"Giữ tổ ấm giữa đại dịch": Tấm lòng hướng về người lao động TPHCM
(Dân trí) - Bên cạnh những hoạt động hỗ trợ thực phẩm mùa dịch, TPHCM gần đây xuất hiện mô hình mới hỗ trợ người lao động gặp khó khăn một phần chi phí thuê nhà, giúp họ an cư vượt qua đại dịch.
Đó chính là ý tưởng của chương trình "Giữ tổ ấm giữa đại dịch" do Thành đoàn TPHCM phối hợp cùng Masterise Group thực hiện.
Trong ngôi nhà trọ nhỏ ở quận Bình Tân, TPHCM, chị Trần Thị Thắm (29 tuổi) một mình nuôi 2 con nhỏ, một bé 3 tuổi, một bé mới 3 tháng. Chồng chị - nguồn thu nhập chính của cả gia đình về quê chăm mẹ ốm không thể quay lại Sài Gòn vì giãn cách xã hội. 3 tháng nay, chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào tiền chồng mượn ở quê gửi vào.
"Trước đây, chồng tôi bán đậu hũ rong, thu nhập mỗi tháng chỉ vài trăm nghìn trong khi tiền nhà trọ 2 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể tiền con đi học, chi tiêu hàng ngày. Từ khi bùng dịch, thu nhập không có, tôi phải nợ tiền phòng trọ, tiền chồng gửi vào chỉ dám dùng mua sữa cho con, thực phẩm hàng ngày", chị Thắm ngậm ngùi chia sẻ.
Ở một căn nhà gần đó, chị Nguyễn Thị Xuân Diễm (40 tuổi) không dám ra đường cả tuần nay vì dịch. Thấy có chính quyền đến thăm hỏi, chị Diễm mới hé cửa. Là công nhân may, chị phải nghỉ việc hơn tháng nay vì con nghỉ học không có người trông. Chồng làm thiết kế nữ trang song công ty đóng cửa nên cũng không có thu nhập. "Cuộc sống gia đình bấp bênh, tôi chỉ mong muốn hết dịch đi làm lo cho con", chị Diễm nói.
Chị Thắm hay chị Diễm là hai trong hàng nghìn người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Đợt dịch lần thứ 4 lan rộng khiến nhiều lao động, người dân có hoàn cảnh khó khăn càng thêm chật vật. Những ngày qua, người dân TPHCM đồng lòng đùm bọc, chung sức, nhường cơm sẻ áo cho những hoàn cảnh khó khăn hơn mình bằng những hoạt động nghĩa tình như quyên góp tiền, tổ chức các điểm phân phát hàng hóa thiết yếu, bữa ăn miễn phí, tổ chức các gian hàng 0 đồng, siêu thị 0 đồng... Trong đó, Tập đoàn Masterise Group phối hợp với Thành đoàn TPHCM thực hiện chương trình "Giữ tổ ấm giữa đại dịch" đồng hành cùng người lao động, đối tượng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, vượt qua khó khăn.
Chương trình "Giữ tổ ấm giữa đại dịch" nhằm tiếp sức cho hơn 5.000 người lao động an cư vượt qua đại dịch, thông qua các khoản hỗ trợ chi phí thuê nhà và nhu yếu phẩm kịp thời.
Nhận món quà từ ông Jason Turnbull - Phó Tổng giám đốc Masterise Group, chị Huỳnh Thị Kim Chung (40 tuổi, ở số 48 đường Bờ Sông, Bình Tân, TPHCM) không giấu nổi sự xúc động. Chị Chung từng là công nhân, chồng làm việc tự do nhưng đều phải nghỉ việc vì dịch bệnh. Mọi chi phí sinh hoạt cho gia đình có 2 con đang tuổi ăn học đều dựa vào số tiền tiết kiệm ít ỏi. "Số tiền hỗ trợ này sẽ giảm bớt một phần gánh nặng về kinh tế trong thời gian dịch. Giờ tôi chỉ lo cho sức khỏe gia đình", chị chia sẻ.
Từng bán nước mía để trang trải cuộc sống, khi thành phố giãn cách, ông Lêu Hà Tử (74 tuổi, quận 5) cũng dừng bán. Không có thu nhập gia đình cũng chật vật trong từng bữa ăn. "Nhờ sự quan tâm của chính quyền, doanh nghiệp, gia đình có thêm bao gạo để ăn chờ hết ngày thành phố hết giãn cách", ông Hà Tử nói.
Trực tiếp trao quà cho người lao động trên địa bàn TPHCM, ông Jason Turnbull phần nào thấu hiểu những khó khăn, hoàn cảnh của những người dân ảnh hưởng bởi dịch. "Đây là lúc mỗi người cần góp một chút sức để hỗ trợ cho những người gặp khó khăn, cùng nhau vượt qua giai đoạn này. Masterise Group rất vui vì góp một phần nhỏ giúp đỡ cho những người dân thành phố", ông nói.
Ngay khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Masterise Group đã lên kế hoạch dài hạn, góp sức cùng Chính phủ chống dịch. Trong tháng 7, tập đoàn này cũng chi 6 tỷ đồng hỗ trợ thành phố trang thiết bị y tế phòng chống dịch gồm một máy X-quang di động, 20 máy theo dõi bệnh nhân, 36.400 bộ phòng dịch và 10.000 áo choàng phòng dịch. Trước đó, doanh nghiệp cũng ủng hộ 3 tỷ đồng cho quỹ chống dịch chung của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ông Lê Văn Bảy - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Bình Tân cho biết, quận Bình Tân hiện có 800.000 dân, là một trong những quận đông dân nhất của thành phố. Trong số đó có trên 350.000 công nhân nên số lượng người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 rất lớn. "Sau khi Mặt trận Tổ quốc quận kêu gọi giúp đỡ đã huy động được 80 lượt đơn vị hỗ trợ 32 đầu sản phẩm, với tổng giá trị là 4 tỷ đồng. Quận cũng đã xuất quỹ vì người nghèo 2 tỷ đồng, để mua quà trao tặng cho người dân trên địa bàn", ông Bảy nói.