án huyện, mức lương tối đa một thẩm phán nhận được cũng chỉ hơn hệ số 4 trong khi nếu có 2 ngạch thẩm phán sơ cấp và trung cấp, phấn đấu ít năm, hệ số lương vị “quan tòa” có thể nâng lên mức trên 5 “phẩy”, có thêm động lực công tác.

Chủ nhiệm UB Dân nguyện Trần Thế Vượng gật đầu xác nhận tình trạng “cám cảnh” của ngành tư pháp: “Nhân sự ngành tòa án tương tự anh trưởng phòng ở cấp huyện, anh giám đốc sở ở tỉnh hay anh bộ trưởng mà là một bộ trưởng “xoàng xoàng”, không có được vị trí như nhiều lĩnh vực “hot”, quan trọng”.

Tuy nhiên, cách “gỡ vướng” theo ông Vượng là đi ngược trình tự. Hiện chưa có tòa thượng thẩm mà đã bàn nhân sự cho những cấp tòa này, ông Vượng ví von với việc chưa có chỗ ngồi đã “dợm bước” đòi ngồi. Chủ nhiệm UB Dân nguyện cho rằng vấn đề tiền lương, phụ cấp không thể giải quyết bằng cách thay đổi hệ thống tổ chức.

Chánh án Trương Hòa Bình một lần nữa “thanh minh” việc phân ngạch thẩm phán là phù hợp vì các cơ quan TƯ cơ bản đã “duyệt” hướng cải cách tư pháp theo phương án tổ chức tòa án 4 cấp. Theo lộ trình, việc này chưa thực hiện được ngay nhưng vẫn nên xây dựng các quy định “đón đầu”.

Ông Bình phân trần, phân ngạch thẩm phán cũng là giải pháp khả thi để giải quyết chế độ đãi ngộ cho các “quan tòa”. Ông Bình dẫn chứng, ở các nước, thẩm phán tòa tối cao “ăn” lương tương đương hàm thứ trưởng, bộ trưởng trong khi ở Việt Nam, mức vụ trưởng, vụ phó cũng chưa đạt. Ngay Chánh án tòa án quân sự tối cao, đồng thời là Phó Chánh án TAND tối cao, phấn đấu tối đa cũng chỉ đến hàm thiếu tướng, mức lương không bằng một thứ trưởng.

Ông Bình đề nghị UB Thường vụ sửa Pháp lệnh vì “tâm tư nguyện vọng của anh em thẩm phán, để nâng cao ngay chất lượng xét xử vì nếu trông chờ việc cải cách tiền lương, lộ trình 5 - 7 năm nữa, ngành tòa án càng tụt hậu”.

P. Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm