1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Gỡ rối” quy hoạch bằng luật

(Dân trí) - Cả nước có tới 743 đô thị, tỷ lệ dân số đô thị tăng nhanh, trong khi quy hoạch phát triển đô thị còn tự phát, chưa đồng bộ, việc quản lý đô thị còn phân tán, chồng chéo… đang đòi hỏi bức thiết việc ra đời Luật quy hoạch đô thị.

Xung quanh vấn đề nay, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính đã có buổi trao đổi với báo giới tại cuộc hội thảo xây dựng Luật Quy hoạch đô thị mới diễn ra tại Hà Nội ngày 10/7.

Ông đánh giá như thế nào về vấn đề hệ thống các đô thị ở Việt Nam hiện nay?

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam cao nhất Đông Nam Á. Trong khi đó, việc phát triển hệ thống đô thị ở Việt Nam lại chưa được thực hiện tương xứng, đồng bộ.

Quy hoạch chưa đi trước, phát triển đô thị còn mang tính tự phát trong khi dân số các đô thị lại tăng nhanh ở nhiều đô thị lớn gây áp lực lớn cho hệ thống cơ sở hạ tầng, các dịch vụ đô thị cũng như việc quản lý của chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó là tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra ở nhiều nơi, cảnh quan đô thị bị phá vỡ, trật tự đô thị không được giữ vững và môi trường đô thị cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Từ đó dẫn đến hình ảnh các đô thị Việt Nam kém bản sắc, chưa thu hút đầu tư và du lịch

Vậy Luật Quy hoạch đô thị ra đời có giải quyết được những vấn đề trên không, thưa ông?

Đây là một bộ luật quan trọng, chắp nối các lĩnh vực khác nhau trong quản lý quy hoạch đô thị để công dân tham gia hoạch định việc quy hoạch, quản lý.

Luật quy hoạch đô thị được xây dựng trên cơ sở phát triển từ một chương của luật xây dựng. Dự thảo Luật có 7 chương, trong đó tập trung vào các vấn đề quan trọng đó là: lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị và việc thực hiện quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch.

Hơn nữa, nếu luật này được thực thi, người dân trong quá trình đô thị hóa sẽ được nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhưng đối với những người dân đang sinh sống ở Hà Tây và trong một thời gian ngắn nữa sẽ trở thành người Hà Nội thì liệu chất lượng cuộc sống của họ có được cải thiện. Vấn đề giải quyết việc làm cho họ sau khi bị mất đất làm nông nghiệp được đặt ra như thế nào, thưa ông?

Chúng ta đã mở rộng Hà Nội thì phải có một nghiên cứu quy hoạch khoa học, thực tiễn. Quốc hội đã ra nghị quyết và Chính phủ sẽ mời tư vấn nước ngoài tham gia cùng chuyên gia trong nước.

Mở rộng đô thị là để chúng ta lấy đất phục vụ cho việc làm đô thị. Chúng tôi sẽ phải tính toán cho việc thực hiện chức năng của đô thị mới. Tỷ lệ diện tích đất dành cho đô thị bao nhiêu? Bao nhiêu phần trăm cho công viên, bao nhiêu phần trăm dành cho nhà ở?...

Sau đó, sẽ tính tới việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp. Làm thế nào để diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa quả chất lượng cao, trồng hoa...

Như vậy trong quy hoạch vẫn dành một tỷ lệ nhất định cho đất nông nghiệp. Mà chủ yếu sẽ là diện tích đất dành cho phát triển đô thị chất lượng cao.

Nhưng người nông dân cũng vẫn sẽ được tham gia vào quá trình đô thị. Chúng tôi sẽ có nghiên cứu quy hoạch cho làng nghề, đô thị hóa làng xã nông nghiệp. Làm sao để tạo cơ sở tốt nhất cho người dân.

Xin cám ơn ông!

Theo dự thảo luật, 6 hành vi bị cấm trong hoạt động quy hoạch đô thị và phát triển đô thị:

- Lập quy hoạch đô thị hoặc xây dựng công trình làm tổn hại đến môi trường tự nhiên, không đảm bảo phát triển bền vững cho đô thị, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.

- Xây dựng công trình sai với quy hoạch đã được phê duyệt

- Lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi cá nhân

- Đưa và nhận hối lộ tronghoạt động quy hoạch đô thị

- Cản trở và xúi giục cản trở việc lập và thực hiện quy hoạch đô thị

- Các hành vi bị cấm khác theo quy định.

Lan Hương