1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Gờ giảm tốc hay những cái bẫy nguy hiểm?

“Tùy tiện, đa số không phù hợp, một số phản tác dụng đảm bảo an toàn giao thông” - Đó là kết luận của một công trình nghiên cứu về gờ giảm tốc do Viện Khoa học & Công nghệ Giao thông vận tải công bố.

21 “khẩu đại bác” là những từ mà người dân đặt cho cụm gờ giảm tốc trước kéo dài 1 km trên quốc lộ 70, chạy qua cổng Viện quân y 103 (Hà Đông, Hà Tây). Gọi là “khẩu đại bác” vì cụm gờ giảm tốc này nổi lên, to tròn như những nòng súng đại bác.

Rất nhiều chủ phương tiện đi qua đoạn này đều xem đó như cái bẫy nguy hiểm. 7 cụm gờ giảm tốc (mỗi cụm 3 gờ, tổng cộng 21 gờ) này dạng con lươn.

Đây là cụm gờ giảm tốc vào diện “kỷ lục” ở Việt Nam, rộng từ 80 -100 cm, dày gần 10 cm. Nhiều người dân sống cạnh đây cho biết: Tiếng ồn từ các xe phát ra do tác động với gờ giảm tốc rất lớn; đã có một số trường hợp xe tải khi đi qua gờ giảm tốc bị gãy nhíp; đoạn đường này cũng thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Đặc biệt, vào ban đêm, do gờ giảm tốc làm bằng bê tông nhựa màu đen, không được sơn phản quang và khu vực này không có điện chiếu sáng đã khiến cho đoạn đường thêm bội phần nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Tình trạng sử dụng gờ giảm tốc quá “cỡ” (mà người dân thường gọi là “sống trâu”, “sống voi”) diễn ra phổ biến tại nhiều nơi như đoạn đường chuẩn bị lên cầu cạn dẫn tới sân bay Nội Bài; trên quốc lộ 2 đoạn lên dốc chuẩn bị giao cắt với đường Thăng Long- Nội Bài; trên quốc lộ 1A đoạn qua Phủ Lý, Hà Nam (Km 245).

Thời gian qua, có rất nhiều ý kiến cho rằng việc lắp đặt 24 dải sơn gờ giảm tốc đầu đường Pháp Vân - Cầu Giẽ là không hợp lý. Bởi vì, trên đoạn đường chỉ dài 500m nhưng lại có quá nhiều gờ giảm tốc với độ dày khá lớn (5 cm) dễ làm hư hại phương tiện và tác động xấu đến sức khỏe người ngồi trên xe.

Có nơi gờ giảm tốc quá dày như trên, ngược lại nhiều nơi khác gờ giảm tốc lại quá mỏng, mất tác dụng giảm tốc.

Rất dễ nhận thấy những loại gờ giảm tốc này trên quốc lộ 5, 10, 18, 3, 51... Ví dụ 25 cụm gờ giảm tốc trên quốc lộ 5, khoảng trên 80% có độ dày 3 - 4 mm (mỗi cụm gờ giảm tốc gồm 5-7 dải). Trong khi đó, theo quy định tạm thời về gờ giảm tốc của Cục Đường bộ VN ban hành năm 2003 thì chiều dày của gờ giảm tốc tối thiểu phải từ 6 - 8 mm.

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học & Công nghệ GTVT, hầu hết ôtô, xe máy không có dấu hiệu giảm tốc khi chạy qua các cụm gờ giảm tốc dày dưới 3mm và bố trí lắt nhắt mỗi cụm 5 -7 vạch sơn; xe ô tô chỉ thực sự giảm tốc độ khi gờ giảm tốc dày trên 6mm được bố trí liên tục trên đoạn dài 15 - 20 m và xe máy chỉ giảm tốc độ xuống 40 km/giờ khi đi qua gờ giảm tốc dày từ 5 mm trở lên.

Một điều ngạc nhiên là cho đến thời điểm hiện nay (Bộ GTVT đang xem xét dự thảo tiêu chuẩn gờ giảm tốc đường bộ), những người có trách nhiệm của Cục Đường bộ VN vẫn chưa tính nổi đã phải chi bao nhiêu tiền cho gờ giảm tốc.

Sắp tới đây, nếu dự thảo về tiêu chuẩn gờ giảm tốc được Bộ GTVT thông qua, nhiều khả năng các loại “sống trâu”, “sống voi” bất cập tồn tại nhiều năm nay sẽ bị thay thế. Như vậy, sau 6 năm tồn tại một cách tuỳ tiện, Nhà nước lại phải mất thêm nhiều tỉ đồng nữa để chuẩn hóa lại gờ giảm tốc.

Theo Đình Thắng
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm