1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Giải thưởng Nhân tài Đất Việt lĩnh vực Môi trường:

Giúp người nông dân làm giàu từ rác

(Dân trí) - “Người Nhật mất 20 năm để cải tạo môi trường và đã làm giàu từ rác. Tôi mong muốn góp phần rút ngắn thời gian đó và giúp người dân Việt Nam cũng giàu lên từ rác…”.

Đó là tâm huyết của Luật Sư Phạm Hồng Điệp - Nhà hoạt động bảo vệ môi trường xuất sắc vừa được nhận Giải thưởng Nhân tài Đất việt, lĩnh vực Môi trường.

Thời gian vừa qua, anh Phạm Hồng Điệp là người tiên phong thực hiện dự án có quy mô lớn về việc xử lý chất thải rắn nông thôn (bằng chế phẩm Sagi Bio) trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Dự án qua thời gian một năm đã thực hiện thành công trên quy mô 5 xã tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Theo đó, tất cả các hộ gia đình đã được tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn. Sau đó, các loại rác thải đều được tái chế thành các sản phẩm hữu ích phục vụ lại đời sống nhân dân, ví dụ: các loại rác nilon được tái chế thành hạt nhựa, các loại rác hữu cơ được tái chế thành phân hữu cơ vi sinh. Với phân bón này, người nông dân nhiều nơi dùng để nuôi giun quế, mang lại nguồn thu nhập mỗi năm khoảng 1 triệu đồng/1m2.

Đến nay, dự án đã được triển khai mở rộng tại 33 xã trên địa bàn Hải Phòng. Với ưu điểm dễ thực hiện ngay từ nguồn rác thải tại chỗ và đem lại lợi ích kinh tế thiết thực, dự án do anh Điệp triển khai đạt kết quả rất rõ, giúp giảm hẳn lượng rác thải gây ô môi trường – vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay.

Bộ trưởng Đinh La Thăng và ông Đào Minh Tú trao giải thưởng lĩnh vực Môi trường (Ảnh: Hữu Nghị)
Bộ trưởng Đinh La Thăng và ông Đào Minh Tú trao giải thưởng lĩnh vực Môi trường (Ảnh: Hữu Nghị)

Rác được phân loại sẽ được xử lý riêng, trong đó, rác thải hữu cơ sẽ trở thành phân hữu cơ vi sinh với nhiều khoáng chất, vi chất giúp cho cây trồng tốt hơn trong việc hấp thụ để sinh trưởng, phát triển.  Hơn nữa, sau khi được  xử lý, các chất thải cũng sẽ không còn các độc tính thấm vào đất gây ra ô nhiễm môi trường nước.

“Quá trình phân loại rác tưởng đơn giản mà rất gian nan, bởi thay đổi thói quen của một người đã khó mà đây là thói quen của cả cộng đồng. Trên thực tế việc vận động nhân dân và các cấp chính quyền cùng tham gia bảo vệ môi trường là một vấn đề lớn, mất rất công sức và đã có lúc tôi thất bại” – anh Điệp tâm sự .

Rất quan tâm đến vấn đề môi trường, GS Nguyễn Văn Hiệu đánh giá cao dự án này. “Việc thu gom tái chế, xử lý ô nhiễm môi trường từ hoạt động tái chế túi nilon hết sức cần thiết với tình hình môi trường như hiện nay. Cải tạo môi trường sẽ giúp cải thiện  sức khỏe người dân nông thôn và quan trọng nhất là tận dụng triệt để chất thải rắn làm nguyên liệu tái chế mang lại hiệu quả kinh tế cao và thiết thực cho thu nhập của người nông dân. Cũng từ đây, bà con sẽ thay đổi dần thói quen với nguồn rác thải ngay tại gia đình. Tôi mong muốn, mô hình sẽ được nhận rộng tại nhiều địa phương  chứ không chỉ riêng tại Hải Phòng …” - GS Hiệu nói.

Cùng mong muốn này, anh Điệp bày tỏ có thêm sự hỗ trợ từ các cơ quan chính quyền và các tổ chức kinh tế để mở rộng mô hình đến các địa phương khác, ngoài Hải Phòng. Bởi anh Hồng nhận ra rằng,  rác thải chính là nguồn lợi kinh tế lớn giúp người dân làm giàu. “Người Nhật mất 20 năm để cải tạo môi trường và đã làm giàu từ rác. Tôi cũng mong muốn và đang góp phần để điều đó thành hiện thực tại Việt Nam…”  -  anh Điệp chia sẻ.

Phạm Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm