(Dân trí) - Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đặc biệt quan trọng bởi vai trò là cửa ngõ liên kết các vùng, cũng như sự thông suốt trong hành trình Bắc - Nam.
- Trước khi đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn dài hơn 15km đi qua tỉnh Ninh Bình, hệ thống đường bộ giao thông quốc gia trên địa bàn chỉ có tuyến đường quốc lộ 1A trên hành trình thiên lý Bắc - Nam.
Tuyến đường quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Ninh Bình dài hơn 33km nhỏ hẹp, đi qua nhiều khu vực đông dân cư đông đúc (thành phố Ninh Bình và Tam Điệp) nên tốc độ bị hạn chế. Đặc biệt, quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Tam Điệp được ví như khu vực "nút thắt cổ chai" vì mặt đường hẹp, hai bên nhiều nơi không có vỉa hè, đi qua khu dân cư đông đúc với nhiều nút giao cắt nguy hiểm. Vì thế, khi xảy ra tai nạn hay va chạm giao thông, tuyến đường sẽ bị ách tắc cục bộ dẫn đến giao thông không thể thông suốt, có thời điểm bị tê liệt.
Trong rất nhiều năm, tỉnh Ninh Bình liên tục đề xuất Chính phủ, Bộ GTVT có phương án gỡ khó cho tuyến đường này. Tuy nhiên, không có phương án xử lý triệt để do không thể mở rộng mặt đường vì chi phí giải phóng mặt bằng lớn, cũng như không thể xây dựng tuyến đường tránh khu vực thành phố Tam Điệp vì địa hình phức tạp.
Ngoài ra, trên địa bàn còn có hai tuyến đường bộ là quốc lộ 10 và 12B, liên kết với các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Hòa Bình theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây, cũng không phát huy hết hiệu quả do ngăn sông cách đò, các cây cầu nhỏ hẹp, đường hai chiều chỉ có 2 làn xe… Vì thế, các phương tiện cũng hạn chế lưu thông trên các tuyến đường này. Hai tuyến quốc lộ này đoạn qua tỉnh Ninh Bình bất đắc dĩ cũng trở thành "nút thắt" khiến giao thông bị hạn chế trong nhiều thập kỷ.
Những rào cản trên đã kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Bình nói riêng, các vùng kinh tế lớn của các nước nói chung như: Đồng bằng sông Hồng, Miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ trong nhiều năm. Điều này cũng là sự trăn trở của lãnh đạo tỉnh Ninh Bình nhiều nhiệm kỳ qua.
- Đầu tiên phải kể đến dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn. Dự án được Bộ GTVT giao cho tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công. Tuyến đường được khởi công tháng 12/2019 và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2022. Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn có chiều dài hơn 15km, phần lớn đi qua các huyện, thành phố của tỉnh như thành phố Ninh Bình, huyện Yên Khánh, Yên Mô và Hoa Lư.
Cùng với quốc lộ 1A, cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn là hai tuyến đường chính trên hành trình thiên lý Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Bình. Hai tuyến đường này giúp Ninh Bình mở rộng mạng lưới giao thông, tạo thêm các liên kết để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kết nối để phát triển du lịch khi tỉnh đang phấn đấu trở thành trung tâm du lịch của cả nước.
Dự án thứ hai là tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình. Dự án này nằm trong quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 680 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh. Quy mô dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Ninh Bình giai đoạn 1 đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng.
Các dự án trên giúp hệ thống đường giao thông quốc gia trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được thông suốt, giúp liên kết các vùng kinh tế lớn của cả nước như: Đồng bằng sông Hồng, Miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Bên cạnh đó giúp xóa "nút thắt cổ chai" trên đường thiên lý Bắc - Nam.
- Từ nay đến cuối năm 2024, tỉnh Ninh Bình đang cố gắng hoàn thiện các thủ tục đầu tư để khởi công hai dự án giao thông trọng điểm của quốc gia, gồm: Dự án mở rộng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn (dự kiến tháng 10/2024) và dự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình (dự kiến tháng 12/2024).
- Đối với dự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình, đây là dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng tạo động lực, không gian cho phát triển của tỉnh Ninh Bình và khu vực. Mục tiêu đầu tư dự án nhằm từng bước hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc trong quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuyến đường sẽ kết nối đường bộ cao tốc các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đến thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.
Mặt khác, cùng với tuyến đường Đông - Tây của tỉnh kết nối với vùng Miền núi phía Bắc sẽ tạo động lực phát triển các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Sông Hồng, Miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ; thuận lợi cho giao thông, giảm chi phí logictics làm cơ sở để thu hút các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ; đáp ứng kịp thời khi có sự cố thiên tai, biến đổi khí hậu trong khu vực; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh.
Đối với dự án mở rộng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn Cao Bồ - Mai Sơn), dự án nhằm đạt chuẩn cao tốc nâng cao năng lực khai thác, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Cùng với đó, tuyến đường này sẽ góp phần từng bước hoàn thiện quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng.
- Các tuyến đường cao tốc được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng đã góp phần quan trọng, giao thông được thông suốt. Những năm gần đây, tình trạng ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Ninh Bình đã không còn xảy ra. Các phương tiện giao thông "vào Nam ra Bắc" có sự lựa chọn là đi trên quốc lộ 1A hoặc trên đường cao tốc Bắc - Nam, trên tuyến đường có nhiều nút giao, vì thế đã giảm tải đáng kể cho đường quốc lộ 1A.
Tại tỉnh Ninh Bình, từ tuyến quốc lộ 1A cũng có nhiều nút giao kết nối với đường cao tốc Bắc - Nam, cụ thể như nút giao Khánh Hòa vào thành phố Ninh Bình, nút giao Mai Sơn vào huyện Yên Mô, Hoa Lư và nút giao Đồng Giao vào thành phố Tam Điệp, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa).
Tại các nút giao này, các phương tiện lưu thông ra vào đường cao tốc thuận tiện để thực hiện hành trình thiên lý Bắc - Nam. Đây cũng là các điểm kết nối đi các vùng trong tỉnh và liên tỉnh. Tình trạng "nút thắt cổ chai" nhiều thập kỷ trên tuyến quốc lộ 1A qua Ninh Bình đã được tháo gỡ. Có thể khẳng định rằng, tình trạng này đã được xóa bỏ hoàn toàn sau khi tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Ninh Bình được đưa vào sử dụng từ năm 2022 đến nay.
- Ninh Bình có vị trí cực kỳ quan trọng khi là tỉnh nằm giữa, khu vực liên kết các vùng kinh tế lớn của cả nước. Hệ thống giao thông của tỉnh được quy hoạch, phát triển không chỉ góp phần phát triển kinh tế của tỉnh mà cũng góp phần lớn thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực lân cận. Chính vì vậy, những năm gần đây, các dự án giao thông tỉnh Ninh Bình triển khai xây dựng được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm.
Tỉnh Ninh Bình đang xây dựng tuyến đường Đông - Tây. Đây là dự án giao thông kết nối liên vùng lớn nhất từ trước đến nay triển khai trên địa bàn.
Tuyến đường Đông - Tây có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch; kết nối giữa các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, các khu du lịch, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại khu vực thành phố Tam Điệp, huyện Nho Quan và các vùng lân cận.
Ngoài ra, dự án này cũng tạo không gian, quỹ đất thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đang tập trung chỉ đạo để dự án sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến kiểm tra thi công tuyến đường này và yêu cầu Bộ GTVT, các bộ ngành, địa phương trong khu vực tiếp tục nghiên cứu, kết nối đồng bộ tuyến đường Đông - Tây của Ninh Bình với các trục giao thông quan trọng của quốc gia và khu vực. Nhất là đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc ven biển Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, đường Hồ Chí Minh, tăng cường kết nối liên vùng giữa vùng Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La) với vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ.
Ngoài ra, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối quốc lộ 1A với quốc lộ 10 và kết nối quốc lộ 10 với quốc lộ 12B mà tỉnh đang thực hiện, khi hoàn thành cũng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông trong tỉnh cũng như mở ra cơ hội thu hút đầu tư cho các huyện phía nam tỉnh Ninh Bình.
- Hệ thống đường giao thông giống như mạch máu trong cơ thể con người. Đường giao thông thuận lợi sẽ giúp hàng hóa được lưu thông phát triển kinh tế - xã hội. Đối với tỉnh Ninh Bình, đường giao thông còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển du lịch.
Tỉnh Ninh Bình phấn đấu đến năm 2030 sẽ cơ bản đạt các tiêu chí và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc trung ương, với đặc trưng "Đô thị di sản thiên niên kỷ", thành phố sáng tạo. Tầm nhìn đến năm 2050 là thành phố trực thuộc trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới.
Để đạt được mục tiêu quan trọng nói trên, tỉnh Ninh Bình đang tập chung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện các tiêu chí theo quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong đó, phát triển hoàn thiện đồng bộ hệ thống đường giao thông trên địa bàn cũng là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của tỉnh Ninh Bình. Khi hệ thống giao thông liên kết của tỉnh với cả nước, cũng như giữa các địa phương trong tỉnh được kết nối, thông suốt thì mục tiêu đưa Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc trung ương sẽ sớm thành công.